Nợ xấu vay tiêu dùng tăng mạnh, làm gì để "khơi thông" dòng vốn?

(Banker.vn) Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng có xu hướng gia tăng từ mức 2% (năm 2022) lên 3,7%, thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng, với tổng dư nợ cho vay đạt 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nợ xấu vay tiêu dùng tăng mạnh, làm gì để
Hình minh họa.

Riêng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022, là mức tăng rất thấp so với 5 năm qua.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân khiến tín dụng tiêu dùng tăng chậm ngoài yếu tố khách quan như kinh tế khó khăn nên thu nhập và chi tiêu của người dân giảm sút, thì còn những yếu tố chủ quan.

“Cơ chế chính sách không có quy định siết chặt, khuôn khổ pháp lý đủ rộng cho các công ty lĩnh vực này hoạt động. Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại, củng cố để tăng cường nâng cao năng lực quản lý, tài chính của các công ty tài chính được thực hiện quyết liệt trong những năm qua, nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng chậm, rõ ràng là câu chuyện có vấn đề", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.

Một yếu tố nữa khiến các ngân hàng ngại cho vay tiêu dùng là tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ dùng biện pháp manh động để đòi nợ; Các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các TCTD nhưng không bị xử lý…

"Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của TCTD gặp rất nhiều khó khăn, một số TCTD buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay.

Tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng có xu hướng gia tăng từ mức 2% ở thời điểm năm 2022 lên 3,7% ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Bên cạnh đó, thu hồi nợ đang là vấn đề nhức nhối. Hơn nữa, nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen có cơ hội phát triển.

Ngoài tình trạng người vay cố tình trốn nợ, một thực tế khác nữa là việc hiện tại có nhiều công ty tài chính trá hình, nhập nhằng giữa tổ chức không được hoạt động cho vay và các tổ chức được cấp phép hoạt động chính thức.

Đại diện NHNN khẳng định, những vấn đề này cần được giải quyết, cần có quy định, nếu không thì bản thân các công ty tài chính chính thức bị lấn át, bị mất niềm tin của thị trường.

Agribank đại hạ giá bất động sản ở phố cổ Hà Nội

Ngân hàng Agribank rao bán nhiều lần hai căn nhà tại phố cổ Hà Nội với mức giá giảm mạnh. Tuy vậy, hiện vẫn chưa ...

Nam A Bank "sở hữu" hơn 1.200 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC

Ngoài việc nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nam A Bank cũng đang sở hữu khoản nợ tới hơn 1.286 tỷ đồng tại Công ty ...

Mai Lan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán