Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhà ở cho người lao động vẫn "nhức nhối"

(Banker.vn) Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, nhà ở cho người lao động... là một trong những vấn đề người lao động quan tâm gửi tới Diễn đàn Người lao động năm 2023.
Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp Chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động, ngừa tranh chấp, đình công Diễn đàn Người Lao động năm 2023 sẽ tập trung 3 nhóm vấn đề

Giải pháp nào đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động?

Chiều 28/7, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “'Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhà ở cho người lao động vẫn "nhức nhối"
Diễn đàn Người Lao động năm 2023

Diễn đàn là dịp để đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 -2026, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.

Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau khi lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức Diễn đàn Người Lao động, ngày 07/7/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, người lao động cả nước.

Sau 2 tuần triển khai lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận có 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động được tổng hợp từ báo cáo của 79/82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc; hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.

Các ý kiến nghị tập trung vào vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; việc làm, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần; vấn đề học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cơ hội phát triển; các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, vấn đề nhà ở, nơi vui chơi giải trí, nơi học hành của con người lao động; các kiến nghị góp ý sửa đổi các đạo luật liên quan trực tiếp đến người lao động và tổ chức Công đoàn như: Luật bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật đất đai, Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Công đoàn…

Nhức nhối tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Trong các vấn đề được đoàn viên, người lao động quan tâm nổi lên một số vấn đề: Nhà ở cho người lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách đặc thù cho người lao động ngành giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ.

Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhà ở cho người lao động vẫn "nhức nhối"
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe của công nhân; sinh hoạt văn hóa, thể thao; việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; việc xây dựng gia đình công nhân ấm no, tiến bộ, hạnh phúc... Đây cũng là mối quan tâm, trăn trở của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn trong quá trình thực thi trọng trách do nhân dân giao phó - ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. Tại diễn đàn hôm nay, đại diện đoàn viên, người lao động cả nước là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và cán bộ công đoàn sẽ phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.

"Lần đầu tiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham mưu, đề xuất tổ chức Diễn đàn Người lao động dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Quốc hội với kỳ vọng giúp đoàn viên, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp tới Quốc hội" - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.

Từ đó, nhận thức rõ hơn và thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, góp phần tiếp tục khẳng định sự đổi mới của Quốc hội, hoạt động ngày càng gần hơn với cử tri, người lao động; khẳng định vai trò tích cực, chủ động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, Diễn đàn càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2023), cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi lần đầu tiên có 500 đoàn viên, người lao động có mặt tại Hội trường Diên Hồng, biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước, nơi thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, sức mạnh dân tộc Việt Nam để nói lên tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động cả nước.

Đoàn viên, người lao động cả nước tin tưởng và kỳ vọng tại Diễn đàn này, các ý kiến phản ánh sẽ được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, khách quan và được phân tích, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương