Những tín hiệu vui của thị trường trái phiếu xanh

(Banker.vn) Trên thế giới, trái phiếu xanh đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội...

Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực - EVNFinance đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm với lãi suất 6,7%/năm, được bảo lãnh một phần bởi GuarantCo - Công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia.

Các chuyên gia đánh giá, việc EVNFinance "đi đầu" trong việc phát hành trái phiếu xanh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến kênh vốn này nhiều hơn, đảm bảo nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án hướng tới cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Những tín hiệu vui của thị trường trái phiếu xanh
Những tín hiệu vui của thị trường trái phiếu xanh

Theo dữ liệu báo cáo, lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp 5 lần năm 2020. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore.

Tổ chức sáng kiến Trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Initiatives - CBI) và Ngân hàng HSBC mới đây cũng đánh giá, cùng với một số nước trong khu vực, thị trường vốn nợ bền vững của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua.

ThS. Phạm Xuân Hoè - Chuyên gia ngân hàng nhận định: Những cam kết mạnh mẽ từ Hội nghị COP26 sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thị trường tài chính xanh phát triển. Cụ thể, cho vay và đầu tư xanh, có thể đi liền với đó huy động vốn xanh từ công cụ nợ trái phiếu xanh cũng, sẽ tăng rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nguồn cung tài chính xanh cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam cũng sẽ rất dồi dào. Vì hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế nước ta rất cao.

Vấn đề còn lại là cơ chế chính sách của Việt Nam trong thu hút nguồn tài chính xanh cần được tạo lập và triển khai ra sao. “Có thể nói COP26 đang mở ra cơ hội vô cùng lớn cho đầu tư phát triển xanh của Việt Nam”, ông Hoè nhấn mạnh.

Dẫn kết quả một khảo sát của NHNN, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam cho biết, số lượng các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xanh từ sau năm 2020 đến nay tăng nhanh. Đáng chú ý có tới 88% các tổ chức được khảo sát quan tâm tài trợ cho các dự án liên quan đến năng lượng xanh tại Việt Nam.

Lý do khiến các tổ chức quyết định tài trợ cho Việt Nam là mong muốn đóng góp cho các vấn đề về môi trường của Việt Nam. Qua đó nâng cao thương hiệu của tổ chức và mở rộng kế hoạch kinh doanh. Các hình thức tài trợ khá đa dạng như cho vay trực tiếp và hợp vốn, bảo lãnh, góp vốn, mua trái phiếu, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, tài trợ gián tiếp qua các tổ chức tín dụng…

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán