Những yếu tố vĩ mô nào sẽ định hình VN-Index trong năm 2025?

(Banker.vn) Năm 2025 dự báo là năm đầy thử thách cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Pinetree nhận định, các yếu tố như nâng hạng thị trường, đầu tư công và rủi ro tỷ giá sẽ tiếp tục chi phối VN-Index. Nhà đầu tư cần thận trọng trước biến động từ chính sách thương mại Mỹ, lãi suất Fed và áp lực tỷ giá nội địa.

Những cơn sóng dữ dội và kỳ vọng cho năm mới

Năm 2024 khép lại với nhiều biến động lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là chỉ số VN-Index, từ những cú tăng trưởng ấn tượng đầu năm cho đến các đợt điều chỉnh mạnh và trạng thái sideway kéo dài cuối năm. Dưới đây là tổng hợp chi tiết các cột mốc quan trọng trong hành trình biến động của VN-Index năm qua của Chứng khoán Pinetree.

Khởi đầu bùng nổ với nhóm ngân hàng (Quý 1/2024)

VN-Index bắt đầu năm 2024 với làn sóng tăng mạnh từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, được kích hoạt bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Đặc biệt, kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường từ FTSE Russell đã thu hút dòng tiền lớn, đặc biệt vào nhóm VN30 với nhiều cổ phiếu ngân hàng có định giá hấp dẫn.

Theo Chứng khoán Pinetree, dù bị khối ngoại bán ròng miệt mài suốt 2 năm nay, khoảng thời gian quý 1/2024, lực bán ròng này đã yếu đi rất nhiều. Lý do chủ yếu bởi khối ngoại mua ròng mạnh các cổ phiếu ngân hàng trong khi lại bán ròng các nhóm cổ phiếu khác.

VN-Index và Xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại năm 2024. Nguồn: Chứng khoán Pinetree tổng hợp
VN-Index và Xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại năm 2024. Nguồn: Chứng khoán Pinetree tổng hợp

Nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, VN-Index tăng liên tục từ mức 1.130 lên 1.293 điểm, tương ứng mức tăng hơn 160 điểm trong quý đầu tiên. Tuy nhiên, sức tăng bắt đầu suy yếu vào cuối tháng 3 khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng do các yếu tố chính trị và sự cố hệ thống của VNDirect.

Đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên (tháng 4/2024)

Tháng 4 chứng kiến đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên của VN-Index, với sự kiện Iran phóng hơn 300 quả tên lửa vào Israel làm bùng nổ làn sóng bán tháo. Chỉ trong phiên 15/4, VN-Index lao dốc gần 60 điểm, nối tiếp là ba phiên giảm mạnh do sự thất vọng từ quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed.

Từ mức đỉnh cuối tháng 3, VN-Index giảm 126 điểm trước khi tạo đáy vào cuối tháng 4, nhờ căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt và các doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh tích cực tại Đại hội đồng cổ đông.

Cơn sóng cổ phiếu công nghệ và viễn thông (tháng 4 - tháng 6/2024)

Làn sóng công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lan tỏa đến Việt Nam, kích hoạt sự tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu như FPTCMG. Các cổ phiếu này ghi nhận mức tăng trên 50% trong hai tháng, kéo theo sự chú ý của dòng tiền đầu cơ vào các cổ phiếu áp dụng công nghệ trong kinh doanh như viễn thông và hóa chất.

Sự bùng nổ của nhóm công nghệ kết hợp với kết quả kinh doanh quý I/2024 vượt kỳ vọng đã đưa VN-Index vượt mốc 1.300 điểm vào ngày 13/6. Tuy nhiên, ngay sau đó, dòng tiền thông minh chốt lời, tạo nên mốc kháng cự khó vượt qua trong suốt phần còn lại của năm.

Đợt điều chỉnh thứ hai (tháng 6 - tháng 8/2024)

Sau khi đạt đỉnh trung hạn, VN-Index trải qua đợt điều chỉnh mạnh thứ hai kéo dài hơn một tháng, giảm 120 điểm do sự suy yếu của nhóm công nghệ, áp lực tỷ giá và sự kiện "ngày thứ Hai đen tối" vào 5/8. Sự kiện này bắt nguồn từ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, làm sụp đổ chuỗi giao dịch "carry trade" trên toàn cầu, gây chấn động đến thị trường tài chính châu Á và Việt Nam.

Sideway và những hy vọng dang dở (tháng 8 - tháng 12/2024)

Sau cú sốc từ "ngày thứ Hai đen tối", VN-Index hồi phục mạnh mẽ trong tháng 8, đạt gần 1.300 điểm nhờ các thông tin tích cực về lạm phát Mỹ và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, việc thiếu động lực từ các dòng cổ phiếu mới khiến VN-Index quay đầu điều chỉnh trong tháng 10 và 11, đặc biệt sau khi cổ phiếu VHM giảm mạnh do nhà đầu tư chốt lời.

Những thông tin như Donald Trump tái đắc cử, Fed hạ lãi suất ba lần trong năm, và kỳ vọng nâng hạng thị trường tiếp tục là điểm sáng, nhưng không đủ để VN-Index vượt qua mốc kháng cự 1.300 điểm. Từ tháng 8 đến cuối năm, VN-Index chủ yếu dao động trong biên độ hẹp 1.200 - 1.300 điểm, với phần lớn nhà đầu tư ghi nhận hiệu suất kém tích cực.

VN-Index năm 2025 liệu có đột phá?

Năm 2024 chứng kiến những khó khăn đáng kể đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhóm phân tích Chứng khoán Pinetree nhận định, năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm thử thách lớn với nhiều biến số chưa có lời giải, đòi hỏi sự thận trọng và linh hoạt từ nhà đầu tư.

Theo nhóm phân tích, các câu chuyện như nâng hạng thị trường, giải ngân đầu tư công, hay sự hồi phục của bất động sản vẫn sẽ là những chủ đề chính trong năm 2025. Tuy nhiên, đây cũng là những kỳ vọng đã không thể hoàn thành trong năm 2024, khiến sự lạc quan trở nên thận trọng hơn.

Việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh nền lợi nhuận của năm trước ở mức cao, trong khi nhiều cổ phiếu tốt và có triển vọng dài hạn lại đang được giao dịch ở mức định giá không hấp dẫn. Điều này đặt ra bài toán lớn cho nhà đầu tư khi phải cân nhắc giữa các yếu tố tăng trưởng và rủi ro thị trường.

Trên thị trường quốc tế, nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bắt đầu từ ngày 20/1/2025, đang dấy lên lo ngại về chính sách thuế quan. Những thay đổi này có thể đẩy giá hàng hóa và lạm phát toàn cầu lên mức cao trở lại. Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát tín hiệu về khả năng giảm số lần hạ lãi suất trong năm 2025 xuống còn hai đợt. Động thái này đi ngược lại kỳ vọng của thị trường và đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều ngay trong nội bộ Fed.

Những diễn biến này không chỉ tạo áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá trong nước. Cuối năm 2024, tỷ giá USD đã đạt mức cao nhất năm, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải can thiệp bán ra khoảng 3 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá. Rủi ro về tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2025, tạo thêm áp lực lên nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Pinetree nhận định, không chỉ riêng VN-Index mà cả thị trường chứng khoán thế giới có thể sẽ đối mặt với những biến số khó đoán trước. Các yếu tố như lãi suất, chính sách thương mại, và tình hình địa chính trị sẽ là những tác nhân chính ảnh hưởng đến diễn biến thị trường. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản để ứng phó với biến động của thị trường.

Xác suất VN-Index vượt kháng cự mạnh không cao, chuyên gia “mách nước” giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua ghi nhận sự phục hồi tích cực, với VN-Index tăng 1,40% và đóng cửa ở mức 1.275,14 ...

Những nhóm cổ phiếu tiềm năng trong 2025 dưới góc nhìn từ VCBS

VCBS dự báo thị trường chứng khoán 2025 đầy triển vọng với VN-Index đạt 1.663 điểm trong kịch bản khả quan. Nâng hạng thị trường, ...

Thị trường chứng khoán 2025 kỳ vọng có nhiều “hàng tốt”

Thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 phục hồi tích cực nhưng hoạt động IPO và thoái vốn Nhà nước còn gặp khó. Các rào ...

Đức Anh

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục