Nợ xấu ngân hàng chững lại sau 7 quý leo thang

(Banker.vn) Nợ xấu ngân hàng đã liên tục duy trì đà tăng qua nhiều tháng kể từ cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 đi qua, tuy nhiên quý IV/2023 đã ghi nhận quý đầu tiên có số dư nợ xấu giảm.

Cụ thể, số dư nợ xấu tính đến cuối quý IV/2023 giảm 7,3% so với quý trước. Mặc dù vậy, tổng số dư nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2023 của nhóm ngành ngân hàng vẫn tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận ở mức hơn 194.600 tỷ đồng.

Nợ xấu ngân hàng chững lại sau 7 quý leo thang
Hình minh họa.

Ngoài ra, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng ghi nhận đã giảm quý thứ hai liên tiếp, xuống hơn 192.700 tỷ đồng, thấp hơn kết quả cuối quý III là 11% nhưng vẫn tăng 23,1% so với thời điểm cuối năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã cải thiện nhanh trong quý cuối cùng của năm 2023 khi số dư nợ xấu quay đầu giảm và tăng trưởng tín dụng cao tập trung vào tháng cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành cũng được cải thiện xuống còn 1,93%, giảm 0,32 điểm % so với cuối quý III. Nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này vẫn đang cao hơn 0,32 điểm %.

Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng niêm yết, có 18 ngân hàng đã ghi nhận số dư nợ xấu cuối quý IV/2023 giảm so với cuối quý III, trong đó dẫn đầu là BIDV (giảm 4.165 tỷ đồng so với quý III) và LPBank (giảm 3.678 tỷ đồng).

Mặc dù số dư và tỷ lệ nợ xấu đã giảm trong quý IV, Chứng khoán SSI dự báo rằng tỷ lệ này có thể tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có sự cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo rằng nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát nhờ các chính sách hỗ trợ và việc khách hàng quay trở lại trả nợ khi áp lực chi phí lãi vay giảm bớt.

Trong kịch bản Thông tư 02 không được gia hạn, VCBS ước tính tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (loại trừ SCB và các ngân hàng chuyển giao bắt buộc) sẽ tăng nhanh khi nợ tái cơ cấu tới thời hạn trả. Đồng thời, tỷ lệ nợ tái cơ cấu sẽ giảm kể từ quý II/2024.

Tuy nhiên, diễn biến nợ xấu sẽ có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt được dự báo sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.

Để xử lý nợ xấu có hiệu quả, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất cần luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ.

“Sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ góp phần tích cực trong kết quả thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực, sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các TCTD”, ông Bình nhìn nhận.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề xuất ban hành sửa đổi/bổ sung, thiết lập mối liên kết giữa các quy định pháp luật, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi phát sinh những quy định khác nhau.

Đồng thời, các cơ quan Tòa án, Thi hành án đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thời hạn tố tụng, thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD.

Còn theo đại diện MB, cần áp dụng giải pháp tố tụng rút gọn trực tuyến và các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật không trả nợ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Trong khi đó, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, nhiều doanh nghiệp có nợ nhóm 1 đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, ông Ấn đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép TCTD được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. "Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ", ông Ấn nói.

Về tiếp tục duy trì Thông tư 02, tại buổi họp báo mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ xem xét để trong trường hợp cần thiết có thể tiếp tục áp dụng. "Tính đến 30/6, nếu như nền kinh tế vẫn cần, doanh nghiệp vẫn cần thì trước đó khoảng 3 tháng, chúng tôi sẽ trình để tiếp tục duy trì Thông tư 02", ông Tú cho hay.

Kinh doanh kém sắc trong năm 2023, Eximbank vẫn lên kế hoạch 2024 đầy tham vọng

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế tại Eximbank đạt 2.720 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 54,4% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên ngân hàng này ...

Lãi lớn từ chứng khoán đầu tư, ACB báo lợi nhuận quý 4 tăng 40%

Nhờ thu từ chứng khoán đầu tư tăng đột biến cùng với việc tiết giảm chi phí hoạt động đã giúp ACB ghi nhận lợi ...

Vân Anh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán