Những điểm đáng chú ý của kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2020 và thách thức đặt ra

(Banker.vn) 6 tháng đầu năm 2020, diễn biến bất ngờ của dịch COVID-19 đã tác động đến kinh tế toàn cầu trên mọi mặt. Sự lây lan nhanh của dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu phải cách ly các nền kinh tế ở cấp độ toàn cầu khiến toàn bộ hoạt động thương mại, sản xuất trên thế giới đều trở nên đình trệ.

Sự suy giảm tăng trưởng diễn ra rõ nét tại tất cả các quốc gia, các khu vực, tác động tới cả các nền kinh tế phát triển cũng như các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Bên cạnh đó, diễn biến các thị trường tài chính, tiền tệ cũng trải qua các xáo trộn lớn, càng làm trầm trọng thêm diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020.

Các nền kinh tế đầu tàu đều đối mặt với tình trạng tăng trưởng giảm sút

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2020 đã đối diện với tình trạng suy giảm trên diện rộng. Số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế quý I tại nhóm các nền kinh tế phát triển cũng như nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đều suy giảm mạnh. Trong đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển (Mỹ, Anh, khu vực EU, Nhật Bản,...) đều rơi vào tình trạng tăng trưởng âm và tại nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chủ chốt (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á,...), tốc độ tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều ước tính ban đầu.

Sự sụt giảm trong chỉ số niềm tin tại các nền kinh tế phát triển

Nguồn: Global Economic Prospects Report, WB, 6/2020

Dự báo tỷ lệ các nước đang phát triển và mới nổi suy giảm trong năm 2020 so với các năm trước

Nguồn: Global Economic Prospects Report, WB, 6/2020

Tác động của dịch bệnh cùng các biện pháp kiểm soát phòng chống của các nền kinh tế đã đẩy các hoạt động kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái gián đoạn, sự sụt giảm diễn ra trên tất cả các lĩnh vực trụ cột như thương mại, đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, thị trường lao động,... Đặc biệt hơn nữa, những diễn biến kinh tế thực đã ảnh hưởng mạnh đến các thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng,..., từ đó ảnh hưởng mạnh đến niềm tin của các nhà đầu tư.

Hoạt động sản xuất toàn cầu thu hẹp ở mức độ mạnh nhất trong lịch sử giao dịch

Hoạt động sản xuất toàn cầu, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) tổng hợp chỉ giữ được ở ngưỡng mở rộng trên 50 điểm trong tháng 1, sau đó rơi vào tình trạng thu hẹp liên tục trong những tháng còn lại. Chỉ số PMI tổng hợp đã giảm liên tục kể từ tháng 2 đến hết tháng 4, chạm đáy ở mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch chỉ số này là 26,5 điểm trong tháng 4 và đang có xu hướng phục hồi trở lại kể từ tháng 5. Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 6, chỉ số PMI tổng hợp vẫn chỉ đạt 47,7 điểm, chưa quay trở lại được ngưỡng mở rộng.

Diễn biến tương tự được ghi nhận trong cả hai khu vực chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ, trong đó chỉ số PMI của cả hai khu vực đều chạm đáy trong tháng 4 ở mức lần lượt là 26,2 điểm đối với khu vực sản xuất và 23,7 điểm đối với khu vực dịch vụ. Mặc dù chứng kiến sự hồi phục trong 2 tháng gần đây nhưng cả 2 khu vực đều chưa thể quay trở lại được ngưỡng mở rộng như thời điểm trước khi chịu tác động của dịch bệnh.

Sự thu hẹp của chỉ số PMI diễn ra trên tất cả các nhóm nền kinh tế, trong đó nhóm các nền kinh tế phát triển chịu tác động mạnh hơn khi sụt giảm xuống mức thấp nhất chỉ còn gần 20 điểm trong tháng 4. Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng ghi nhận sự sụt giảm của chỉ số PMI nhưng mức độ giảm thấp hơn, xuống mức thấp nhất còn khoảng 34 điểm trong tháng 4.

Sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 được đánh giá là do quá trình bùng phát đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu, khiến toàn bộ hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Điều đó được thể hiện qua tất cả các chỉ số thành phần cấu tạo nên chỉ số PMI chung như sản lượng đầu ra, số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, sản lượng tương lai, tỷ lệ thất nghiệp, giá cả đầu vào, giá cả đầu ra đều ở trong tình trạng thu hẹp liên tục kể từ đầu  năm đến nay, trong đó tháng 4 ghi nhận mức thu hẹp mạnh nhất.

Giá trị giao dịch thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh

Thương mại hàng hóa toàn cầu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Theo số liệu thống kê mới nhất của WTO, tổng kim ngạch thương mại toàn cầu trong quý I ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 3,2% và kim ngach nhập khẩu ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 2,9%. Với những diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa kinh tế tạo ra các tác động rõ rệt hơn, WTO ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu quý II sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn, với mức giảm ước lên đến 18,5% so với cùng kỳ.

Diễn biến của các chỉ số phản ánh hoạt động thương mại như hoạt động giao thương qua đường hàng không, hoạt động giao nhận vận tải đường biển, số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, doanh số bán hàng lâu bền,… đều cho thấy sự sụt giảm mạnh những tháng đầu năm 2020, trong đó mức giảm mạnh tập trung trong giai đoạn từ nửa cuối tháng 3 cho đến gần hết tháng 4. Những tháng gần đây, các chỉ số này đều đang cho thấy những tín hiệu phục hồi khi các nền kinh tế đang nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa, tuy nhiên nhìn chung giá trị của các chỉ số vẫn ở mức thấp so với thời điểm cuối năm ngoái.

Dòng vốn FDI suy giảm mạnh

Theo báo cáo đánh giá diễn biến dòng vốn FDI toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo dòng vốn FDI sẽ suy giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020, chỉ đạt hơn 500 tỷ USD và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Trên thực tế, số liệu thống kê từ Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cho thấy trong những tháng đầu năm 2020, các dự án thuộc hình thức đầu tư mới, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng vốn dành cho hoạt động tái đầu tư cũng đã giảm hơn 40% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển chịu tác động sụt giảm lượng vốn FDI mạnh mẽ hơn.

Chỉ số giá cả hàng hóa toàn cầu giảm so với cuối năm ngoái, giá dầu biến động mạnh

Diễn biến chỉ số giá cả hàng hóa của một số nhóm hàng chủ chốt

Nguồn: www.worldbank.org/en/research/commodity-markets

Theo số liệu thống kê về các thị trường hàng hóa của Ngân hàng Thế giới, giá cả nhiều mặt hàng trên toàn cầu đã có chuỗi giảm liên tục kéo dài kể từ tháng 1 đến tháng 4 và mới điều chỉnh tăng trở lại trong 2 tháng gần đây. Xu hướng giảm của các mặt hàng bắt đầu từ tháng 1, mức giảm tăng dần qua các tháng, trong đó tháng 4 ghi nhận mức giảm mạnh nhất đối với tất cả các nhóm mặt hàng. Mặc dù trong 2 tháng tiếp theo, giá cả hàng hóa đã tăng trở lại nhưng vẫn chưa bù đắp được mức giảm mạnh của 4 tháng đầu năm. Diễn biến của các nhóm hàng hóa cụ thể như sau:

- Chỉ số giá bình quân nhóm hàng nông sản điều chỉnh giảm trong 4 tháng đầu năm với tổng mức giảm khoảng 6,9% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi trong 2 tháng tiếp theo, chỉ số giá bình quân nhóm hàng nông sản kết thúc tháng 6 chỉ giảm 4,7% so với cuối năm ngoái.

- Chỉ số giá bình quân nhóm hàng kim loại sản xuất giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm khi hoạt động sản xuất toàn cầu bị đình trệ dưới tác động của lệnh cách ly, đưa mặt bằng giá của nhóm hàng này qua 4 tháng đầu năm đã giảm khoảng 15,4% so với cuối năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý là nhiều mặt hàng điều chỉnh giảm mạnh như đồng giảm 16,7%, thiếc giảm 12,6%, kẽm giảm 16,2%, nikken giảm 14,64%… so với cuối năm trước. Với sự phục hồi của hoạt động sản xuất toàn cầu trong 2 tháng tiếp theo, giá cả nhóm hàng này cũng đã tăng trở lại, kết thúc tháng 6 đã giảm 4,9% so với cuối năm ngoái.

- Chỉ số giá bình quân nhóm hàng năng lượng cũng có xu hướng giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm và phục hồi trở lại trong 2 tháng tiếp theo, trong đó những biến động của giá dầu đã chi phối xu hướng biến động của nhóm hàng này. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, chỉ số giá bình quân nhóm hàng năng lượng đã giảm mạnh 61,8% so với cuối năm ngoái, trong đó mức giảm mạnh tập trung vào tháng 4 là 30,2%. Sự sụt giảm của nhóm hàng năng lượng trong giai đoạn này là do biến động giảm mạnh của giá dầu, không chỉ do sự chi phối từ những diễn biến của dịch COVID-19 mà còn do tình trạng dư cung và thiếu hụt các kho dự trữ nhiên liệu. Với sự phục hồi của giá dầu trong 2 tháng tiếp theo đã khiến nhóm hàng năng lượng tăng giá trở lại. Kết thúc 6 tháng đầu năm, giá nhóm hàng năng lượng giảm khoảng 37,1% so với cuối năm ngoái; trong đó giá dầu WTI bình quân tháng 6 ở mức 38,3 USD/thùng, giảm xấp xỉ 36% so với mức giá bình quân cuối năm ngoái; giá dầu Brent bình quân tháng 6 ở mức 39,93 USD/thùng, giảm 39,4% so với mức giá bình quân cuối năm ngoái.

Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020

Với những diễn biến kém tích cực của kinh tế toàn cầu trong 6 tháng qua, cùng với những nhận định chưa chắc chắn về tình hình diễn biến dịch bệnh, nhiều tổ chức quốc tế đều đồng thuận trong việc đưa nhận định về triển vọng suy giảm của kinh tế toàn cầu trong năm 2020 với mức giảm được dự đoán trong khoảng từ 5 – 6%. Trong đó, các nền kinh tế phát triển sẽ suy giảm mạnh hơn với mức giảm trong khoảng 7 – 8%, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi suy giảm trong khoảng 3 – 4%. Tại các nền kinh tế chủ chốt, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ giảm khoảng 6%. Kinh tế khu vực đồng Euro dự kiến sẽ giảm mạnh hơn, ở mức khoảng 9% trong năm 2020 do dịch bệnh lan rộng đã gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động kinh tế của các quốc gia trong toàn khu vực. Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ giảm khoảng 6%. Kinh tế Trung Quốc với tình hình phục hồi khả quan sau dịch bệnh có thể lấy lại đà tăng trưởng nhưng mức tăng có thể chỉ khoảng 1%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi quốc gia này thực hiện các cải cách mở cửa kinh tế đến nay.

Cùng với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế nói chung, toàn bộ các hoạt động thương mại, sản xuất, đầu tư trên toàn cầu cũng đối mặt với tình trạng sụt giảm. Theo dự báo của WTO, tổng kim ngạch giao dịch thương mại toàn cầu trong năm 2020 có thể sụt giảm 13%, trong đó nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn do tăng trưởng kinh tế tại phần lớn các quốc gia này có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động thương mại và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài theo dự báo của UNCTAD cũng sẽ chứng kiến sự suy giảm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 đến nay với mức giảm khoảng 30%, trong đó các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng đối mặt với nguy cơ sụt giảm lượng vốn đầu tư nhiều hơn.

Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu có thể diễn biến kém tích cực hơn khi phải đối mặt với những vấn đề sau:

Thứ nhất, diễn biến của dịch COVID-19 vẫn còn đang phức tạp tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong khi thế giới vẫn chưa tìm ra được vaccine phòng bệnh thì khả năng làn sóng lây lan thứ hai của dịch bệnh sẽ tiếp tục bùng nổ và có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bị phong tỏa trở lại, toàn bộ các hoạt động kinh tế lại rơi vào tình trạng tê liệt và khiến nguy cơ suy thoái sẽ lan rộng hơn trên toàn thế giới.

Thứ hai, sự ổn định của các thị trường tài chính đang bị đe dọa và đã được minh chứng trong thực tế diễn ra trong nửa đầu năm 2020. Trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, các thị trường tài chính tiền tệ có thể sẽ còn tiếp tục biến động, từ đó làm giảm sút niềm tin của giới đầu tư, đồng thời cũng làm chậm lại triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, tình trạng suy thoái trên diện rộng buộc các quốc gia phải liên tục thực hiện các gói nới lỏng định lượng, bơm thêm tiền vào nền kinh tế trong khi nguồn thu ngân sách tại nhiều nước còn hạn chế sẽ tạo ra gánh nặng đối với cán cân ngân sách và khiến tình trạng thâm hụt ngân sách, nợ công tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Thứ ba, căng thẳng thương mại gia tăng trở lại càng khiến hoạt động thương mại toàn cầu trở nên tê liệt: Hiện nay, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ leo thang trở lại, nếu Trung Quốc tỏ ra không sẵn sàng hoặc không thể thực hiện các cam kết nhập khẩu theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã được ký kết hồi tháng 1. Không những thế, trong những tháng gần đây, lại phát sinh thêm những tranh chấp thương mại mới như giữa Mỹ và khu vực EU, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc,… Tình trạng này càng khiến bức tranh thương mại toàn cầu trở nên u ám, khiến dòng chảy thương mại khó có thể khơi thông trở lại, để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu như những giai đoạn hậu khủng hoảng trước đây.

Thứ tư, tình trạng bất ổn chính trị, căng thẳng xung đột gia tăng giữa các cường quốc hàng đầu như giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ và Iran, giữa Trung Quốc và Ấn Độ,… sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro biến động trên các thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14/2020

Trang Ngọc

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục