Những mã ngân hàng nào khối ngoại đã vượt và hết room sở hữu?

(Banker.vn) Tính đến ngày 28/3, có 4 mã chứng khoán ngân hàng đã hết room ngoại và một mã đã vượt room sở hữu, trong khi nhiều mã khác cũng đang tiệm cận mức tối đa.

Cụ thể, 4 mã chứng khoán ngân hàng khối ngoại hết room sở hữu bao gồm ACB, MSB, VIB và VPB.

Trong khi đó lượng sở hữu của khối ngoại tại MB đã vượt ngưỡng cho phép khi sở hữu 23,24% trên tỷ lệ 23,2351% cổ phần được phép sở hữu.

Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng đang tiệm cận mức tối đa cho phép như tại EximBank, khối ngoại đang sở hữu 29,68% trên tỷ lệ 30% cổ phần được phép sở hữu.

Hay tại OCB, khối ngoại đang sở hữu 21,99% trên tỷ lệ 22% cổ phần được phép sở hữu. Khối ngoại tại Techcombank đang sở hữu 22,47% trên tỷ lệ 22,4724% cổ phần được phép sở hữu.

Ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn còn trống room cho khối ngoại như SHB, khối ngoại có thể mua thêm tới hơn 708,2 triệu đơn vị. Trong khi với BID là hơn 668,4 triệu đơn vị, VCB (hơn 300 triệu), CTG (hơn 204,5 triệu), STB (hơn 176,5 triệu), HDB (hơn 120,3 triệu),...

Trong năm 2022, các ngân hàng đều có kế hoạch nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị bán thêm vốn cho các nhà đầu tư ngoại, cũng có ngân hàng khoá "room" để tìm kiếm và lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp.

Một trong những thương vụ được thị trường mong chờ là kế hoạch bán vốn cho đối tác nước ngoài của VPBank khi ngân hàng chính thức nới room ngoại lên 17,5% vốn điều lệ. SHB mới đây cũng thực hiện điều chỉnh tỷ lệ room nhà đầu tư nước ngoài của từ 10% lên mức tối đa là 30%.

Ngoài ra, hai ngân hàng khác là Sacombank hay HDBank cũng đang được xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo thỏa thuận thương mại EVFTA.

Giám đốc chiến lược đầu tư quỹ Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn cho rằng năm 2022 hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho nhóm ngành ngân hàng, bao gồm khả năng tăng trưởng tín dụng trên 15%, nợ xấu có khả năng sẽ giảm rất mạnh, lợi nhuận được dự báo tăng trưởng vượt mức 30%.

Kèm theo đó là các thông tin hỗ trợ như bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến, thậm chí một số ngân hàng có ý định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI dự báo các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân khoảng 25 - 27% so với cùng kỳ. Trong đó, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất được kỳ vọng tại SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank.

Phương Thảo

Theo Tạp chí Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục