"Những gì xấu nhất đã đi qua", cổ phiếu bán lẻ bắt đầu bứt tốc

(Banker.vn) Theo giới phân tích, những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý III/2023 sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách...

Cổ phiếu bán lẻ bứt tốc

Thời gian gần đây, cổ phiếu DGW đang ghi nhận đà bứt tốc mạnh mẽ, với việc tăng lên mức 50.000 đồng/cp, tương đương cổ phiếu này tăng gần 23% chỉ sau hơn 1 tuần. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu bán lẻ này trong 9 tháng qua. So với thị giá hồi cuối tháng 3 năm nay, DGW đã bứt phá xấp xỉ 70%, vốn hóa thị trường cũng tăng thêm gần 3.400 tỷ để cán mốc 8.186 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngành bán lẻ hồi phục và có dấu hiệu bứt tốc mạnh sau hàng loạt những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất cũng như người tiêu dùng

Hay như cổ phiếu MWG ghi nhận phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp để tiến lên mức 49.450 đồng/cp, qua đó thiết lập mốc cao nhất trong vòng hơn 5 tháng kể từ đầu tháng 2/2023. Vốn hóa nhanh chóng tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 14% chỉ sau 5 phiên giao dịch, giá trị đạt xấp xỉ 72.000 tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 6, cổ phiếu MWG đã chứng kiến mức tăng nhanh chóng hơn 25%. Trước đó, cổ phiếu này từng có giai đoạn "lình xình" quanh vùng đáy thời gian dài trước khi bật tăng trở lại từ cuối tháng 5 tới nay.

Nhìn chung, cổ phiếu ngành bán lẻ hồi phục và có dấu hiệu bứt tốc mạnh sau hàng loạt những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất cũng như người tiêu dùng đã được Chính phủ ban hành.

Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 có thể giúp tín dụng tiêu dùng dần quay trở lại sau khi nợ xấu được kiểm soát. Mặt khác, việc giảm lãi suất cũng giảm một phần áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ.

Bên cạnh đó, chính sách tăng lương cơ bản và giảm thuế VAT cũng bổ trợ cho ngành bán lẻ. Từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng 20% từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Cũng từ 1/7/2023, nhiều nhóm hàng hoá tiêu dùng cũng được chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%. Các yếu tố này góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ thời gian tới.

Mặt khác, lạm phát và lãi suất giảm cũng góp phần hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bán lẻ nói riêng. Nhiều dự báo cho rằng, sức cầu tiêu dùng trong nước sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm khi các chính sách vĩ mô (giảm 2% VAT, tăng lương cơ bản) đã dần phản ánh.

Triển vọng ngành tươi sáng

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán DSC cho rằng, những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý III/2023 sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách.

Nhóm phân tích cũng kỳ vọng các doanh nghiệp xử lý tốt được hàng tồn kho trong giai đoạn nửa đầu năm, quản lý tốt chi phí và giữ được thị phần sẽ có sức bật tốt hơn khi sức mua người tiêu dùng hồi phục trở lại.

Chứng khoán VNDirect cũng đánh giá, thời điểm tiêu dùng tồi tệ nhất đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực trong nửa sau 2023. Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, VNDirect cho rằng các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý IV/2023 trở đi.

Đối với các sản phẩm ICT, đặc biệt là điện thoại thông minh, với chu kỳ thay thế điện thoại ước tính từ 2-2,5 năm, VNDirect kỳ vọng quý IV/2023 sẽ là thời điểm bùng nổ khi niềm tin của người tiêu dùng sau khi “chạm đáy” sẽ tăng lên và nhu cầu mạnh mẽ sau 1 năm thắt chặt tiêu dùng. Với vị thế là một trong những công ty dẫn đầu thị trường phân phối sản phẩm ICT với hơn 6.000 điểm bán hàng (POS) tại Việt Nam, dự báo Digiworld sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.

Thực tế, trong quý II/2023, Digiworld dự kiến đạt doanh thu thuần và thu nhập ròng lần lượt là 4.100 tỷ đồng và 82 tỷ đồng, giảm lần lượt 16% và 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, doanh thu nửa cuối năm 2023 có thể phục hồi so với nửa đầu năm nhờ sự kiện Apple ra mắt iPhone 15 vào tháng 10 và doanh thu máy tính xách tay cao hơn vào mùa tựu trường.

Chứng khoán BIDV (BSC) cũng kỳ vọng, kết quả kinh doanh của Digiworld phục hồi nhờ dự báo áp lực tồn kho suy giảm và đóng góp của các nhãn hàng mới. Tuy nhiên, BSC cho rằng đến năm 2024, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự phục hồi mạnh mẽ. Doanh thu và lợi nhuận nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến đạt 20.281 tỷ đồng và 535 tỷ đồng, tăng 12% và 70% so với mức nền thấp năm 2023.

Với Thế giới Di động, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, những gì xấu nhất về kết quả kinh doanh đã được phản ánh trong quý đầu năm. Dù vậy, BVSC cho rằng trong ngắn hạn còn nhiều thách thức và quá trình hồi phục sẽ kéo dài.

Tín hiệu tích cực từ khối ngoại phiên 13/7, MSN và SSI được mua ròng mạnh nhất

Phiên giao dịch ngày 13/7, cùng xu hướng tích cực của thị trường chung, khối ngoại cũng trở lại xu hướng mua ròng gần 200 ...

Thị trường chứng khoán ngày 14/7/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

VN-Index lên mức cao nhất trong gần 10 tháng; Cổ phiếu XDC vào diện cảnh báo; Xây dựng Hòa Bình bị nhắc nhở do chậm ...

Phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô để khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán

Sau khi đăng tải loạt bài: "Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn”, ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán