Những ‘trải nghiệm’ về chính sách đối ngoại có giúp bà Kamala Harris thắng cử?

(Banker.vn) Theo Politico, trong hầu hết các lĩnh vực, Phó Tổng thống Kamala Harris có thể sẽ tiếp tục nhiều mục tiêu chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.
Chính phủ Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại Hướng đi toàn vẹn, đúng đắn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam Không thể xuyên tạc, bóp méo chính sách đối ngoại của Việt Nam

Nếu đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ bước vào Nhà Trắng với hồ sơ chính sách đối ngoại được quyết định bởi những trải nghiệm có được khi là thượng nghị sĩ dưới thời Tổng thống Donald Trump và là nhân vật số 2 sau một trong những vị tổng thống dày dặn kinh nghiệm nhất về các vấn đề quốc tế trong lịch sử nước Mỹ.

Ở hầu hết các lĩnh vực, bà Harris có thể sẽ duy trì phần nhiều trong số các mục tiêu chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden. Chính quyền của bà Harris có thể sẽ đề nghị hỗ trợ mạnh mẽ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine và tiếp tục các sáng kiến nhằm tăng cường các liên minh ở châu Á-Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy địa chính trị của Trung Quốc.

Nếu bà Harris đắc cử, Mỹ có thể vẫn sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel và các đồng minh khác ở Trung Đông. Tuy nhiên, về cuộc chiến của Israel-Hamas, bà có vẻ thông cảm hơn với tình cảnh khó khăn của người Palestine. Lập trường này có thể xoa dịu cử tri Mỹ gốc Arập và các cử tri khác vốn lo ngại về việc ông Biden ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Israel ở Dải Gaza.

Những ‘trải nghiệm’ về chính sách đối ngoại có giúp bà Kamala Harris thắng cử?
Bà Kamala Harris sẽ đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

Khi còn là thượng nghị sĩ, bà Harris đã thể hiện quan điểm bớt hiếu chiến hơn so với ông Biden về sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông. Một vài trong số các quan điểm cứng rắn của bà, bao gồm cả quan điểm đối với Saudi Arabia, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể cản trở tương tác của bà với các đồng minh ở Trung Đông và châu Á.

Trước khi trở thành thượng nghị sĩ, bà Harris đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp ở vị trí cán bộ hành pháp. Bà bước vào nhiệm kỳ Phó Tổng thống với khá ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, khiến bà phụ thuộc vào các cố vấn mà theo Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chủ yếu là những người theo chủ nghĩa truyền thống. Townsend chia sẻ: “Bà ấy không thực sự có kiến thức nền về chính sách quốc phòng hay đối ngoại, vậy nên bà ấy thực sự phụ thuộc vào các cố vấn khi phải tham gia những lĩnh vực này. Điều quan trọng là tôi không nghĩ bà ấy thường nhanh chóng đưa ra quyết định về các vấn đề chính sách quốc phòng hoặc đối ngoại”.

Tuy nhiên, hồ sơ của bà khi là thượng nghị sĩ và Phó Tổng thống vốn trở thành tâm điểm chú ý khi Tổng thống Biden rời khỏi cuộc đua và chỉ định bà là ứng cử viên thay thế, có thể giúp trả lời câu hỏi cách tiếp cận của Chính quyền bà Harris đối với các thách thức địa chính trị hàng đầu sẽ khác biệt ra sao và giới thân cận của bà sẽ tìm cách bù đắp những khiếm khuyết của bà như thế nào.

Sau đây là những “quan điểm” về chính sách đối ngoại của bà Harris:

Chiến sự Nga và Ukraine

Giống như Tổng thống Biden, bà Harris là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và được cho là sẽ tiếp tục các chính sách của ông. Tháng 6, bà Harris đại diện Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình tại Ukraine. Bà đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ hợp tác xuyên Đại Tây Dương hỗ trợ Kiev.

Theo bà, Ukraine có thể tiếp tục dựa vào sự hỗ trợ từ phía Washington khi chiến tranh kéo dài. Bà nói: “Ukraine cần sự hỗ trợ của chúng ta. Và chúng ta phải hỗ trợ họ”. Tại Hội nghị an ninh Munich năm nay, Harris cũng đã lặp lại cam kết của Chính quyền ông Biden về việc hỗ trợ Ukraine chừng nào họ cần.

Trung Đông

Về vấn đề Israel, bà Harris đã lên tiếng ủng hộ giải pháp hai nhà nước khi còn là thượng nghị sĩ và ủng hộ Thỏa thuận Abraham. Khi trở thành Phó Tổng thống, bà đã kín đáo bày tỏ quan điểm rằng Chính quyền ông Biden cần thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn đối với Thủ tướng Israel Netanyahu khi số lượng dân thường thiệt mạng trong cuộc chiến của Israel chống lại Hamas gia tăng.

Tháng 3, bà Harris đã xuất hiện trước công chúng như là một trong những nhà lãnh đạo tầm cỡ đầu tiên trong chính phủ kêu gọi ngừng bắn tạm thời ngay lập tức. Bà đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt nhất có thể thấy từ phía một nhà lãnh đạo cấp cao vào thời điểm đó đối với Israel về cách họ xử lý các dòng viện trợ vào Dải Gaza và gọi cuộc xung đột là “thảm họa nhân đạo” đối với dân thường vô tội.

Những ‘trải nghiệm’ về chính sách đối ngoại có giúp bà Kamala Harris thắng cử?
Bà Harris (59 tuổi) là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến kéo dài 5 ngày của gần 4.000 đại biểu đảng Dân chủ. Ảnh: AP

Ngoài ra, bà Harris đã ủng hộ thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện 2015 với Iran để kiểm soát chương trình hạt nhân của Tehran. Bà cũng đã lên án cuộc tấn công quân sự nhằm vào tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani hồi tháng 1/2020 và đồng tài trợ việc xây dựng đạo luật (nhưng không thành công) nhằm cản trở các hành động quân sự tiếp theo nhắm vào các nhà lãnh đạo và mục tiêu Iran.

Về vấn đề Saudi Arabia, bà đã cùng với các nhân vật cấp tiến xây dựng đạo luật hạn chế buôn bán vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Riyadh vì vai trò của họ trong cuộc nội chiến ở Yemen cũng như trong vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi.

Châu Á

Phó Tổng thống Mỹ có thể sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn của ông Biden đối với Trung Quốc. Khi còn là thượng nghị sĩ, bà đã chỉ trích cách tiếp cận của ông Trump đối với Bắc Kinh. Trong cuộc tranh luận năm 2020, bà nói với Phó Tổng thống Mike Pence rằng, ông Trump đã thua trong cuộc chiến thương mại đó và các loại thuế của ông đã gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ mà không tái cân bằng được quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, giống như các quan chức chính phủ khác, bà ủng hộ chính sách “giảm thiểu rủi ro” từ Bắc Kinh, vốn khuyến khích giảm bớt sự phụ thuộc của các nền kinh tế phương Tây vào Trung Quốc.

Ngoài vấn đề Trung Quốc, bà cũng theo dõi chặt chẽ tình hình các nước khác ở Đông Á khi còn là thượng nghị sĩ. Chẳng hạn, bà thường xuyên đề xuất hoặc đồng tài trợ các đạo luật lưỡng đảng thúc đẩy nhân quyền ở Myanmar. Bà phản đối chiến dịch gây ảnh hưởng của ông Trump đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và chỉ trích Chính quyền ông Trump vì chưa hành động đủ để kiềm chế các mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bà Kamala Harris đã trở thành lựa chọn thay thế hàng đầu của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Joe Biden quyết định không tái tranh cử vào ngày 21/7 vừa qua. Ba tuần kể từ thời điểm đó, đảng Dân chủ đã nhanh chóng tập hợp sự ủng hộ xung quanh bà Harris, điều chỉnh lại thông điệp tranh cử, gây quỹ được hàng triệu đôla và cố gắng tận dụng giai đoạn “nhiệt tình” của cử tri dành cho ứng cử viên mới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo những trở ngại mà ứng cử viên đảng Dân chủ phải đối mặt khi giai đoạn nhiệt tình của cử tri qua đi. Hơn nữa, bà Harris cũng chưa tham gia các cuộc trả lời phỏng vấn chính thức hay đối mặt với các câu hỏi mở rộng của giới truyền thông kể từ khi bà bắt đầu tranh cử. Hai ứng cử viên tổng thống dự kiến sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình vào ngày 10/9.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Mỹ cho thấy, Phó Tổng thống Harris đã vươn lên dẫn trước cựu Tổng thống Trump tại các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Đây được xem là 3 bang “chiến địa” quan trọng, đóng vai trò then chốt quyết định cục diện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Theo kết quả thăm dò công bố, bà Harris, ứng cử viên đảng Dân chủ đã thu hút được 50% số người ủng hộ tại các bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania so với 46% của ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump. Đây là một sự cải thiện đáng kể so với thành tích của Tổng thống Biden trước đối thủ Donald Trump trong cuộc thăm dò trước đó.

Cuộc thăm dò mới cho thấy bà Harris không chỉ thu hẹp khoảng cách với ông Trump trên toàn quốc mà còn đang dẫn đầu ở các bang chiến trường trong tuần thứ 3 liên tiếp. Bà cũng đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ đảng Cộng hoà trong số các cử tri da trắng ở Pennsylvania khi giành được 47% sự ủng hộ so với 49% của ông Trump. Các cuộc thăm dò ở Michigan và Wisconsin cũng cho thấy bà Harris đang thu hút nhiều cử tri da trắng hơn vào nhóm của mình so với ông Biden.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục