Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023

(Banker.vn) BSC đánh giá các yếu tố tác động đến triển vọng thị trường chứng khoán 2023 trên cơ sở xem xét các khía cạnh môi trường kinh tế và triển vọng kinh tế vĩ mô, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, các dòng vốn, triển vọng kinh tế thế giới và các vấn đề khác.
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng cả chất và lượng

Chứng khoán BSC nhận định kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023 đối diện với nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra ở các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, căng thẳng địa chính trị và các biện pháp trừng phạt/đáp trả giữa các quốc gia vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt, mặt khác với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường – đặc biệt là việc sửa đổi Nghị định 65, bên cạnh áp lực về điều hành tỷ giá, lãi suất của NHNN phần nào đã được giảm bớt vào cuối năm sẽ là những yếu tố nâng đỡ, tạo đà trong năm 2023.

Mặt bằng định giá của thị trường Việt Nam vẫn ở vùng giá thấp trong nhiều năm. Ảnh minh họa
Mặt bằng định giá của thị trường Việt Nam vẫn ở vùng giá thấp trong nhiều năm. Ảnh minh họa

4 yếu tố "nâng đỡ" chứng khoán Việt Nam năm 2023

Báo cáo vĩ mô thị trường 2023 chỉ ra các yếu tố bất định ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định vĩ mô vẫn hiện hữu cuối năm 2022.

"Việt Nam đang có độ lệch pha so với thế giới do việc bước ra khỏi đại dịch COVID chậm hơn. Thời điểm cuối 2021, nền kinh tế Việt Nam suy yếu bước ra khỏi dịch bệnh thì các nền kinh tế chủ chốt thế giới tăng trưởng tốt còn sang năm 2022 kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt thì các nền kinh tế chủ chốt lại suy yếu.

Điều này nhắc nhở về quan điểm thận trọng cả về thị trường chứng khoán và nền kinh tế là cần thiết trong năm 2023".

Nhóm phân tích của BSC Research cho biết các yếu tố thuận lợi đến thị trường chứng khoán ở thị trường bao gồm:

Thứ nhất, Kinh tế vĩ mô ổn định, các động lực tăng trưởng định hình sau dịch, dư địa chính sách tài khoá còn lớn hỗ trợ đà tăng trưởng quanh mức sản lượng tiềm năng trong của các năm trước dịch;

Thứ hai, Chính phủ tập trung tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung;

Thứ ba, mặt bằng định giá của thị trường Việt Nam vẫn ở vùng giá thấp trong nhiều năm;

Thứ tư, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng rõ rệt trong tháng 11 và 12 năm 2022 và có thể còn duy trì trạng thái mua ròng năm 2023 là tiền đề kéo dòng vốn nội quay trở lại thị trường.

Ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, BSC cho rằng rủi ro không chỉ đến từ bên ngoài mà cả nội tại của nền kinh tế và lưu ý ở một số yếu tố. Cụ thể ở thị trường quốc tế, ngân hàng trung ương duy trì mức lãi suất cao ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế và khả năng suy thoái với lạm phát cao, xung đột địa chính trị và biến động của giá hàng hóa.

Tại thị trường trong nước, nhà đầu tư cần lưu ý môi trường lãi suất cao, hoạt động xuất khẩu thu hẹp, tình trạng thất nghiệp có nguy cơ gia tăng và lạm phát kỳ vọng cao; cùng với đó các thị trường đầu tư đạt đỉnh và cần thời gian dài để ổn định.

BSC đánh giá các yếu tố tác động đến triển vọng thị trường chứng khoán 2023 trên cơ sở xem xét các khía cạnh môi trường kinh tế và triển vọng kinh tế vĩ mô, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, các dòng vốn, triển vọng kinh tế thế giới và các vấn đề khác.

Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023
Nguồn: BSC Research.

VN-Index đạt 1.300 điểm trong năm 2023

BSC dự báo lợi nhuận sau thuế của các cổ phiếu từng ngành đóng góp thị trường theo tỷ trọng dự kiến năm 2023. Các cổ phiếu BSC dự báo tăng trưởng gồm 61 cổ phiếu chiếm 65% lợi nhuận thị trường. Các công ty chiếm 35% lợi nhuận thị trường còn lại để mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân ngành. Tổng lợi nhuận sau thuế kịch bản tích cực tăng 4%, tiêu cực -2%, mức pha loãng 5,6% (tương đương giai đoạn 2020).

Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023

Thanh khoản bình quân 3 sàn, với kịch bản 1 là 680 triệu USD/phiên (-22,7%) và kịch bản 2 là 800 triệu USD/phiên (-10%) khi thị trường qua vùng đỉnh, các dòng tiền bị phân tán sang các kênh an toàn trong môi trường lãi suất cao. Cùng với đó số tài khoản mở mới tăng lần lượt 14% và 17,5 % cho 2 kịch bản. Vốn hóa thị trường tăng tương ứng 4% và 11%.

Khối ngoại bán ròng 200 triệu USD với kịch bản 1 và mua ròng 700 triệu USD với kịch bản 2 từ kỳ vọng đảo chiều dòng vốn ngoại nhờ hoạt động đẩy mạnh mua ròng từ khối ETFs, Pnotes từ tháng 11/2022 kéo sang năm 2023. Thương vụ M&A từ khối ngân hàng niêm yết và các công ty lớn.

Chứng khoán BSC đưa ra dự báo VN-Index ở kịch bản 1 đạt 1.028 điểm, kịch bản 2 đạt 1.300 điểm.

Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023
Nguồn: BSC Research.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán