Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways

(Banker.vn) Mặc dù được biết đến là một người kín tiếng nhưng mỗi lần doanh nhân Lê Thái Sâm có động thái mới trên thương trường là một lần dư luận được phen “dậy sóng”. Đặc biệt, thời gian gần đây, cái tên “Lê Thái Sâm” cùng những chuyển động tại Bamboo Airways đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư.
Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways
Tân Chủ tịch Bamboo Airways Lê Thái Sâm

Ngày 11/7 vừa qua, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, OTC: BAV) đã thông qua quyết định bầu ông Lê Thái Sâm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, thay cho người tiền nhiệm là doanh nhân người Nhật Oshima Hideki.

Sự kiện này một lần nữa đã khiến sự chú ý của dư luận đổ dồn về ông Lê Thái Sâm. Những tấm hình hiếm hoi trên truyền thông cùng những thông tin ít ỏi càng khiến người ta muốn tìm hiểu sâu về vị doanh nhân kín tiếng này.

Dù vậy, bản lý lịch trích ngang mà Bamboo Airways công bố từ khi ông Sâm gia nhập HĐQT đến tới khi ngồi vào ghế Chủ tịch của hãng bay này cũng khá vắn tắt.

Theo đó, tân Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways sinh năm 1964. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP. HCM vào năm 1986 và sở hữu 30 năm kinh nghiệm hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính – ngân hàng.

Ngoài ra, ông Lê Thái Sâm cũng được giới thiệu là người “am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam” và “có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước”.

Theo tìm hiểu, trước khi gây “chấn động” với các thương vụ liên quan đến Bamboo Airways, doanh nhân Lê Thái Sâm đã để lại không ít dấu ấn đáng chú ý trên thương trường.

Đại gia ngành thép một thời

Giai đoạn 2001 – 2014, doanh nhân này được biết đến với cái tên Sâm “Thép” khi xuất hiện với vai trò điều hành và đại diện pháp luật của hai doanh nghiệp ngành thép là Công ty CP Sắt thép Cửu Long và Công ty CP Thép Thăng Long.

Theo tìm hiểu, cả hai công ty này đều có trụ sở tại TP. HCM. Trong đó, Sắt thép Cửu Long được thành lập vào tháng 3/2001, còn Thép Thăng Long được thành lập vào năm 2008.

Năm 2008, Sắt thép Cửu Long trở thành một cái tên khá nổi tiếng và thu hút sự quan tâm không chỉ từ giới kinh doanh. Doanh nghiệp này từng tài trợ khá nhiều tiền cho các đội tuyển bóng đá như Câu lạc bộ Bóng đá Khatoco Khánh Hòa hay Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam.

Vào thời kỳ hoàng kim, dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Lê Thái Sâm, Sắt thép Cửu Long từng lọt vào bảng xếp hạng VNR500 của Vietnam Report. Theo đó, doanh nghiệp này có hai năm nằm trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, với vị trí thứ 103 năm 2010, vị trí thứ 114 năm 2011.

Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways
Công ty CP Sắt thép Cửu Long của doanh nhân Lê Thái Sâm góp mặt trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2010 - 2011

Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng của Sắt thép Cửu Long không kéo dài bao lâu, cũng như “số phận” ngắn ngủi của người “anh em” Thép Thăng Long. Tháng 8/2014, Sắt thép Cửu Long bị Cục thuế TP. HCM thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do có vi phạm về thuế.

Đến nay, công ty này vẫn chưa hoàn thiện xong hồ sơ giải thể. Năm 2014 cũng là thời điểm Thép Thăng Long dừng hoạt động. Cơ quan quản lý cho biết, doanh nghiệp đang trong trạng thái không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.

Về tình trạng nợ nần của bộ đôi sản xuất thép dưới sự quản trị của ông Lê Thái Sâm, theo danh sách 16 doanh nghiệp nợ thuế đợt 1 mà Cục thuế TP. HCM công bố ngày 23/10/2014, Thép Thăng Long nợ 34,5 tỷ đồng còn Sắt thép Cửu Long nợ 16,8 tỷ đồng. Cần nhắc lại, thời điểm đó, ông Sâm vẫn là người đại diện theo pháp luật của hai doanh nghiệp này.

Năm 2014 được coi là một năm “ác mộng” đối với những doanh nghiệp ngành thép khi chỉ số giá thép toàn cầu lao dốc. Thêm đó, sự tràn vào ồ ạt của thép Trung Quốc khiến nguồn cung trở nên dư thừa và cuộc cạnh tranh về giá trở nên khốc liệt cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp khó trong góp nhặt lợi nhuận và đứng bên bờ vực “phá sản”.

Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways
Thời kỳ hoàng kim, Sắt Thép Cửu Long đã chi không ít tiền cho bóng đá

Bên cạnh hai doanh nghiệp thép này, ông Lê Thái Sâm cũng từng là người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Sun, được thành lập tháng 11/2006 có trụ sở chính tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện không có nhiều thông tin chi tiết về kết quả kinh doanh, website hoạt động… của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, từ tháng 3/2009, ông Lê Thái Sâm cũng làm việc tại Công ty Đầu tư và Thương mại DIC (DIC - INTRACO) với vai trò Thành viên HĐQT. Thời gian ông Sâm ngồi ghế HĐQT tại DIC - INTRACO, Sắt thép Cửu Long cũng sở hữu một lượng nhỏ cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, Sắt thép Cửu Long đã thoái toàn bộ cổ phiếu nắm giữ vào cuối tháng 4/2012, một tháng trước khi ông Sâm từ nhiệm Uỷ viên HĐQT với lý do ‘tập trung thời gian cho công việc kinh doanh cá nhân”.

“Chủ nợ” của FLC

Năm 2022, sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”, ông Lê Thái Sâm bất ngờ gây chấn động khi xuất hiện trong báo cáo tài chính quý II/2022 của Tập đoàn FLC với vai trò là “chủ nợ” của doanh nghiệp này. Theo đó, FLC có 4 hợp đồng vay tín chấp có thời hạn 12 tháng với lãi suất 7%/năm với vị doanh nhân này, được thực hiện rải rác từ tháng 4 đến tháng 6/2022 để bổ sung và thanh toán cho các hợp đồng của công ty con FLC Faros. Tổng giá trị khoản vay lên tới 621 tỷ đồng.

Tháng 7/2022, ông Lê Thái Sâm chính thức được bầu vào HĐQT của FLC, cùng với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên - anh vợ cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Đáng chú ý, ông Sâm là người nhận được nhiều phiếu bầu nhất trong 3 ứng viên, với 265,9 triệu cổ phần, tương đương 100,26% số cổ phần tham dự đại hội (bầu dồn phiếu).

Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways
Ông Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên trái) tại ĐHĐCĐ bắt thường năm 2022 của FLC

Liên quan đến khoản vay tín chấp giữa ông Sâm và FLC, đầu tháng 5/2023, Tập đoàn FLC đã chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần BAV, tương đương 21,7% vốn nắm giữ tại Bamboo Airways, cho ông Lê Thái Sâm. Đổi lại, ông Sâm sẽ đồng ý thanh lý toàn bộ nghĩa vụ nợ giữa hai bên.

Những bước đi “chấn động” tại Bamboo Airways

Tháng 8/2022, chỉ một tháng sau khi gia nhập HĐQT của FLC, ông Lê Thái Sâm được bầu làm Thành viên HĐQT của Bamboo Airways.

Đáng nói, cái cách mà ông Lê Thái Sâm xuất hiện tại Bamboo Airways cũng bất ngờ y hệt như tại FLC. Theo dữ liệu giao dịch của Bamboo Airways, hãng hàng không này từng ghi nhận một cổ đông mang mã số 100014BAV có thông tin trùng khớp với vị đại gia này (sinh năm 1964, tên Lê Thái Sâm) sở hữu 125.000 cổ phần BAV.

Cuối năm 2019, khi ông Sâm phát sinh một khoản vay, số cổ phần này đã được đem đi thế chấp lại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, nay là LPBank) chi nhánh Tân Bình. Như vậy, trước khi góp mặt trong HĐQT của FLC cũng như Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm đã âm thầm đầu tư vào hãng hàng không này.

Sau đó chưa đầy một năm, những chuyển động của ông Sâm cùng Bamboo Airways lại khiến dư luận thêm một lần “dậy sóng”.

Ngày 9/5/2023, chưa hết bất ngờ với việc FLC thông báo chuyển nhượng toàn bộ vốn sở hữu tại Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm chỉ vài giờ trước khi ĐHĐCĐ bất thường của hãng bay diễn ra, giới đầu tư lại được một phen “choáng váng” với những thông tin được công bố trong cuộc họp.

Bamboo Airways cho biết, từ năm 2022, để đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên khi Bamboo Airways phải đối mặt nhiều khó khăn, nhất là về tài chính, Thành viên HĐQT là ông Lê Thái Sâm, đã cho hãng bay này vay tiền mặt (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo). Tính đến hết ngày 10/4/2023, tổng số tiền này lên tới 7.727 tỷ đồng.

Cũng tại, ĐHĐCĐ bất thường này, Bamboo Airways đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng theo kiến nghị của ông Lê Thái Sâm. Trong đó, số lượng cổ phần phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược là 378 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 3.780 tỷ đồng. Số lượng cổ phần phát hành cho ông Lê Thái Sâm để hoán đổi nợ là 772 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.720 tỷ đồng, xấp xỉ khoản tiền mà vị này đang cho Bamboo Airways vay.

Theo đó, gộp cả lượng cổ phần mà ông Lê Thái Sâm đang trực tiếp tại Bamboo Airways là 243,7 triệu và phần FLC công bố chuyển nhượng trước đó, vị đại gia này sở hữu có hơn 1,4 tỷ cổ phiếu BAV, tương đương tỷ lệ sở hữu 53,6%.

Những lần xuất hiện “dậy sóng” của đại gia Lê Thái Sâm, tân Chủ tịch Bamboo Airways
Ông Lê Thái Sâm (thứ năm từ trái sang) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Bamboo Airways

Mới đây nhất, trong thông cáo được Bamboo Airways phát đi vào chiều 11/7, cái tên “Lê Thái Sâm” một lần nữa gây chú ý khi gắn liền với lần điều chỉnh cơ cấu nhân sự cấp cao của doanh nghiệp này.

Cụ thể, Bamboo Airways đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của bốn thành viên HĐQT trước đó và thông qua quyết định bầu các thành viên nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm.

Theo đó, ông Lê Thái Sâm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch. Cùng với đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc, thay cho người tiền nhiệm là ông Nguyễn Minh Hải.

Thương vụ bán "chui" cổ phiếu SGN hé mở toan tính của Him Lam trong lĩnh vực hàng không?

Số cổ phiếu SGN mà Him Lam Land mua vào đúng bằng số cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng (Impcorp) đang ...

Bóc tách tài sản tỷ USD Him Lam Group và mối liên hệ với LPBank

"Sếu đầu đàn" của Him Lam Group - pháp nhân Him Lam Corp là nơi giữ nhiều của cải nhất với tổng tài sản tiến ...

Bamboo Airways: Chuyển động "lạ" sau "sự cố" Trịnh Văn Quyết

Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa có báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2022 với khoản lỗ ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán