MB trở thành nhà băng đứng đầu hệ thống về số lượng TPDN nắm giữ. |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối năm 2021, có 41 ngân hàng nắm giữ 274.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên trên thực tế, hơn 75% TPDN do 10 ngân hàng lớn nắm giữ, gồm Techcombank, MBBank, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, ABBank, SeABank. Trong đó, tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ trị giá đã vượt 10% tổng tài sản.
Điển hình như tại MBBank, trong năm 2022, ngân hàng này đã tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp thêm 4.500 tỷ đồng so với cuối năm 2021 lên 46.870 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD), trở thành nhà băng đứng đầu hệ thống về số lượng TPDN nắm giữ.
Trong khi đó, Techcombank từ "quán quân" về trái phiếu doanh nghiệp nhiều năm liền trước, đến cuối năm 2022 lùi về vị trí thứ 2 với hơn 41.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD) TPDN nắm giữ. Cuối năm 2021, số dư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank lên tới 62.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong một năm qua, lượng trái phiếu doanh nghiệp nhà băng này nắm giữ đã sụt giảm gần 21.800 tỷ đồng.
VPBank cũng là nhà băng đang "ôm bom” khi tính đến cuối năm 2022, giá trị TPDN mà nhà băng này nắm giữ đạt 32.800 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD), tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Tăng lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022, TPBank cũng trở thành một trong 4 ngân hàng nắm tới gần 1 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, lượng trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối năm 2022 của TPBank đang đứng ở mức 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
SHB cũng là cái tên đáng chú ý khi trái phiếu doanh nghiệp nhà băng này nắm giữ bất ngờ tăng vọt từ 6.097 tỷ đồng, lên 13.185 tỷ đồng (tương ứng tăng 116%).
Theo đánh giá của FiinRatings tại Báo cáo "Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023", danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
"Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị "nhảy" nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống", báo cáo đề cập.
Đây cũng là một trong những lý do, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản,…
Trước tình trạng dư nợ TPDN tại một số ngân hàng vẫn tăng bất chấp sự cảnh báo của cơ quan quản lý, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Bởi, nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp "bắt tay" dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.
Mặt khác, TPDN có thể là cách giúp các ngân hàng thương mại vừa "lách luật" để cho vay doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán, lại vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính.
Quang Đăng
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|