Những điều cần lưu ý khi gửi tiền tiết kiệm bạn nên biết

(Banker.vn) Gửi tiền tiết kiệm là lựa chọn của nhiều người, khi có một khoản tài chính dư thừa không cần chi tiêu đến. Thế nhưng gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn khiến cho các khách hàng phải lo lắng. Để tránh việc bị mất tiền oan vì lừa đảo, người gửi tiền cần lưu ý những điều sau.

Gửi tiền tiết kiệm, các hình thức gửi tiết kiệm

Gửi tiền tiết kiệm là cá nhân hoặc tổ chức gửi khoản tiền nhàn rỗi của mình vào ngân hàng nhằm mục đích hưởng lãi định kỳ theo mức lãi suất được ngân hàng ấn định.

Xét về thời gian gửi, có thể chia ra làm gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn và gửi tiền không kỳ hạn.

- Gửi tiết kiệm có kỳ hạn (hay có thời hạn) là bạn gửi tiền vào ngân hàng trong thời gian cụ thể. Hầu hết các ngân hàng sẽ đưa ra các kỳ hạn từ ngắn đến dài để khách hàng có thể lựa chọn như: 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng… cho đến 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, kỳ hạn dài nhất là 36 tháng.

Mỗi kỳ hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất cụ thể, càng kỳ hạn dài thì lãi suất càng cao. Ngoài ra, lãi suất còn được ưu đãi theo số tiền khách hàng gửi vào (gửi dưới 1 tỷ, tiết kiệm từ 1 tỷ đến 3 tỷ, gửi tiền trên 3 tỷ…).

Những điều cần lưu ý khi gửi tiền tiết kiệm bạn nên biết
Hình minh họa

Tùy vào nhu cầu sử dụng tiền mà khách hàng đăng ký gửi kỳ hạn ngắn hay dài.

- Tính theo cách thức gửi tiền, có thể chia thành gửi tiền trực tiếp tại văn phòng giao dịch và gửi tiết kiệm online. Gửi tiết kiệm tại ngân hàng là cách truyền thống nhất, tức là bạn phải đem tiền của mình cùng với thẻ căn cước (chứng minh nhân dân) đến ngân hàng để làm thủ tục. Sau khi điền vào phiếu yêu cầu như thông tin cá nhân, số tiền gửi, kỳ hạn gửi, giao dịch viên sẽ tiến hành làm thủ tục, thu tiền gửi và trả sổ tiết kiệm cho bạn.

Để gửi tiền online thì bạn cần phải có tài khoản tại ngân hàng, sử dụng dịch vụ internet banking và thực hiện trên website hoặc tải app của ngân hàng về điện thoại để mở sổ tiết kiệm.

Một số lưu ý khi gửi tiền tiết kiệm

Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy

Đây là quy chế về tiền gửi, được quy định rõ tại các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. Cụ thể, khách hàng VIP được vào phòng VIP hoặc phòng Giám đốc để thực hiện các thủ tục cho giao dịch gửi hoặc rút tiền gửi cũng như ký các giấy tờ có liên quan.

Việc này vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đẩy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ. Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Không ký sẵn chứng từ trống

Khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng. Tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi hay rút, chuyển tiền của ngân hàng đều có nội dung rõ ràng và nhân viên ngân hàng phải tuân thủ theo đúng quy trình của ngân hàng để giao dịch với khách.

Hơn nữa, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.

Kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kì

Việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng nhằm phòng trường hợp nếu bị mất tiền thì khách hàng có thể nhanh chóng báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng để có biện pháp khẩn cấp phối hợp giải quyết. Việc kiểm tra số dư này có thể được thực hiện nhanh chóng qua tài khoản Internet Banking hoặc Mobile Banking đã được đăng ký với ngân hàng.

Nếu không chú ý việc này, khách hàng khó có thể thu hồi được số tiền của mình. Bởi lúc đó, cơ quan chức năng và ngân hàng phải tốn nhiều thời gian trong việc điều tra, truy tố, xét xử, kể cả thi hành án cũng rất nhiêu khê, đặc biệt là khi người lấy cắp tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng.

Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận

Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy tờ tùy thân thì sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng. Trong vòng 24 giờ sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất sổ tiết kiệm. Nếu không, lại bị kẻ gian giả mạo chữ ký và các giấy tờ tuỳ thân thì khách hàng có thể sẽ chịu thiệt về số tiền gửi của mình.

Ngoài ra, khách hàng không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm của mình, vì trong nhiều trường hợp họ có thể giả chữ ký, giấy chứng minh nhân dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản khách hàng. Song song đó, người gửi tiền cũng không nên cho các nhân viên ngân hàng “nợ” sổ tiết kiệm sau khi đã mở tài khoản vào tiền gửi. Vì khi đó, nhân viên ngân hàng có thể đã không gửi tiền vào tài khoản của khách mà gửi tiền vào tài khoản của họ hoặc người thân.

Những thông tin cá nhân trên sổ tiết kiệm

Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.

Khi nhận sổ tiết kiệm, bạn cần kiểm tra các thông tin về: tên ngân hàng, loại tiền, số tiền; kỳ hạn gửi tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn; lãi suất; phương thức trả lãi; họ tên và địa chỉ của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm, của đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm; số CMND hoặc hộ chiếu; số thẻ, con dấu, chữ ký của Trưởng đơn vị (hoặc người được ủy quyền)…

Đảm bảo chỉ có một chữ ký ổn định

Dù không đến nỗi bị vô hiệu hóa sổ tiết kiệm, nhưng việc thay đổi chữ ký liên tục lại là sai lầm rất phổ biến và gây phiền toái nhiều nhất cho không ít khách hàng. Hãy nhớ, khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Do đó, bạn không nên thấy làm quá phiền lòng khi bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.

Do vậy, việc duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng là điều cần thiết nhằm giúp khách hàng thuận tiện và nhanh chóng khi gửi hay rút, chuyển tiền từ tài khoản của mình.

Cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến

Khách hàng nên thận trọng khi vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài ra, khách hàng cũng nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.

Cách giúp triệu phú tự thân đạt được tự do tài chính để nghỉ hưu ở tuổi 35

Những gì mà Steve Adcock làm được ở tuổi 35 là một thành tựu đáng ngưỡng mộ với bất kì ai mong muốn có một ...

Những bài học về quản lý tài chính cá nhân hiệu quả bạn cần biết

Sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là bởi cách thức quản lý tài chính. Người giàu biết quản lý tài ...

Những bài học tài chính bạn cần biết trước khi đến tuổi 30

Khi bước vào độ tuổi 30, có thể bạn thấy bản thân vẫn còn trẻ trung và bất khả chiến bại. Tuy nhiên để chuẩn ...

Phương Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục