Theo lý thuyết thị trường, tỷ giá USD/VND trong nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ cung cầu ngoại tệ. Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá USD/VND đang có diễn biến khá tích cực nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào chảy về trong nước.
Các chuyên gia cho rằng tỷ giá hối đoái được hỗ trợ bởi nhu cầu đối với VND tăng do áp lực lạm phát thấp, chênh lệch lớn về lãi suất huy động giữa VND và USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tích cực và dự trữ ngoại hối tăng cao.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 107,5 tỷ USD vào cuối năm 2021, từ khoảng 95 tỷ USD vào cuối năm 2020. Trong dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam ước tăng mạnh đạt 18,1 tỷ USD trong năm 2021, đứng thứ 8 thế giới và thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Cùng với đó, việc Bộ Tài Chính Mỹ đã tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ sẽ giúp NHNN tiếp tục có dư địa linh hoạt hơn trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá, KBSV nhận định.
"Với việc hoạt động mua vào ngoại tệ không bị đánh giá là thao túng tiền tệ, NHNN sẽ tiếp tục mua vào tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện khách quan cho phép và hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng", theo báo cáo phân tích của KBSV.
Theo một góc nhìn khác, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng việc thoát khỏi cáo buộc thao túng tỷ giá sẽ giúp Việt Nam có dư địa để điều chỉnh giảm đồng VND nhằm hỗ trợ xuất khẩu.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá VND không thể không nhắc tới đó là áp lực từ thị trường quốc tế.
Việc đẩy nhanh việc rút lại các biện pháp kích thích của Fed và tăng lãi suất trong năm 2022 sẽ là động lực khiến đồng USD có xu hướng tăng trong trung hạn. Khi đồng USD mạnh lên, những quốc gia có đồng nội tệ yếu, đặc biệt là những nước mới nổi sẽ chịu áp lực điều chỉnh.
Cùng với đó, những động thái cắt giảm các gói nới lỏng định lượng cũng sẽ có tác động đến tỷ giá hối đoái VND. Việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng có thể ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong năm 2022 khiến cung ngoại tệ (USD) giảm và tạo sức ép lên VND.
Tuy nhiên, theo nhận định của Chứng khoán VNDrect, mức tác động là không nhiều do việc thắt chặt tiền tệ này đã được dự báo từ trước. Đồng thời, về mặt dài hạn trong trường hợp các NHTW dần trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng thì Việt Nam vẫn có những điều kiện và nguồn lực tích luỹ để có thể đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|