Những lưu ý cho người bệnh tiểu đường khi ăn cam

(Banker.vn) Cam chứa nhiều Vitamin C và khoáng chất. Tuy nhiên, trong quả cam lại chứa lượng đường khá cao, vì vậy người bệnh tiểu đường cần lưu ý khi dùng.
Người bệnh tiểu đường có uống được nước chanh mật ong? Người bị bệnh tiểu đường có ăn được măng cụt? Bưởi tốt cho người bị tiểu đường nhưng ăn khi nào mới đúng?

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn cam không?

Nhiều người có chung câu hỏi: Bị bệnh tiểu đường ăn được cam không? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn cam nhưng chỉ nên ăn trong ngưỡng cho phép. Bởi về bản chất, trong cam chứa một lượng đường nhất định, nên nếu ăn quá nhiều cam sẽ khiến lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao.

Những lưu ý cho người bệnh tiểu đường khi ăn cam
Quả cam có nhiều công dụng với người mắc bệnh tiểu đường

Vì thế những người bị tiểu đường kiêng tuyệt đối trái cây cũng như quả cam là sai lầm. Với đặc tính giàu chất xơ, nhiều vitamin C và B1, nếu ăn liều lượng vừa phải, cam còn có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, trái cây họ cam quýt giàu vitamin C, chất xơ, kali và folate (vitamin B9) tốt cho người bệnh tiểu đường. Đánh giá của nhiều tổ chức về sức khỏe cho thấy, favonoid trong cam quýt có tác dụng chống tiểu đường, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và lipid máu.

Ngoài ra, các vitamin và khoáng chất có trong cam còn mang lại tác dụng điều hòa đường huyết. Khi có triệu chứng bị hạ đường huyết, người bệnh uống 1 cốc nước cam sẽ giúp ổn định đường huyết ngay sau khoảng 20 phút.

Vì vậy, người bệnh nên lưu ý cần ăn cam với một lượng hợp lý, điều độ và chọn loại cam phù hợp, an toàn cho người tiểu đường.

Những lưu ý khi sử dụng

Người bị tiểu đường có uống được nước cam nhưng nên ăn quả cam hơn là uống nước ép. Bởi trong phần xác cam chứa nhiều chất xơ. Đó là thành phần quan trọng để làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu và hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Trong khi quả cam chứa 1,8g chất xơ thì liều lượng trong 100g nước ép tươi chỉ có 0,2g chất xơ.

Nói như vậy không có nghĩa là không uống được nước cam nhưng không nên cho thêm đường, vì lượng carbs trong 1 cốc nước cam đã khá cao. Khi bị hạ huyết thì nên uống ngay 1 ly nước cam (khoảng 120ml) để ổn định lượng đường trong máu.

Giống như nhiều thực phẩm khác, cam cũng giúp bổ sung carb (khoảng 15g với quả cỡ vừa). Dựa trên con số này, người bệnh tiểu đường có thể chọn ăn một quả cam nhỏ (15g carb) cùng với một cốc sữa chua không đường hoặc ăn kèm với một phần hạt nhỏ sao cho tổng lượng nạp vào vừa đủ 45g carb/bữa.

Ngoài tính toán khẩu phần ăn, người bị bệnh tiểu đường cũng cần phải kiểm tra lượng đường huyết trước và sau bữa ăn khoảng 2 giờ. Mục tiêu là kiểm soát lượng glucose trong máu không bị vượt quá 180mg/dL. Trong trường hợp nếu vượt qua ngưỡng, người bệnh buộc phải điều chỉnh lại khẩu phần ăn.

Thời điểm ăn cam an toàn cho người tiểu đường

Theo các chuyên gia y khoa, việc ăn trái cây như thế nào còn phải tùy thuộc vào đối tượng và thể trạng của người dùng. Với người bình thường, họ có thể ăn trái cây cả ngày nhưng đối với những bệnh nhân tiểu đường thì lại khác, cụ thể là cam thì lại càng không thể ăn theo cách như vậy.

Theo đó, những người bị bệnh tiểu đường được khuyến nghị nên ăn trái cây trong hay sau bữa ăn hoặc ăn trái cây kết hợp với những loại thực phẩm khác để giúp làm chậm quá trình hấp thu đường từ ruột non vào máu. Từ đó sẽ giúp hạn chế tình trạng đường huyết tăng vọt sau ăn.

Tuy nhiên, đối với những thai phụ bị tiểu đường thai kỳ tốt nhất không nên ăn cam vào bữa sáng, vì đây là thời điểm hormone thai kỳ đang ở mức cao nên có thể khiến cơ thể không dung nạp được carb.

Ngoài chất xơ thì cam mang lại một lượng lớn các vitamin và khoáng chất. Trong một quả cam cỡ trung bình chứa tới 90% giá trị vitamin C cần thiết hàng ngày. Vitamin C trong cam giúp cân bằng tâm lý, hạn chế mệt mỏi, giúp người bệnh hạn chế gia tăng đường huyết. Bên cạnh đó là lượng folate trong một quả cam cỡ trung bình chiếm 12% giá trị hàng ngày. Folate có thể làm giảm mức insulin và cải thiện tình trạng kháng insulin, kiểm soát lượng đường trong máu. Trong một quả cam cỡ trung cũng có hàm lượng Kali 6% giá trị hàng ngày. Nếu mức Kali quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin và làm tăng đường huyết. Sử dụng cam giúp bổ sung lượng Kali cần thiết cho người bệnh tiểu đường.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh tiểu đường có chỉ số đường huyết cao cần tham vấn ý kiến bác sỹ.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục