Nỗ lực hoàn thành mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

(Banker.vn) Đẩy mạnh sản xuất ô tô điện không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu của Việt Nam tại COP 26 mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Hồi chuông cảnh báo về "bão kinh tế" ngành công nghiệp ô tô Để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hòa vào 'dòng chảy' cung ứng toàn cầu

Khát vọng nội địa hóa

Phát triển thị trường ô tô trong nước để thúc đẩy ngành sản xuất, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, là mục tiêu chiến lược được Chính phủ đề ra và triển khai thực hiện trong hàng chục năm qua. Những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để kéo các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đến với Việt Nam từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 và sau này là Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước ở từng giai đoạn đã được ban hành, bổ sung cho phù hợp với thực tế và diễn biến của thị trường.

Có thể nhận thấy, thị trường ô tô trong nước và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Dung lượng thị trường lớn dần qua từng năm, tỷ lệ nội địa hóa tăng đã giúp cho giá xe rẻ đi và giấc mơ sở hữu ô tô đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Ô tô "made in Việt Nam" không chỉ lăn bánh trên khắp nẻo đường đất nước mà còn có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, những nơi được xem là “cái nôi” của ngành công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, bức tranh công nghiệp ô tô trong nước vẫn còn những gam màu chưa sáng, thể hiện rõ nhất là việc thực hiện nội địa hóa sản phẩm theo cam kết của các nhà đầu tư.

Hiện thực hóa mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Ảnh: Duy Minh

Chia sẻ về nội dung này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, những năm 1990 khi Việt Nam bắt tay vào thiết kế chương trình công nghiệp hóa cho nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm tới lĩnh vực phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam như: Toyota, Isuzu, Hyundai, Deawoo, Ford… Và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, năm 1995, đã có tới 11 hãng ô tô nổi tiếng khắp thế giới chính thức vào Việt Nam để phát triển dây chuyền lắp ráp đầu tiên.

“Lúc đó tất cả chúng tôi đều có một niềm tin, một khát vọng là các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, tỷ lệ nội địa hóa sẽ tăng lên, người Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều về kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý, có sự chuyển giao công nghệ để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hình thành” - vị chuyên gia nhớ lại.

Thực tế ở thời điểm đó, để hiện thực hóa những kỳ vọng về phát triển thị trường ô tô trong nước và đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam đã đưa ra những ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này. Và phần lớn các nhà đầu tư cũng cam kết sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 30% sau khoảng 10 - 15 năm cùng lời hứa chuyển giao công nghệ và xuất khẩu xe.

Tuy nhiên, theo bà Lan, thực tế sau đó hoàn toàn trái ngược với cam kết và kỳ vọng ban đầu. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dùng các doanh nghiệp phụ trợ do họ mang từ bên ngoài vào Việt Nam. Những đơn vị này cũng được hưởng các ưu đãi như các thương hiệu ô tô, đặc biệt là với mức thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10%, trong khi các doanh nghiệp ngành phụ trợ Việt Nam khi đó vẫn phải gánh mức thuế lên tới hơn 20%. “Với ưu đãi như vậy, thì các ngành phụ trợ ở Việt Nam không có cơ hội phát triển” - bà Lan nêu quan điểm.

Điều này minh chứng vì sao số lượng doanh nghiệp ngành phụ trợ tại Việt Nam rất ít, chỉ khoảng 3.400 doanh nghiệp trong tất cả các ngành. Số lượng đơn vị trong ngành ô tô thậm chí chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số trên. Và mới đây, khi thương hiệu ô tô trong nước Vinfast đẩy mạnh sản xuất xe điện tại thị trường trong nước và mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thì kỳ vọng ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô nói riêng có thêm động lực tăng trưởng là hoàn toàn có cơ sở.

Hiện thực hóa mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
VinFast đã có tỷ lệ nội địa hóa lên tới hơn 60% và theo kế hoạch sẽ lên tới 84% vào năm 2026. Ảnh: Duy Minh

Với VinFast, bà Phạm Chi Lan chia sẻ sự vui mừng tận mắt chứng kiến những chi tiết quan trọng của xe điện như thân vỏ, động cơ… đã được sản xuất ngay tại Hải Phòng - trên mảnh đất Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất của nhà máy cũng từ những nền công nghiệp tiên tiến nhất, hiện đại nhất.

Vị chuyên gia kinh tế nhắc tới con số theo bà là thuyết phục khi VinFast đã có tỷ lệ nội địa hóa lên tới hơn 60% và theo kế hoạch sẽ lên tới 84% vào năm 2026. “Tôi hoàn toàn tin VinFast làm được. Chỉ hơn 7 năm nhưng VinFast đã làm được nhiều hơn các hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm” - bà Lan đánh giá.

Đồng thời bà khẳng định, những con số đó đã và đang đóng góp lớn cho nền công nghiệp Việt Nam. “Mong các nhà cung cấp sẽ chung tay với VinFast để thực hiện giấc mơ nội địa hóa của Việt Nam, thực hiện giấc mơ xanh” - vị chuyên gia bày tỏ.

“Sếu đầu đàn” không đi một mình

Chia sẻ định hướng của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Nhà máy VinFast Việt Nam cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động, đơn vị đã tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước bên cạnh sản xuất xe. Tại khu tổ hợp sản xuất, hơn 30% diện tích đã được dành cho khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng.

Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa trên xe điện VinFast đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe và giảm xóc. Đặc biệt, hãng xe đã chủ động sản xuất các cấu phần quan trọng như thân vỏ, động cơ… nhờ các xưởng sản xuất có mức độ tự động hóa trên 90%, đảm bảo chất lượng và quy mô sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại trong nhà máy của hãng có các xưởng: dập, hàn, lắp ráp, động cơ… đều được lắp đặt trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới của Đức, Áo, Hàn Quốc…

“VinFast dự kiến nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 84% vào năm 2026 bằng việc sản xuất trong nước các chi tiết như ghế xe, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh-lái, linh kiện nội thất và ngoại thất, kính gương... Khi sản xuất được pin điện, chúng tôi sẽ đạt tỷ lệ 84% - đây là linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện” - ông Ngọc Anh nói.

Hiện thực hóa mục tiêu nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Tại khu tổ hợp sản xuất của VinFast, hơn 30% diện tích đã được dành cho khu công nghiệp phụ trợ. Ảnh: Duy Minh

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, VinFast đã hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện và các lĩnh vực hỗ trợ như logistics, lắp ráp, gia công đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong ngành công nghiệp phụ trợ, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ cao và kỹ năng quản lý hiện đại.

Hiện tại, hãng xe Việt đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất tích hợp ngay trong khu vực nhà máy, gồm trung tâm hỗ trợ sản xuất và chuỗi cung ứng đồng bộ. Đơn vị cũng cam kết ký hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp phụ trợ đủ tiêu chuẩn, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và mở rộng quy mô.

Chia sẻ từ nhà cung cấp nhựa ngoại thất, ông Trần Quốc Minh Đăng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ý Chí Việt nhấn mạnh rằng bước ngoặt lớn năm 2020 khi trở thành nhà cung cấp linh kiện cho VinFast. Hiện nay, đơn vị đã cung cấp hơn 80 linh kiện và trên 60 khung nhựa cho các xe VF e34, VF 9 và buýt điện.

“Chúng tôi tự hào khi đã cung cấp được các linh kiện nhựa đòi độ khó và chính xác cao với hệ thống ADAS cho xe điện VinFast. Thành tựu hôm nay của chúng tôi là thành quả nỗ lực hơn 10 năm phát triển, củng cố tự tin, đẩy mạnh nội địa hóa” - ông Trần Quốc Minh Đăng chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ông đánh giá rất cao những nỗ lực và thành tựu mà VinFast đã đạt được. “Trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tôi mong VinFast là cánh chim đầu đàn. Họ đi đầu nhưng dẫn đàn chứ không đi một mình, giúp Việt Nam bước nhanh, thậm chí bỏ qua một số giai đoạn tuần tự. Đây là điều phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xanh hóa và phát triển bền vững” - ông Tuấn nói.

Nhận định về chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của VinFast, các chuyên gia cho rằng, đó không chỉ là mục tiêu kinh doanh của một doanh nghiệp mà còn là một phần trong sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Với mục tiêu chiến lược và cam kết lâu dài, hãng xe Việt góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ và bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam trong tương lai.

Trong đề cương Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Công Thương dự thảo, mục tiêu được đặt ra là: Đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục