Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đoàn Linh (Đống Đa, Hà Nội).
Làm ngân hàng thì phải học về ngân hàng, đúng vậy đa phần các sếp đều học gì đó hoặc có chứng chỉ gì đó chuyên ngành ngân hàng.
Phải thế.
Nếu không học ở Học viên Ngân hàng thì bét ra cũng phải mấy trường kinh tế như Kinh tế Quốc dân, Tài chính…
Hoặc cũng phải ở mấy trường có tiếng như Ngoại giao, Ngoại thương…
Hay những tài năng lãnh đạo tương lai học từ các trường có tiếng ở khắp nơi trên thế giới du học về.
Vậy đó, nếu làm ở ngân hàng đủ lâu bạn sẽ thấy quanh mình các bộ sưu tập về bằng cấp, chứng chỉ… tại các ngôi trường danh tiếng ở Việt Nam và nước ngoài.
Nhưng cơ bản họ đều phải có nền tảng và học vấn liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đúng thôi họ làm nghề mà.
Nhưng tôi thì không. Tôi là dân ngoại đạo, tôi chả có tý đào tạo nào về tài chính hay ngân hàng, chả thích toán hay các con số nhưng tôi đã làm ở ngân hàng được 10 năm.
Tôi là dân thiết kế và tôi làm Marcom.
Dân Marcom (đa phần bao gồm đội truyền thông, thương hiệu, thiết kế blab la…) ở trong các ngân hàng luôn được nhìn như lũ ngoại đạo bởi gần như duy nhất bọn tôi là học từ các trường dậy về sáng tạo và luôn đề cao tính cá nhân.
Trong một môi trường mà sự chuẩn xác khô khan đến từng phân nghìn phần triệu, các bước làm việc phải theo đúng các quy trình, các khái niệm SLA hay KPI khó hiểu, và cơn ác mộng lớn nhất là trang phục luôn phải vest, cà vạt và giầy da thì với một thằng cu mới tốt nghiệp tại một ngôi trường thiết kế như tôi thì thật sự là khủng khiếp.
Đi học thì luôn bị thúc là phải sáng tạo, phải thả lỏng tinh thần và bản thân.
Đi làm ngân hàng thì phải đúng quy trình, đúng “gai-lai”, đúng bla bla bla….
Ngân hàng là ngân hàng, không phải là công ty hay tập đoàn…
Viết tên ngân hàng thì phải viết đủ theo quy chuẩn, không được viết linh tinh…
Đầu mail phải thế này, cuối mail phải thế kia…
Làm gì thì làm cũng phải biết về quy trình, biết làm tờ trình, biết làm thanh toán…
Vậy đó, có vô vàn những điều phải học, phải làm quen khi bạn bước chân vào môi trường ngân hàng, đầu tiên với tôi nó như là địa ngục, lúc mới đi làm cứ sau 3 tháng tôi lại lên các trang tuyển dụng để tìm kiếm việc khác, nhiều lúc tức nghẹn trong lòng chỉ muốn bỏ việc khi thiết kế của mình dồn bao tâm huyết mỗi khi nhận được câu trả lời: “đẹp đấy nhưng đã có ngân hàng nào khác làm chưa?”. Nhiều khi dân Marcom chúng tôi cảm thấy lạc lõng trong chính nơi mình đang làm việc, cảm tưởng bọn tôi như phần nào đó tách riêng của nơi này, không thuộc về nơi này, như những KẺ NGOẠI ĐẠO.
Ở trong môi trường ngân hàng là thế, mọi thứ đều đặt sự an toàn lên trước nhất, mọi quyết định đưa phải suy nghĩ đến mọi khía cạnh rủi ro. Tôi vẫn nhớ câu nói của chị Sếp đầu tiên của tôi: “ Em phải hiểu ngân hàng khác các doanh nghiệp khác, chúng ta chỉ bán một mặt hàng thứ duy nhất đó là Niềm Tin, nếu không thì làm sao họ gửi gắm công sức cả đời, tương lai cả gia đình họ cho chúng ta nắm giữ?”.
Đúng vậy, đối tượng khách hàng của ngân hàng là TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, từ những doanh nhân thành đạt đi những chiếc xe sang trọng đến những bác nông dân chân lấm tay bùn mỗi tháng góp đủ “một triệu hai” gửi cho con đi học ở nơi xa, từ những anh chị làm văn phòng mát lạnh đến những bạn bán hàng vỉa hè chắt góp từng đồng vào cuốn sổ tiết kiệm… với những người làm ngân hàng họ đều như nhau, đều là khách hàng và đều được dung chung một chất lượng dịch vụ do ngân hàng cung cấp.
Những bạn làm ở bộ phận kế toán luôn phải kiểm tra thật chuẩn các con số để đảm bảo NIỀM TIN vào ngân hàng của các đối tác không bao giờ sai sót.
Những bạn giao dịch viên hay khách hàng cá nhân luôn phải đảm bảo các quyền lợi tốt nhất cho khách hàng để họ đặt NIỀM TIN vào ngân hàng.
Những bạn làm kiểm toán thì… à mà thôi…
Vậy công việc của những đứa thiết kế như tôi cũng vậy, làm gì thì làm miễn sao khách hàng nhìn thấy bất cứ hình ảnh nào của ngân hàng cũng phải khiến họ TIN TƯỞNG.
Làm ở ngân hàng là vậy đấy, luôn luôn phải đảm bảo NIỀM TIN của khách hàng, đừng bao giờ nghĩ rằng làm thiệt cho khách hàng dù chỉ 10 hay 100 đồng, mọi thứ phải luôn luôn chính xác bởi thế mới là NGÂN HÀNG.
Do vậy tất cả những quy định, quy trình bla bla bla… cũng chỉ để đảm bảo một việc duy nhất là duy trì tính ổn định của ngân hàng, nơi mà mọi khách hàng gửi gắm tài sản và tương lai của họ.
Nếu vậy thì những người làm ngân hàng như chúng ta đâu có quá khác biệt? tất cả các công việc của chúng ta tựu chung cũng chỉ là để khách hàng tin tưởng chúng ta, đặt niềm tin vào chúng ta. Từ bác bảo vệ dắt xe khi khách hàng đến giao dịch, đến nụ cười trên môi của các bạn giao dịch viên khi đón tiếp khách hàng hay những ngày làm quyết toán đến đêm của các chị kế toán hoặc những hôm phải bỏ cả tiệc sinh nhật của con để đi thẩm định của những anh làm thẩm định tài sản…
Vậy đó, tất cả chúng ta đều là những kẻ ngoại đạo dù chúng ta có học gì, bằng cấp gì đi chăng nữa nếu chúng ta chưa hiểu được rằng chúng ta phải làm gì ở đây, cái giá trị chúng ta mang lại là gì.
Tâm sự trong một ngày mưa nắng thất thường, Sếp đi công tác và đang trầm ngâm ngồi uống trà sữa của một đứa học thiết kế bởi vì cấp 3 dốt toán, nhưng đang kỷ niệm năm thứ 10 làm ngân hàng./.
ĐOÀN LINH
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|