Những hứa hẹn và khiếm khuyết của tiền mã hóa

(Banker.vn) Tại báo cáo kinh tế hằng năm được công bố vào ngày 26/6/2022, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã dành một phụ trương để tập trung đánh giá những khiếm khuyến của tiền mã hóa (crypto currency) và một số ưu điểm có thể tận dụng trong tương lai.

Theo đó, xu hướng phát triển bùng nổ và đầy sáng tạo của thế giới tiền mã hóa trong những năm gần đây đã dẫn đến những kỳ vọng tươi sáng về vai trò và vị thế của nó trong tương lai. Tuy nhiên, thế giới tiền mã hóa không thể trở thành nền tảng của hệ thống tiền tệ do những khiếm khuyết cơ cấu. Đó là, giá trị không ổn định và khó mở rộng. 

Báo cáo cho thấy, những sáng kiến đổi mới lớn trong thế giới tiền mã hóa, đã kéo theo khuynh hướng cấp tiến. Nổi bật là, thế giới tiền mã hóa được xây dựng dựa trên tiền đề phân cấp. Tài chính phân cấp (DeFi) tìm cách mô phỏng (sao chép) dịch vụ tài chính thông thường vào thế giới tiền mã hóa. Những dịch vụ này được hỗ trợ bởi sáng kiến đổi mới như khả năng lập trình và tương tác trên nền tảng chuỗi khối không cần cấp phép (blockchain mở), cho phép tiến hành các giao dịch gần như liên tục 24/7 trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, những sự kiện gần đây bộc lộ sự khác biệt khá lớn giữa tầm nhìn và thực tế tiền mã hóa. TerraUSD stablecoin phát nổ và coin Luna song sinh sụp đổ cho thấy những yếu kém của hệ thống chỉ duy trì bằng cách bán coin cho hoạt động đầu cơ. Ngoài ra, một vấn đề trở nên rõ ràng là, tiền mã hóa và DeFi có những hạn chế rất lớn về mặt cơ cấu, cản trở hệ thống này trong việc đạt được mức độ hiệu quả, tính ổn định hay vẹn toàn cần thiết đối với một hệ thống tiền tệ thích hợp. Cụ thể là, thế giới tiền mã hóa thiếu mỏ neo danh nghĩa, mặc dù đã cố gắng “nhập khẩu” thông qua stablecoin - một dạng tiền mã hóa, nhưng không hiệu quả. 

Nếu không đảm bảo an ninh mạng, việc áp dụng có xu hướng phân đoạn và không tiến triển được, nguyên nhân là do tình trạng tắc nghẽn và mức phí quá cao. Thay vào đó, hoạt động của hệ thống song song này được duy trì nhờ làn sóng đầu cơ nắm giữ coin. Cuối cùng, nhiều vấn đề đáng lo ngại về vai trò của các trung gian không được điều chỉnh trong hệ thống này. Do rất khó thay đổi, những khiếm khuyết cơ cấu này dường như không thể đáp ứng các quy định pháp lý, chưa nói đến những điều chỉnh mang tính kỹ thuật. Nguyên nhân là do nó phản ánh những hạn chế cố hữu của một hệ thống phân cấp được thiết lập dựa trên các chuỗi khối mở.

 

Vài nét về cách thức hoạt động và sự lao dốc của tiền mã hóa

TerraUSD (UST) được phát hành vào cuối năm 2020, là một tiền ổn định (stablecoin) phi tập trung, được chủ nhân của nó tuyên bố là có khả năng mở rộng vô hạn và sinh lời cao, nhờ được thiết kế dựa trên thuật toán để duy trì vĩnh viễn giá trị ở mức 1 TerraUSD tương đương 1 USD. Ngoài USD, Terra cũng neo giá trị với những đồng tiền chủ chốt khác và đồng tiền chung (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Do stablecoin này có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của LUNA nên nhóm Terraform Labs đã tập trung tăng cường kết nối với các blockchain khác thông qua phương pháp cầu nối (bridge).

Các bên giao dịch sử dụng phương pháp chênh lệch giá (arbitrage) có thể kiếm lời nhanh bằng cách khai thác xu hướng biến động giá của một trong hai đồng tiền ảo này, qua đó duy trì giá trị TerraUSD ổn định ở mức 1 USD. Chẳng hạn, khi TerraUSD giảm giá dưới 1 USD, các nhà giao dịch chênh lệch giá sẽ nhảy vào mua TerraUSD để đổi lấy số Luna có trị giá 1 USD, sự ràng buộc này tạo ra một hệ sinh thái mà ở đó các nhà giao dịch trao đổi giữa Luna và TerraUSD để giữ giá trị của 1 TerraUSD ở mức 1 USD.

Về lý thuyết, nhà đầu tư có thể đổi 1 TerraUSD lấy số Luna có trị giá 1 USD, nhưng giá trị của đồng Luna không cố định. Vấn đề nằm ở chỗ là, toàn bộ hệ sinh thái trên dựa vào những nhà giao dịch tin là Luna có giá trị. Một khi nhà đầu tư mất đi niềm tin đó, mọi sự đặt cược cũng biến mất theo.

Sự ổn định về mặt lý thuyết của stablecoin đã biến những đồng tiền mã hóa ban đầu rất mờ nhạt này trở thành nền tảng của hệ sinh thái tiền mã hóa, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các stablecoin đã tăng lên mức 180 tỷ USD vào thời điểm tháng 3/2022.

Hầu hết các stablecoin đều được bảo đảm bằng tài sản thực như USD, vàng hoặc trái phiếu. Tuy nhiên, stablecoin thuật toán không nhất thiết phải đảm bảo bằng một tài sản thực nào, mà dựa vào cấu trúc tài chính phức tạp để ổn định giá trị. Và khi giảm, stablecoin thuật toán thường giảm rất nhanh.

Và điều này đã xảy ra từ ngày 5/5/2022, khi nhà đầu tư bắt đầu rút tiền khỏi cả Terra lẫn Luna, dẫn đến “vòng xoáy chết chóc” mà nhiều người đã cảnh báo. Đến cuối ngày 16/5/2022, giá trị 1 TerraUSD chỉ còn hơn 0,13 USD, nhiều đồng tiền nhỏ lẻ đã mất giá trên 90% so với đỉnh thiết lập vào năm 2021.

Tiền mã hóa lao dốc bắt nguồn từ những khiếm khuyết trầm trọng về mặt cơ cấu của nó, không phù hợp với những nền tảng cơ bản của một hệ thống tiền tệ. Đó là, phục vụ lợi ích xã hội.

Stablecoin đã trở nên phổ biến nhờ nỗ lực gắn giá trị của nó với USD hay những đồng tiền quy ước khác, và cho thấy nhu cầu lan tỏa trong khu vực tiền mã hóa là cần dựa vào sự tín nhiệm của đơn vị kế toán do ngân hàng trung ương (NHTW) phát hành. Nghĩa là, stablecoin biểu lộ nỗ lực tìm kiếm một mỏ neo danh nghĩa cho tiền mã hóa. Stablecoin sao chép cách thức neo giá trị bản tệ với ngoại tệ - mà không có sự sắp xếp về thể chế, công cụ, cam kết và sự tín nhiệm của NHTW (cơ quan tiến hành neo tỷ giá). Thực tế cho thấy, việc nhập khẩu sự tín nhiệm của NHTW này bộc lộ những khiếm khuyết cơ cấu nổi bật của tiền mã hóa. Stablecoin thường không ổn định như cam kết của bên phát hành, và không thể thay thế hoàn toàn đồng tiền quốc gia.

Stablecoin cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch chéo giữa các đồng tiền mã hóa, vốn đã nở rộ trong những năm gần đây. Theo tính toán gần đây nhất, trên 10.000 loại tiền mã hóa đã được hình thành trên thế giới và cạnh tranh thu hút hoạt động mua vào để đầu cơ.

Sự gia tăng các loại tiền mã hóa cũng bộc lộ những khiếm khuyết cơ cấu khác, chủ yếu là hiện tượng phân đoạn của thế giới tiền mã hóa - với nhiều lớp thanh toán mâu thuẫn chen lấn nhau để thu hút sự chú ý.  

Hiện tượng phân đoạn này làm phát sinh những nghi ngờ về tính hợp lý của tiền mã hóa, khi đối chiếu với đồng tiền truyền thống. Sự phân đoạn của tiền mã hóa cũng chỉ ra một định hướng khác biệt: Càng nhiều người dùng nhảy vào một hệ thống blockchain, tình trạng tắc nghẽn càng trầm trọng và chi phí giao dịch sẽ tăng cao, mở đường cho những đối thủ mới - có thể phớt lờ các quy định an toàn, đe dọa an ninh và hoạt động nội gián để chiếm đoạt lợi nhuận.

Tuy nhiên, tiền mã hóa cũng có những đặc điểm tích cực, có thể khai thác để nâng cao năng lực của hệ thống tiền tệ hiện hành. Đó là, khả năng kết hợp hàng loạt giao dịch và thanh toán tự động theo cách thức có điều kiện, góp phần mở rộng chức năng và tốc độ. Vấn đề cần quan tâm là, cách thức phối hợp các chức năng của tiền mã hóa trong hệ thống tiền tệ tương lai (được thiết lập dựa trên đồng tiền của NHTW).  

 

Xây dựng các khối tiền mã hóa

 Hình như thế giới tiền mã hóa đã giảm các trung gian và phát triển theo hướng tài chính phân cấp, với lợi ích tích cực là công bằng tài chính, cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của họ. Trước khi xảy ra sự cố đổ vỡ gần đây, quy mô các đồng tiền mã hóa và DeFi đã mở rộng nhanh chóng.

Nguồn gốc của tiền mã hóa là Bitcoin, ở đó đã giới thiệu một ý tưởng cấp tiến: Là phương tiện chuyển giao giá trị phi tập trung dựa trên blockchain mở. Mỗi người tham gia có thể được coi là một giao điểm định giá các giao dịch dựa trên sổ cái chung (blockchain mở). Các giao dịch tiền mã hóa được xác thực bởi các nhà định giá phân cấp và ghi chép trong sổ cái chung với độ chính xác tuyệt đối, không có sự trùng lặp hay sai sót về mặt kế toán.

Tuy nhiên, đối với hệ thống quản trị phân cấp, động lực kinh tế đóng vai trò chủ chốt, và hạn chế của hệ thống này là sự sắp đặt theo các định luật kinh tế chứ không theo các định luật vật lý. Các thợ đào tiền mã hóa (hay người xác thực) được bồi thường bằng tiền thưởng thực hiện công việc theo các quy định, vì thế hệ thống trở nên tự duy trì. Tiền thưởng được trả bằng tiền mã hóa, có thể dưới dạng phí giao dịch hay trích từ lợi nhuận tích lũy lưu giữ một coin trong một blockchains ký gửi hay cổ phần. Cổ phần càng nhiều, lợi nhuận càng cao.

Kể từ khi xuất hiện đồng Bitcoin vào năm 2009, nhiều blockchain và tiền mã hóa liên quan khác đã được hình thành. Nổi bật là Ethereum, chủ nhân của đồng tiền này đã đưa ra “hợp đồng thông minh” và “khả năng lập trình” cho người dùng. Đặc tính quan trọng của các hợp đồng thông minh là khả năng tương tác của nó, hay năng lực kết hợp những cấu thành khác nhau trong một hệ thống. Người dùng có thể tiến hành những giao dịch phức tạp trên cùng một blockchain bằng cách kết hợp nhiều công cụ đa dạng khác nhau trong một hợp đồng thông minh đơn lẻ - “tương tác tiền tệ.” Họ có thể tạo ra đại diện điện tử của các tài sản thông qua “kỹ thuật mã hóa.” Khi các hợp đồng thông minh không thể tiếp cận trực tiếp với thông tin bên ngoài blockchain riêng, nó sẽ yêu cầu bên trung gian phải cung cấp những dữ liệu này (gọi là hệ thống quản trị dữ liệu).

Nỗ lực của stablecoin trong việc neo giá trị danh nghĩa

Một bước phát triển quan trọng trong thế giới tiền mã hóa là, cách thức cung cấp dịch vụ và sản phẩm tài chính, nhưng với mục tiêu đưa ra là đổi mới hệ thống tài chính bằng cách xóa bỏ người trung gian để giảm chi phí. Để kết thúc (ở điểm cuối này), các ứng dụng DeFi công khai ghi chép các giao dịch bút hiệu về tiền mã hóa dựa trên blockchain mở một cách tự động. 

Trong khi hệ sinh thái DeFi tiến triển nhanh chóng, các loại hình tài chính truyền thống, như cho vay, kinh doanh, bảo hiểm tiếp tục là hoạt động tài chính cơ bản. Các nền tảng cho vay cho phép người dùng cho vay stablecoin theo phương thức thế chấp những stablecoin khác. Trao đổi phân cấp (DEXs) được tiến hành theo phương thức trực tiếp giữa các thương nhân sở hữu tiền mã hóa hay stablecoin, với mức giá được xác định theo phương pháp điện toán. 

Nhờ neo giá trị cụ thể với đồng tiền quy ước (như USD) hay tài sản (như vàng), stablecoin đóng vai trò chủ chốt trong hệ sinh thái DeFi. Nghĩa là, stablecoin thường nhập khẩu sự tín nhiệm của đơn vị kế toán do NHTW phát hành. Qua đó, có thể tránh được tình trạng giá cả chao đảo quá mức và thanh khoản thấp như đã xảy ra với Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác (không neo giá trị để bảo đảm). Đồng thời, tránh tình trạng chuyển đổi thường xuyên giữa các đồng tiền mã hóa với tiền gửi ngân hàng, do nghiệp vụ này thường kèm theo mức phí rất cao.

Có hai loại stablecoin cơ bản, bao gồm dựa trên tài sản và dựa trên thuật toán. Đại diện cho stablecoin dựa trên tài sản là Tether, USD Coin và Binance USD, được quản lý bởi một trung gian tập trung - bên đầu tư thế chấp cơ bản và phối hợp trong việc tạo ra và mua lại coin. Tài sản nắm giữ có thể bao gồm trái phiếu chính phủ, nợ doanh nghiệp ngắn hạn, tiền gửi ngân hàng, hay những đồng tiền mã hóa khác. Trái lại, stablecoin dựa trên thuật toán (như TerraUSD) lệ thuộc vào các thuật toán phức tạp nhưng tự động tái cân bằng nguồn cung nhằm duy trì giá trị tương đối của nó so với đồng tiền hay tài sản mục tiêu. Để tránh sự lệ thuộc vào đồng tiền pháp định, đôi khi các stablecoin tiến hành phương thức tính toán này bằng cách tạo cơ hội mua bán song hành cho người dùng để hưởng chênh lệch giá so với đồng tiền ảo khác.

Tuy nhiên, stablecoin không ổn định như cam kết của bên phát hành, nhất là stablecoin dựa trên thuật toán. Tháng 5/2022, TerraUSD đã bước vào vòng xoáy chết chóc, khi giá trị của nó giảm từ 1 USD xuống còn vài cent sau vài phiên giao dịch. Sau đó, những stablecoin loại này bắt đầu chịu nhiều áp lực. Tương tự, một số stablecoin dựa trên tài sản cũng bị mất giá tạm thời do tác động của cú sốc này. Nghiệp vụ mua lại được công nhận rộng rãi trong số stablecoin - mà bên phát hành không tiết lộ cơ cấu tài sản dự trữ cụ thể, có thể phản ánh những lo ngại của các nhà đầu tư là, những bên phát hành này sẽ không thể bảo đảm công bằng giao dịch trao đổi.

Trên thực tế, các bình luận viên đã từng cảnh báo nhiều lần về xung đột lợi ích cố hữu của stablecoin, với động cơ của các bên phát hành là đầu tư vào tài sản rủi ro. Lịch sử kinh tế đã rối loạn trước những cố gắng của đồng tiền tư nhân nhưng thất bại, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và nền kinh tế. Sự ổn định bền vững về cơ chế của của stablecoin tùy thuộc rất lớn vào chất lượng và tính minh bạch của tài sản dự trữ, nhưng thường thiếu hụt đáng thương.

Thậm chí nếu stablecoin duy trì mức độ ổn định nào đó, nó vẫn không đảm bảo chất lượng cần thiết để hỗ trợ hệ thống tiền tệ trong tương lai. Stablecoin phải có được sự tín nhiệm của đồng tiền pháp định quốc gia, nhưng không thu lợi từ những yêu cầu điều chỉnh và bảo hiểm tiền gửi ngân hàng hoặc tiền điện tử, hay từ NHTW với vai trò người cho vay cuối cùng. Hơn nữa, stablecoin cản trở thanh khoản và có thể phân đoạn hệ thống tiền tệ, hạ thấp tính duy nhất của tiền tệ. Khi stablecoin được sử dụng công khai để thanh toán hàng hóa và dịch vụ thực, nhưng tạo nền móng cho hệ sinh thái DeFi tự tham chiếu rộng lớn, một số người đặt câu hỏi là có nên cấm stablecoin hay không?

Khiếm khuyết cơ cấu của tiền mã hóa

Thiệt hại của tiền mã hóa bắt nguồn từ những hạn chế cố hữu của blockchain mở, dẫn đến tình trạng phân đoạn hệ thống không thể tránh khỏi, do tình trạng tắc nghẽn và mức phí tăng cao. Những hạn chế này không bắt nguồn từ yếu tố kỹ thuật, mà từ cấu trúc động cơ của hệ thống (cơ chế khuyến khích).  

Các cá nhân và tổ chức tham gia tự xác nhận giao dịch có trách nhiệm ghi chép các giao dịch trên blockchain. Tuy nhiên, trong hệ thống tiền ảo nặc danh giả tạo (bút hiệu), họ không có tên tuổi như cổ đông và không chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thay vào đó, họ phải nhận được sự khuyến khích về tiền thưởng, đây là yếu tố duy trì sự thống nhất trong hệ thống phân cấp. Tuy nhiên, khi tiền thưởng giảm xuống mức quá thấp, những cá nhân và tổ chức tham gia tự xác nhận giao dịch này có thể nảy sinh hành vi lừa đảo và ăn cắp. Cơ chế thống nhất sẽ đổ vỡ, đe dọa an ninh chung.

Hạn chế mang tính quy mô của blockchain biểu lộ vấn đề nan giải giữa ba cấu thành chủ yếu. Với đặc tính của nó, các blockchain mở chỉ có thể đạt được 2 trong số 3 mục tiêu, bao gồm khả năng mở rộng, an ninh, hay phân cấp. An ninh được tăng cường thông qua động lực và phân cấp, nhưng duy trì động lực thông qua tăng phí và kéo theo tình trạng tắc nghẽn, dẫn đến cản trở khả năng mở rộng. Vì thế, ba cấu thành này thường không thể tương tác với nhau, cản trở khả năng của blockchain trong việc phục vụ lợi ích cộng đồng.   

Hạn chế của blockchain về khả năng mở rộng đã gây ra hiện tượng phân đoạn trong thế giới tiền mã hóa, khi blockchain mới phớt lờ vấn đề an ninh và cạnh tranh gay gắt. Blockchain Terra là điển hình về thu hút hàng loạt thành viên mới, trước khi giảm sâu xuống tỷ trọng này khoảng 50% vào tháng 5/2022. Sự đổ vỡ của Terra nhấn mạnh xu hướng phân đoạn tiền ảo do những tổn thương bắt nguồn từ sự tham gia của những thành viên mới với mục tiêu là nâng cao năng lực và thị phần, coi thường an ninh và giảm uy tín của hệ thống phân cấp. Một hệ thống các blockchain cạnh tranh và không tương tác lẫn nhau, mà chỉ tồn tại nhờ đầu cơ, đã dẫn đến những rủi ro mới về tấn công mạng và trộm cắp.

Tình trạng phân đoạn nổi bật trong thế giới tiền mã hóa cho thấy, sự tương phản tuyệt đối so với các hiệu ứng mạng lưới bắt nguồn từ các mạng lưới thanh toán truyền thống. Đặc điểm của mạng lưới thanh toán truyền thống là, khi có nhiều người tham gia vào một nền tảng thanh toán nào đó, thì càng thu hút thêm nhiều người tham gia, dẫn đến sự hình thành vòng tròn tích cực là giảm chi phí và nâng cao mức độ tín nhiệm vào các nền tảng thanh toán truyền thống. Trái lại, xu hướng phân đoạn và mức phí tăng cao trong thế giới tiền mã hóa là khiếm khuyết cơ cấu cơ bản, và tiền mã hóa không thể trở thành nền tảng của hệ thống tiền tệ trong tương lai.

Bất chấp phân đoạn, đầu cơ có thể tạo ra tương quan giá cả cao giữa các đồng tiền mã hóa và blockchain khác nhau. Do bị cuốn hút bởi lợi nhuận cao và kỳ vọng giá tiền mã hóa sẽ tiếp tục tăng, dòng người dùng mới có thể đẩy giá tiền mã hóa tăng cao hơn. Khi nhiều đồng tiền ảo chia sẻ cơ sở người dùng tương tự nhau và trói buộc với các giao thức mạng tương tự, giá tiền ảo sẽ cùng tăng bền vững.

Bản chất của DeFi và vai trò của trao đổi tiền tệ

Trái với tên gọi, hệ sinh thái DeFi có xu hướng tập trung. Nhiều quyết định chủ chốt được đưa ra bởi lựa chọn giữa những người nắm giữ “các đồng tiền mã hóa chuyên nghiệp - governance tokens”, thường được phát hành cho các nhóm người triển khai và đầu tư ban đầu, nên rất khó tập trung. Các hợp đồng thông minh trói buộc với những sự kiện trong thế giới thực, bao gồm các nguồn cấp dữ liệu vận hành bên ngoài blockchain. “Một thuật toán không đầy đủ”, nghĩa là các hợp đồng viết tay không thể giải thích rõ ràng các hành vi, đòi hỏi những thực thể tập trung phải tiến hành xử lý. Hơn nữa, blockchain mới thường nhằm mục tiêu đẩy nhanh các giao dịch dựa vào cơ chế xác thực tập trung. 

Tập trung hóa DeFi cũng ẩn chứa rủi ro. Trong số này, xu hướng tập trung các bên xác thực làm gia tăng xung đột về động lực và rủi ro tấn công mạng, nguyên nhân là do những giao điểm tập trung này thường không được quản lý. Hơn nữa, những người chịu trách nhiệm về nguồn cấp dữ liệu có thể phá hoại hệ thống bằng cách báo cáo sai dữ liệu (thường gọi là vấn đề nguồn cấp dữ liệu). Hiện tại, chưa có các quy định rõ ràng về cách thức điều chỉnh hay khuyến khích các bên cung cấp nguồn dữ liệu.

Tập trung hóa cũng thể hiện trong hoạt động kinh doanh tiền ảo, tại những nơi mà các nhà đầu tư lệ thuộc chủ yếu vào trao đổi tập trung (CEXs) hơn là trao đổi phi tập trung (DEXs). Trong khi DEXs được tiến hành bằng cách kết hợp các đối tác trong một giao dịch thông qua các giao thức mạng thị trường tự động, CEXs duy trì các ghi chép ngoại chuỗi các lệnh giao dịch còn tồn đọng do các bên giao dịch gửi tới - gọi là sổ lệnh hạn chế - vốn quen thuộc với tài chính truyền thống. CEXs hấp dẫn nhiều hoạt động giao dịch hơn so với DEXs, do chi phí thấp hơn. Theo mô hình kinh doanh và cách thức vận hành, CEXs tiền mã hóa không khác biệt đáng kể với trao đổi truyền thống, nhưng lại không chịu sự điều chỉnh và giám sát như nhau.

Từ năm 2020, CEXs ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kể và đạt giá trị giao dịch tới ngưỡng đưa hình thức trở nên phù hợp với quan điểm ổn định tài chính. Hơn nữa, giao dịch CEXs có xu hướng tập trung thị trường vững chắc: Giá trị giao dịch tại ba CEXs lớn chiếm khoảng ½ tổng giá trị giao dịch tiền mã hóa trong những tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, rất khó ước lượng quy mô trao đổi tiền mã hóa, do CEXs nắm giữ một tỷ trọng đáng kể ví tiền ảo ngoại bảng. Thí dụ, nền tảng Coinbase báo cáo tổng tài sản 256 tỷ USD vào cuối năm 2021, nhưng bảng cân đối kế toán chỉ có 21 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa thường thực hiện hàng loạt dịch vụ, dấy lên nghi ngờ liệu các hoạt động có được khoanh vùng và quản lý rủi ro một cách phù hợp. Thí dụ, cùng với bên giao dịch thứ ba, họ tiến hành giao dịch sở hữu, cho vay cận biên, cung ứng dịch vụ lưu ký (kiểm soát và sở hữu). Thông thường, các giao dịch bao gồm các tương tác giữa các hợp đồng thông minh nội chain (on-chain) và các nền tảng giao dịch ngoại chain (off-chain) tập trung, dẫn đến những rủi ro rõ rệt, khi so sánh với hạ tầng giao dịch truyền thống.

 Tăng cường quản lý để giảm rủi ro tiền mã hóa

Nhằm xử lý những rủi ro trực tiếp trong hệ thống tiền mã hóa và hỗ trợ các mục tiêu chính sách công, cần tăng cường các biện pháp quản lý sau:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần xử lý thật nghiêm các trường hợp mua bán song hành để kiếm lời từ chênh lệch giá, đảm bảo các hoạt động DeFi và tiền mã hóa tuân thủ các yêu cầu pháp lý đối với các hoạt động truyền thống. 

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ an toàn và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính - tiền tệ. Những giao dịch tiền mã hóa trốn tránh nhận dạng các bên giao dịch và không tuân thủ các quy định tài chính cơ bản như hiểu khách hàng của bạn (KYC) có thể bị phạt hoặc đóng cửa. Nếu không, những giao dịch này có thể bị sử dụng để rửa tiền, trốn thuế hay khủng bố tài chính, và trốn tránh các đòn trừng phạt kinh tế. Tương tự, các ngân hàng, công ty thẻ tín dụng và những định chế tài chính khác tham gia cung cấp các giao điểm giữa DeFi và hệ thống truyền thống cần yêu cầu nhận dạng người dùng và nền tảng KYC.

Thứ ba, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Khi cho phép đầu tư vào tài sản rủi ro, bao gồm tiền mã hóa, cần có quy định tiết lộ thích hợp. Điều này đòi hỏi phải điều chỉnh mạnh tay những tài sản đối nghịch do các nền tảng tiền mã hóa tạo ra, do những tài sản này thường bị lừa gạt và đánh giá thấp rủi ro, thậm chí cần triển khai cách tiếp cận mới về mặt pháp lý.

Thứ tư, các NHTW và cơ quan quản lý cần giảm thiểu rủi ro bất ổn tài chính nảy sinh từ nguy cơ rủi ro của các ngân hàng và các trung gian tài chính phi ngân hàng trước không gian tiền mã hóa.

(Nguồn: BIS tháng 6/2022)

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 16 năm 2022

Vũ Xuân Thanh -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ