Những lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt trị bệnh đau mắt đỏ

(Banker.vn) Nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ tự ý mua thuốc về chữa trị, trước tình trạng này các bác sĩ đưa ra một số lưu ý cho người bệnh khi dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ.
Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ Người mắc bệnh đau mắt đỏ kiêng gì?

Thời gian gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ gia tăng nhanh. Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

Những lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt trị bệnh đau mắt đỏ
Những lưu ý dùng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh...

Trong khi đó nhiều người không đến các cơ sở y tế khám để có phương pháp điều trị mà tự ý mua thuốc. Trước tình trạng người dân ồ ạt tự ý đi mua thuốc, các bác sĩ khuyến cáo: Người bệnh không tự mua thuốc mà phải đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám. Vừa qua có tình trạng bệnh nhân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt không qua chẩn đoán, điều trị nên dẫn đến biến chứng.

Theo các bác sĩ, xu hướng đợt bùng dịch đau mắt đỏ lần này là do virus gây ra nên rất khó điều trị và phải dùng thuốc kháng virus. Nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc không đúng liều lượng sẽ bị nặng hơn, lúc đó việc chữa trị kéo dài và dễ tái phát.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm An TP. Hồ Chí Minh cũng hướng dẫn một số cách hỗ trợ chữa bệnh đau mắt đỏ tại nhà:

Đối với thuốc nhỏ mắt: Dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng điều trị tình trạng này. Lưu ý, không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt, đồng thời rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc.

Chườm ấm, chườm lạnh: Đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt trong vài phút có thể cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ. Trong trường hợp biện pháp chườm nóng không cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, người bệnh có thể áp dụng chườm lạnh và ngược lại. Chỉ nên áp dụng ở nhiệt độ vừa phải, tránh để khăn quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

5 loại thuốc nhỏ trị bệnh đau mắt đỏ được khuyến cáo có thể dùng:

Ofloxacin là một loại kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm fluoroquinolone. Thuốc dạng kê đơn, đặc trị đau mắt đỏ do vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gram âm và gram dương. Tuy nhiên, thuốc không có hiệu quả điều trị nhiễm trùng mắt do vi rút.

Thuốc nhỏ mắt đỏ Levofloxacin cũng là kháng sinh nhóm fluoroquinolone. Levofloxacin được bào chế ở nhiều dạng khác nhau. Trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, thường dùng Levofloxacin dạng nước nồng độ 0,5%.

Ciprofloxacin là thuốc kháng sinh kê đơn thuộc nhóm fluoroquinolone. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng như viên nén, thuốc tiêm, thuốc mỡ, thuốc nhỏ, trong đó dạng thuốc nhỏ được dùng để điều trị các đau mắt đỏ.

Thuốc Ciprofloxacin có phổ kháng khuẩn rộng, có thể điều trị khỏi bệnh về mắt do nhiễm trùng do vi khuẩn gram dương và gram âm, bao gồm cả vi khuẩn gây bệnh đau mắt đỏ. Thuốc có tác dụng tiêu diệt cả những vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng lại các thuốc kháng sinh như penicillin, aminoglycosid, cephalosporin, tetracyclin.

Neomycin là kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm aminoglycosid có thể tiêu diệt cả vi khuẩn gram âm lẫn gram dương. Thuốc có 2 dạng là dung dịch nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt. Tần suất sử dụng thuốc được khuyến cáo từ 3 – 4 lần/ngày. Khi sử dụng thuốc này, người bệnh đau mắt đỏ có thể bị ngứa rát, kích ứng kéo dài khoảng 1 tuần.

Tobramycin là một loại kháng sinh mạnh, thuộc nhóm aminoglycosid. Với bệnh đau mắt đỏ, thuốc Tobramycin 0,3% được khuyến cáo sử dụng cho các trường hợp bệnh do vi khuẩn gram âm.

Thuốc Tobramycin là thuốc kê đơn, chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc được bào chế với 2 dạng, dạng dung dịch và dạng mỡ tra mắt.

BS Phạm Huy Vũ Tùng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số tư vấn khi sử dụng thuốc nhỏ mắt trị đau mắt đỏ: Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt trong 15 - 30 ngày sau khi mở nắp; luôn chú ý đến hạn sử dụng của thuốc. Không dùng thuốc khi đã hết hạn sử dụng. Trong trường hợp nhỏ nhiều loại thuốc nhỏ mắt thì không nên nhỏ liên tiếp vì sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, hãy đợi 3 – 5 phút rồi mới nhỏ tiếp loại thuốc khác. Trường hợp dùng song song thuốc nước và thuốc mỡ thì nên dùng thuốc nước trước 3 – 5 phút sau mới tiếp tục dùng thuốc mỡ.

Luôn rửa tay kỹ với xà phòng trước và sau khi nhỏ mắt. Khi nhỏ mắt, không để đầu ống nhỏ mắt tiếp xúc trực tiếp với mắt. Không dùng tay quẹt mắt. Nên nhỏ từng giọt một, không nên nhỏ liên tục nhiều giọt, vừa gây lãng phí thuốc vừa tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt, giảm hiệu quả điều trị bệnh.

Tránh sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người khác sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Luôn tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, tần suất sử dụng. Không tự ý dùng các loại lá để xông, đắp lên mắt để tránh làm bệnh nặng hơn.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương