Những sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

(Banker.vn) Tuần làm việc vừa qua ghi nhận nhiều sự kiện nổi bật của các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán: ACB, SSB, VCB, VPB, VIB, TCB

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (HOSE: VPB):
VPBank và Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm.

Việc hợp tác phân phối bảo hiểm giữa hai bên được ký kết lần đầu năm 2017 và VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất và hiện đang đứng thứ 3 toàn thị trường.

Ngân hàng cho biết cho đến nay hoạt động phân phối bảo hiểm AIA đã được triển khai ở hơn 250 chi nhánh của VPBank.

1337-vpbank

VPBank và AIA Việt Nam gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng lên 19 năm (Ảnh: VPBank).

Mức phí cho thời hạn hợp tác mới chưa được các bên tiết lộ, song thương vụ đã được các công ty chứng khoán dự báo trước.

Theo Công ty chứng khoán Yuanta, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ bancassurance độc quyền sẽ diễn ra trong giai đoạn 2021-2022. Các ngân hàng như Techcombank hay VPBank sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí "trả trước" cao hơn, giá trị có thể sẽ tương đương như các ngân hàng khác.

Theo bảng ước tính phí trả trước dựa trên một số thương vụ bancassurance gần đây, chuyên gia phân tích của Yuanta cho rằng VPBank có thể tái đàm phán phân phối độc quyền bảo hiểm với khoản phí 8.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB):
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 15.018 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Đồng thời dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 25%. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản và tiền gửi đều tăng 11% so với 2021, lần lượt đạt 588.187 tỷ đồng và 421.897 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến đạt 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được NHNN giao (sẽ được điều chỉnh cao hơn khi có sự chấp thuận của NHNN). Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

0131-z-nh-1
Kế hoạch hoạt động 2022 của ACB.(Nguồn: ACB).


Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank (HOSE: SSB):
SeABank đã chào bán hơn 181,3 triệu cổ phiếu SSB với giá ưu đãi 15.000 đồng/cp cho các cổ đông hiện hữu. Sau đợt chào bán, ngân hàng thu về hơn 2.719 tỷ đồng trong đó mức chi phí phát hành là gần 300 triệu đồng.

Kế hoạch chào bán hơn 181,3 triệu cổ phiếu ra công chúng nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ của SeABank đã được Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng thông qua, với mục tiêu tăng vốn lên 16.598 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông, cổ đông trong nước chiếm tỷ lệ sở hữu chính hơn 99,9% trong đó hai cổ đông sáng lập sở hữu gần 2,6% vốn điều lệ của ngân hàng, cổ đông lớn duy nhất (Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Phú Mỹ) nắm hơn 5,21%.

0901-z-nh-2
Nguồn: SeABank.


Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (HOSE: VCB):
Vietcombank huỷ ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách tham dự đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với lý do nhằm hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo công tác chuẩn bị đại hội được an toàn, hiệu quả. Ngân hàng chưa đưa ra thông báo mới về lịch tổ chức dự kiến thay thế.

3353-hyi-sy
Hội sở Vietcombank


Vietcombank là một trong số các ngân hàng công bố sớm kế hoạch kinh doanh năm 2022 với triển vọng tích cực.

Tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng, đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 12% (phù hợp với mức cấp của NHNN), tổng tài sản tăng 8%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank (HOSE: TCB):
Techcombank vừa có Nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 1.500 tỷ đồng cho hai công ty con do Tập đoàn Masan là Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NPM) và Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC).

Cụ thể, hạn mức tín dụng cấp cho Khoáng sản Núi Pháo là tối đa 1.500 tỷ và cho Vonfram Masan không quá 600 tỷ đồng. Hạn mức tín dụng có thời hạn 12 tháng, bao gồm hạn mức cho vay, hạn mức bảo, hạn mức thư tín dụng, hạn mức chiết khấu và hạn mức thấu chi.

Tài sản đảm bảo cho hạn mức tín dụng là cổ phiếu của CTCP Masan High-Tech Materials (UPCOM: MSR) do CTCP Tầm nhìn Masan (MH) sở hữu.

Ngoài ra còn có toàn bộ khoản phải thu ngắn hạn của Khoáng sản Núi pháo và toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển là nguyên liệu oxit vonfram của Vonfram Masan.

Những sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua

Những sự kiện ngân hàng nổi bật tuần qua
Ông Nguyễn Đăng Quang (trái) và ông Hồ Hùng Anh được xem là một "bộ đôi" gắn bó lâu năm.


Về mối liên hệ giữa Masan và Techcombank, Masan hiện đang sở hữu 19,9% vốn điều lệ của Techcombank và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.

Chủ tịch HĐQT Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cũng đang giữ vị trí Phó Chủ tịch tại Techcombank. Trong khi ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank từng có thời gian giữ vị trí Phó Chủ tịch tại Masan Group.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB):
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, VIB đã thông qua kế hoạch lãi 10.500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 31% so với kết quả đạt được trong năm 2021.

Bên cạnh đó, VIB dự kiến phát hành hơn 554 triệu cổ phiếu để chia thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, nâng mức vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 5.545 tỷ đồng.

Phương án tăng vốn này đã được cổ đông ngân hàng thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào ngày 16/3. Trước đó, ngân hàng cũng từng trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và 40% trong năm 2020 và 2021.

3014-vib
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VIB sáng ngày 16/3.


Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong giai đoạn chuyển đổi lần 2 (2022-2026), VIB đặt mục tiêu tăng trưởng kép lợi nhuận trong tối thiểu 30% mỗi năm, dự kiến lợi nhuận vượt mốc tỷ USD, đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng 5 lần, nền tảng khách hàng được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại.

Hoàng Hà

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán