Những thách thức và cơ hội của thanh toán xuyên biên giới ở châu Á - Thái Bình Dương

(Banker.vn) Trong những năm gần đây, lĩnh vực thanh toán đã trải qua một sự thay đổi về mô hình, làm thay đổi cách người tiêu dùng và doanh nghiệp tương tác về mặt tài chính. Theo báo cáo của McKinsey, lĩnh vực thanh toán toàn cầu đang tiếp cận cơ hội lớn với doanh thu gần 2.000 tỷ USD. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), sự chuyển đổi này thể hiện rõ rệt trong thanh toán xuyên biên giới với sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều bối cảnh pháp lý và nhiều phương thức thanh toán làm phức tạp thêm quỹ đạo tăng trưởng của ngành.
5789bfe4-e731-4c2a-8672-77e0f3905167-.png.jpg

"Đây không phải chỉ là sự phát triển của phương thức thanh toán mà là một cuộc cách mạng về hệ thống thanh toán đang diễn ra ở khu vực APAC", ông Mahendra Shirali, Giám đốc Chiến lược kinh doanh của SmartStream nhận định.

3 yếu tố quan trọng định hình lĩnh vực thanh toán

Chuyên gia đã xác định 3 yếu tố quan trọng định hình lĩnh vực thanh toán ở khu vực APAC, đó là: Tốc độ thay đổi, khối lượng thanh toán và tính biến đổi của thông điệp thanh toán. Bộ ba này đóng vai trò như la bàn định hướng cho các tổ chức tài chính trong nỗ lực để thích nghi.

Thứ nhất, tốc độ tiến bộ công nghệ và liên kết hệ thống thanh toán xuyên biên giới đã tạo ra một hệ sinh thái mới. Chính phủ và ngân hàng trung ương đang đầu tư vào khả năng tương tác và kiểm soát quy định để hỗ trợ nhiều chương trình thanh toán, chẳng hạn như từ tài khoản đến tài khoản (A2A), ví điện tử, BNPL (mua ngay, trả sau) và thẻ.

Trên khắp châu Á, nhu cầu của người tiêu dùng đang diễn ra nhưng chưa có cơ chế thanh toán đơn lẻ (SPS) nào chiếm thị phần đáng kể trong khu vực. Thẻ tín dụng phổ biến nhất ở Hàn Quốc và Nhật Bản, còn Trung Quốc từ lâu đã dẫn đầu thế giới về sử dụng ví điện tử với AliPay và WeChatPay.

Philipines, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam đều được kỳ vọng sẽ dẫn đầu sự tăng trưởng của ví điện tử cho đến năm 2026. Malaysia và Thái Lan có tỷ lệ chuyển đổi A2A cao.

Các quốc gia như Singapore, Malaysia và Thái Lan đã thiết lập liên kết thanh toán xuyên biên giới. Ngoài ra, kể từ quý I/2023, Ấn Độ đã triển khai UPI và RuPay , có quan hệ ngày càng phát triển với nhiều quốc gia, từ đó làm tăng thêm độ phức tạp và khối lượng cho hệ thống thanh toán.

Thứ hai, khối lượng thanh toán đang tăng theo cấp số nhân. Với thương mại điện tử chứng kiến ​​mức tăng trưởng 2 con số trên khắp các quốc gia APAC, mỗi thị trường lại có sự ưa thích khác nhau trong phương thức thanh toán — như mức độ sử dụng thẻ tín dụng cao ở Singapore và Đài Loan cũng như ví điện tử ở Trung Quốc — tạo ra những thách thức đối với các tổ chức tài chính trong việc xử lý sự đa dạng này.

Cuối cùng, vấn đề về sự khác nhau trong tin điện thanh toán do một số hệ thống thanh toán có thể hoạt động trên các phiên bản khác nhau của cùng một tiêu chuẩn ISO 20022 hoặc điều chỉnh các tin điện theo yêu cầu hệ thống thanh toán nội địa. Điều này góp phần gây ra sự chậm trễ và thất bại trong xử lý giao dịch, từ đó làm phân tán các nguồn lực lẽ ra có thể được sử dụng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Vì vậy, 3 yếu tố này là trở ngại đáng kể để có được hoạt động thanh toán xuyên biên giới dễ dàng, hiệu quả trên khắp các quốc gia APAC. Nhiều hệ thống thanh toán đang cùng hoạt động ở APAC tạo ra những thách thức riêng đối với tính linh hoạt trong vận hành của ngân hàng, chiến lược công nghệ và trải nghiệm khách hàng.

Những trở ngại đặc biệt

Đặc biệt, ở khu vực APAC, có nhiều phương thức thanh toán xuyên biên giới được áp dụng ở các quốc gia khác nhau. Điều này gây ra sự phân mảnh công nghệ trong hệ thống ngân hàng để có thể đáp ứng tất cả những điều này.

Vô số phương thức thanh toán, bao gồm các sản phẩm tín dụng, ví điện tử và thậm chí cả tiền mã hóa mới nổi cho đến tiền pháp định, cùng tồn tại. Những hệ thống khác nhau này góp phần tạo sự phân mảnh về công nghệ và hoạt động kém hiệu quả. Thêm vào đó là những khác biệt trong các quy định và tiêu chuẩn tin điện.

Điều này có nghĩa là các tổ chức tài chính phải phát triển hệ thống pháp luật để trở nên linh hoạt, thích ứng và phù hợp với bối cảnh thanh toán đa dạng hiện nay.

Các thách thức cần giải quyết

Theo chuyên gia, việc giải quyết những thách thức này giống như giải một khối Rubik với 6 cạnh: (1) Tốc độ tăng trưởng và khối lượng thanh toán; (2) các yếu tố gây ra thanh toán không thành công; (3) tác động của những thất bại đó; (4) sự hài hòa của các quy định xuyên biên giới trong khu vực; (5) sự phân mảnh công nghệ giữa các phương thức thanh toán và (6) sự hài lòng của khách hàng.

Tốc độ phát triển thanh toán số đã cho thấy những con số ấn tượng, bao gồm mức tăng trưởng thị phần dự kiến ​​từ 3% năm 2018 lên con số khổng lồ 88% giá trị giao dịch vào năm 2026 đối với ví điện tử – trong khi tiền mặt dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể, khoảng 34%.

Tuy nhiên, sự gia tăng của hình thức thanh toán số này tiềm ẩn nhiều vấn đề như lỗi chuyển tiền, thiếu tiêu chuẩn hóa và các quy định khác nhau, góp phần gây ra lỗi thanh toán. Điều này gây ra những hậu quả sâu rộng, từ thiệt hại về danh tiếng đến tổn thất tài chính, ước tính tăng thêm từ 10 đến 12 USD cho mỗi lần thanh toán không thành công.

Để củng cố quy trình, điều cần thiết là phải có các hệ thống mang lại độ chính xác và tốc độ trong giao dịch, hiệu quả hoạt động có thể đo lường được và các tính năng tự động hóa mạnh mẽ. Nói chung, những yếu tố này sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng của khách hàng, cũng là mục tiêu cuối cùng của bất kỳ ngành dịch vụ nào.

Nếu giải quyết được 5 khía cạnh: Tăng trưởng và khối lượng thanh toán; những nguyên nhân khiến các khoản thanh toán không thành công; tác động của các khoản thanh toán không thành công; sự hài hòa trong các quy định xuyên biên giới APAC và sự phân mảnh công nghệ trong phương thức thanh toán; thì khía cạnh thứ 6 là sự hài lòng của khách hàng, sẽ tự động được giải quyết.

Vì vậy, không chỉ những tổ chức tư nhân mà còn cả chính phủ, ngân hàng trung ương, cơ sở hạ tầng thị trường trong khu vực APAC, cũng cần phải điều chỉnh để đạt được kết quả thành công.

Tương lai của thanh toán xuyên biên giới ở APAC

Trong bối cảnh năng động của lĩnh vực tài chính APAC, nỗ lực hợp tác của các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý không chỉ cần thiết, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc định hình lại tương lai của thanh toán xuyên biên giới. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một viễn cảnh mà tính mở liên thông không phải là một từ thông dụng mà là một tiêu chuẩn; nơi bảo mật không phải là điều cần cân nhắc mà là sự chắc chắn; và nơi mà sự hài lòng của khách hàng không phải là mục tiêu mà là trải nghiệm được cung cấp một cách nhất quán.

Trọng tâm của sự chuyển đổi này là công nghệ sáng tạo, không chỉ đơn thuần là công cụ mà còn là chất xúc tác — hỗ trợ một hệ sinh thái tinh gọn hơn, hiệu quả hơn và lấy khách hàng làm trung tâm.

(Nguồn: Fintechnews.sg)

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ