Những điều cần biết về chỉ số PMI, ý nghĩa và cách tính chỉ số PMI

(Banker.vn) Nhờ có chỉ số PMI, các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và quản lý mua hàng nắm được các thông tin về điều kiện kinh doanh hiện tại của các công ty hoặc tập đoàn.

Chỉ số PMI là gì?

Chỉ số PMI viết tắt của Purchase Managers Index, tức là chỉ số Quản lý Mua hàng. Đây là chỉ số thể hiện triển vọng của nền kinh tế trong ngành sản xuất và dịch vụ. Nó cho biết dưới góc nhìn của các nhà thu mua, thị trường đang mở rộng, không thay đổi hay suy giảm.

Mục đích của PMI là cung cấp thông tin về các điều kiện kinh doanh hiện tại và trong tương lai cho những người ra quyết định của công ty, bao gồm chuyên gia phân tích và nhà đầu tư.

Những điều cần biết về chỉ số PMI, ý nghĩa và cách tính chỉ số PMI
Hình minh họa - nguồn internet

Cách hoạt động của chỉ số PMI

PMI do Viện Quản lý Cung ứng (ISM) và IHS Markit Group tổng hợp và phát hành hàng tháng. Tại Việt Nam, hiện tại chỉ số PMI được IHS Markit Group thống kê. PMI dựa trên cuộc khảo sát hàng tháng được gởi tới các giám đốc điều hành cấp cao của hơn 400 công ty dựa trên tỷ trọng đóng góp vào GDP.

Các mục khảo sát phổ biến là: Đơn đặt hàng mới (30%), Sản lượng (25%), Việc làm (20%), Thời gian giao hàng của nhà cung cấp (15%) và Tồn kho hàng mua (10%). Các câu trả lời bao gồm: Mở rộng, không thay đổi, thu hẹp lại. Sau đó PMI được tính toán và có giá trị từ 0 đến 100%.

PMI có giá trị trên 50 thể hiện khả năng sản xuất và dịch vụ được mở rộng so với tháng trước, dưới 50 thể hiện sự hẹp lại và PMI bằng 50 cho thấy sự không thay đổi. Chỉ số này càng xa so với 50 thì độ thay đổi được dự báo là càng lớn.

Cách tính PMI

PMI = (P1 * 1) + (P2 * 0,5) + (P3 * 0)

Trong đó:

P1 là phần trăm câu trả lời báo cáo rằng sẽ có sự tích cực trong sản xuất và dịch vụ

P2 là phần trăm câu trả lời báo cáo không thay đổi

P3 là phần trăm câu trả lời báo cáo rằng sản xuất và dịch vụ sẽ bị thu hẹp lại

Ý nghĩa của chỉ số PMI

Đối với nền kinh tế

Chỉ số PMI cho biết tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Nếu đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất của họ đang “đi xuống”, điều này có nghĩa GDP có thể giảm.

Ví dụ, một doanh nghiệp cho biết số đơn đặt hàng mới ít đi, số hàng mua từ nhà sản xuất giảm, và họ cắt giảm bớt nhân công, thì có nghĩa họ đang sản xuất được ít hàng hóa hơn.

Chỉ số PMI dao động từ 0 đến 100. PMI trên 50 tức là nền kinh tế đang “tăng trưởng” so với tháng trước. Ngược lại, PMI dưới 50 phản ánh nền kinh tế “suy giảm” so với tháng trước. Nếu PMI bằng 50 tức là không có sự thay đổi nào.

Đối với nhà đầu tư

PMI phản ánh một phần sức mua hàng và khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Chỉ số này cho thấy một phần bức tranh kinh tế vĩ mô của một đất nước. PMI sẽ có cùng xu hướng với một số dữ liệu vĩ mô khác như GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm. Các dữ liệu về kinh tế vĩ mô như trên khá quan trọng khi đưa ra quyết định đầu tư.

Khi chỉ số PMI trên 50, bạn có thể nhận định rằng tình hình kinh tế nhìn chung vẫn đang tăng trưởng. Lúc này, bạn có thể đầu tư nhiều hơn vào các tài sản rủi ro cao. Một trong số đó là chứng khoán, cổ phiếu.

Còn trong trường hợp PMI dưới 50, bạn có thể đưa ra dự đoán nền kinh tế đang bước vào giai đoạn suy thoái. Bạn nên cẩn trọng hơn và giảm thiểu rủi ro. Khi đó bạn nên cân nhắc những kênh đầu tư an toàn hơn.

Minh Đức

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục