Những thông tin quan trọng mới nhất về thương mại điện tử

(Banker.vn) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (TMĐT).

Thông tin về hàng hóa được niêm yết trên website

Theo quy định mới, đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm, như năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP cũng quy định rõ các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;

Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng;

Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;

Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Bổ sung trách nhiệm của thương nhân

Tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, Nghị định bổ sung đối với những sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm: Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT có nhiều hơn 2 bên tham gia; Lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán; Liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, khoản 9 Điều 36 mà gây thiệt hại.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối với cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài thời gian gần đây cũng phát sinh dưới nhiều hình thức, tranh chấp với đối tác trong TMĐT ngày một tăng lên.

Đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh một cách chặt chẽ... Những thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT cũng là vấn đề đáng lo ngại. Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến. Chính vì vậy, TMĐT đang cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, dư luận xã hội đã có rất đông ý kiến đồng tình với quy định các sàn TMĐT phải liên đới chịu trách nhiệm về hoạt động vi phạm pháp luật kinh doanh như bán hàng lậu, hàng giả, bán hàng không xuất hóa đơn chứng từ, giải quyết không đến nơi đến chốn phản ánh của người tiêu dùng, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng của các gian hàng thuê sàn TMĐT để kinh doanh và thực hiện các giao dịch hàng hóa khác.

Đối với vấn đề doanh thu và nộp ngân sách, trong điều kiện hiện nay, ngân sách còn thất thu lớn ở lĩnh vực TMĐT. Mặc dù quy định các sàn cho thuê kinh doanh chịu trách nhiệm thu thay cơ quan thuế của các tổ chức và cá nhân thuê sàn để hoạt động còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, tuy nhiên, xét một cách tổng thể, đây vẫn chỉ là giải pháp mang tính tình thế trong khi chưa tìm được những phương pháp khoa học hơn, hiệu quả hơn. Bởi trên thực tế, hoạt động kinh doanh bán hàng hiện nay không chỉ thông qua các sàn TMĐT mà còn qua nhiều hình thức khác như bán qua Zalo, Facebook, điện thoại...

Chính vì vậy, các cơ quan Nhà nước mà cụ thể là Tổng cục Thuế cần quan tâm để có những hình thức quản lý phương thức bán hàng thông qua các mạng xã hội đang diễn ra trên thị trường rất sôi nổi và chứa đựng doanh số không hề nhỏ. Không chỉ ở các thành phố lớn hay trung tâm kinh tế, hình thức bán hàng qua mạng còn diễn ra thường xuyên ở các địa phương. Chính vì vậy chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng như công an kinh tế, quản lý thị trường, thuế vụ… để quản lý chặt chẽ các hình thức bán hàng tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần tổ chức công khai doanh thu bán hàng và thuế theo định kỳ của các pháp nhân kinh doanh trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng, xuất nhập hàng hóa có hóa đơn chứng từ theo quy định. Cần phải kiên quyết không để xảy ra những vi phạm lớn và thường xuyên ở cơ sở.

Các cơ quan báo chí cũng cần thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc thông tin tình hình kinh doanh và quản lý của phương thức bán hàng này ở các địa phương. Kịp thời biểu dương những đơn vị làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật, đồng thời phát hiện qua dư luận và phản ánh để phê phán hoặc kiến nghị xử lý với những tổ chức và cá nhân vi phạm.

Nhà nước và chính quyền các địa phương cần tạo ra môi trường kinh doanh mạng một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn, các chính sách ưu đãi để phát triển TMĐT nhanh và vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục