Nợ xấu ngân hàng vọt tăng: Nguyên nhân do ngân hàng hay người vay?

(Banker.vn) Tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm đã tăng vọt lên mức 3,56% đến cuối tháng 7. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân nợ xấu tăng là do người vay, trong khi ý kiến khác quy trách nhiệm này do phía ngân hàng cho vay.

Từ đầu năm đến nay, các yếu tố bất lợi như sự cố SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng khiến tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% tại thời điểm cuối tháng 7/2023.

Nợ xấu ngân hàng vọt tăng: Nguyên nhân do ngân hàng hay người vay?
Hình minh họa.

Đây là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo NHNN, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Đầu 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022.

Tuy nhiên, Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.

Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Một số ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu (tính trên tổng dư nợ cho vay) đến cuối tháng 6 vượt 3%, gồm NCB, ABBank, BVBank, VPBank, VietBank, OCB, PGBank.

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục chịu áp lực thời gian tới. Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý III năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau.

NHNN nhìn nhận tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraine trở nên phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ.

Hiện tại, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Bên cạnh đó, theo NHNN, thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.

Đặc biệt, việc cơ cấu các ngân hàng yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.

Trách nhiệm của ai?

Về phía người vay, người vay không thể đứng ngoài trách nhiệm đối với nợ xấu của ngân hàng. Khi lãi suất cho vay cao, người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ thì dễ hiểu, nhưng nay, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1% so với cuối năm trước, mà nợ xấu tăng lên, thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân.

Trên thực tế, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thấp do nhiều nguyên nhân.

Trước hết và quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động của người vay rất thấp. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân năm 2021 chỉ đạt 4,29%, không những thấp hơn lãi suất đi vay, mà còn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực còn mang dấu âm (lỗ) hoặc có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ suất chung. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế năm 2023 có thể còn thấp hơn năm 2021 và 2022. Doanh nghiệp gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.

Ở đầu vào, tỷ trọng vốn từ ngân hàng lớn (khoảng 2/3 tổng giá trị tài sản), lãi suất dù đã hạ, nhưng vẫn còn khá cao. Việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp khó khăn, trong khi nợ lớn…

Ở đầu ra, cầu tiêu dùng tuy tăng, nhưng quy mô vẫn còn thấp do tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt chặt chi tiêu” xuất hiện trong hơn 2 năm đại dịch vẫn còn tiếp tục. Xuất khẩu hàng hóa tuy có tăng trong mấy tháng gần đây, nhưng tính chung các kỳ này và khả năng cả năm so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm, do nhu cầu thế giới còn thấp, mặc dù lãi suất cơ bản không tăng, nhưng vẫn ở mức cao; kim ngạch nhập khẩu còn giảm nhiều hơn xuất khẩu…, gây khó khăn về nguyên vật liệu để sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong chu kỳ sau…

Với tình trạng doanh nghiệp đang gặp khó khăn về điều kiện vay, ngân hàng đã giảm bằng cách hoãn nợ, cơ cấu lại nợ…, nhưng chưa được nhiều.

Tổng hợp chung là nhu cầu vay vốn và khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế còn thấp và đó là trách nhiệm của người vay đối với nợ xấu tăng.

Về phía ngân hàng, đây là các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp. Cho vay là phải “trông giỏ bỏ thóc”. Lãi suất cho vay giảm ít hơn lãi suất huy động, nhưng còn phải xử lý lãi suất huy động ở mức cao trong thời gian trước, do “độ trễ” của sự chuyển động của dòng vốn với mức lãi suất khác nhau.

Về tốc độ tăng tín dụng, tính đến cuối tháng 9 mới tăng 6,29%; sau 9 tháng còn thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng theo định hướng (14%); khả năng cả năm được dự báo chỉ đạt 12% và thuộc loại thấp so với nhiều năm trước (năm 2016 tăng 18,25%; năm 2017 tăng 18,28%; năm 2018 tăng 10,07%; năm 2019 tăng 13,65%; năm 2020 tăng 12,17%; năm 2021 tăng 13,6%; năm 2022 tăng 14,5%).

Về vai trò của tín dụng (vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, vừa bảo đảm an toàn hệ thống) có một số điểm đáng lưu ý.

Vai trò góp phần tăng trưởng kinh tế - mục tiêu ưu tiên hiện nay- sẽ gặp khó khăn khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp.

Vai trò góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu có triển vọng đạt được, nhưng bắt đầu từ tháng 9, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng đột ngột tăng cao khác thường, lần đầu tiên CPI bình quân 9 tháng từ giảm đã quay đầu tăng, có thể cả năm không cao hơn 4%, nhưng có thể sẽ tăng cao vào Tết Nguyên đán.

Vai trò bảo đảm an toàn hệ thóng cũng còn gặp khó khăn, khi lãi suất tiền gửi giảm, dòng tiền sẽ không trở lại ngân hàng, mà có thể chạy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, rồi vàng, tiền ảo, rồi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia…

Việc giải quyết nợ xấu phải được kết hợp bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Các ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao, giảm tỷ trọng cho vay vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Mặt khác, vẫn phải giữ vị trí “trông giỏ bỏ thóc”, bảo đảm an toàn hệ thống… Các doanh nghiệp cần chuyển dịch cơ cấu, đón lõng các đơn hàng, tranh thủ lúc giá nhập khẩu còn giảm, cơ cấu lại các khoản nợ…

Vừa bị TAND tỉnh Gia Lai mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đang là “con nợ” của những nhà băng nào?

Ngày 9/10, TAND tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Được biết, các ngân ...

Agribank siết nợ khách sạn của một doanh nghiệp trên sàn

Khách sạn được Agribank đưa ra đấu giá là tài sản đảm bảo của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (Tay Nguyen ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục