Ninh Bình từng bước tiến gần tới Bảo hiểm xã hội toàn dân

(Banker.vn) Bảo hiểm xã hội Ninh Bình tập trung phát triển mạnh đối tượng Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng là nông dân và lao động khu vực nông thôn.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai thực hiện hai nhóm thủ tục hành chính liên thông Cách đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện qua ứng dụng một số ngân hàng

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình, 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia Bảo hiểm xã hội của tỉnh là 159.395 người, đạt 92,43% kế hoạch, tăng 2.786 người, tương đương 1,78% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 141.168 người, đạt 94,01% kế hoạch; Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 18.296 người, đạt 81,78% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 133.614 người, đạt 92,16% kế hoạch, đạt 25,72% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia Bảo hiểm Y tế là 920.217 người, đạt 97,35% kế hoạch, đạt 91,04% dân số. Tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 1.712 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch, tăng 121 tỷ đồng, tương đương 7,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình đã chủ động cấp kinh phí cho Bưu điện và Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố để chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội cho người thụ hưởng đầy đủ; cấp ứng kinh phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế cho cơ sở y tế kịp thời, đảm bảo quy định. Tổng số chi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 1.938 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế thực hiện khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế cho gần 850 nghìn lượt người, với tổng số tiền là 499 tỷ đồng.

Ninh Bình từng bước tiến gần tới Bảo hiểm xã hội toàn dân
Ninh Bình từng bước tiến gần tới Bảo hiểm xã hội toàn dân

Cùng với đó, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai thu thập đồng bộ dữ liệu người tham gia Bảo hiểm Y tế là trẻ em dưới 6 tuổi với dữ liệu dân cư; phối hợp với Sở Lao động, Thương Bình và Xã hội triển khai thu thập đồng bộ dữ liệu người tham gia Bảo hiểm Y tế do ngành quản lý.

Tính đến 30/6/2023, đã đồng bộ định danh cá nhân/Căn cước công dân cho 827.967 người, bằng 91,59% trên tổng số người cơ quan Bảo hiểm xã hội quản lý cấp thẻ Bảo hiểm Y tế; số người chưa đồng bộ là 76.046, bằng 8,41%, trong đó 11.860 người đã có Căn cước công dân nhưng chưa xác thực được với dữ liệu dân cư.

Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc lớn, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu, chi trả các chế độ cho đối tượng.

Theo đó, tập trung phát triển mạnh đối tượng Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng là nông dân và lao động khu vực nông thôn; nâng cao sự hài lòng của tổ chức và người dân trong quá trình phục vụ, từng bước thực hiện Bảo hiểm xã hội toàn dân.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.512 đơn vị, doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội với tổng số tiền trên 200 tỉ đồng, trong đó số đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên 594 đơn vị với tổng số tiền trên 111 tỉ đồng. Việc các đơn vị, doanh nghiệp tại tỉnh chậm đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động đã khiến không ít lao động gặp khó khăn, nhiều công nhân lao động khi chuyển nơi làm việc không chốt được sổ Bảo hiểm xã hội, thậm chí nhiều công nhân lao động ốm đau, thai sản... cũng không thể giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội.

Thông tin về vấn đề này, đại diện Bảo hiểm xã hội Ninh Bình cho biết, ngoài việc ra thông báo đôn đốc thu nợ đến các đơn vị, doanh nghiệp, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình sẽ tiến hành thanh tra đột xuất chuyên ngành Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh tính của các đơn vị nợ đọng lớn...

Ngoài ra, 6 tháng cuối năm 2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế; quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm Y tế hiệu quả, đúng quy định. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với ngành Công an rà soát, cập nhật, xác thực thông tin người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo 100% người tham gia được xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Bình đã và đang không ngừng nỗ lực với nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ, kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ phát triển được 13 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội, từng bước tiến gần tới Bảo hiểm xã hội toàn dân.

Nhật Khôi

Theo: Báo Công Thương