Những điểm mới quan trọng của Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi)

(Banker.vn) Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua ngày 29/6. Theo đó, Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) có nhiều thay đổi hướng tới mục tiêu lớn.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Bổ sung thêm nhiều quyền, lợi ích cho người lao động Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7

Mở rộng đối tượng tham gia

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) lần này đã thể chế cơ bản Nghị quyết số 28/NQ-TW, quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với:

Chủ hộ kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Những điểm mới quan trọng của Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi)

Ngoài ra, người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên,...

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong khi tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Một trong những nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương đã xác định xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Như vậy, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với thiết kế tại Luật Bảo hiểm xã hội mới được Quốc hội biểu quyết thông qua đã thể chế hoá được nội dung cải cách nêu trên và cũng thể hiện được sự liên kết, linh hoạt giữa các tầng, sự hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Đồng thời, tại Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) đã có quy định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Bổ sung quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hàng tháng từ chính khoản đóng của mình.

Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hàng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, do vậy Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.

Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như:

Quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thời gian qua, với vai trò cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặc biệt quan tâm. Đây là nền tảng quan trọng nhất cho hoạt động triển khai nhiệm vụ của ngành.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương