Những di tích đặc biệt ghi đậm dấu ấn Bác Hồ trên đất Cố đô Huế

(Banker.vn) Sinh thời, Bác Hồ cùng gia đình có thời gian gần 10 năm sinh sống, lao động và học tập tại Cố đô Huế - từ năm 1895-1901 và từ năm 1906-1909.
Về thăm "địa chỉ đỏ" Được gặp Bác là niềm tự hào theo suốt cuộc đời Chuyện về những người đồng bào mang họ Bác Hồ

Thời gian sinh sống tại Cố đô Huế - Thừa Thiên Huế là giai đoạn quan trọng để hình thành nên nhân cách, lòng yêu nước và khát vọng tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mặc dù thời gian sinh sống không quá dài, song Bác cùng gia đình đã để lại những dấu ấn đặc biệt in đậm trên đất Cố đô Huế và giờ đây đã trở thành những di tích đặc biệt, là địa chỉ đỏ trong kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng.

Những di tích đặc biệt ghi đậm dấu ấn Bác Hồ trên đất Cố đô Huế
Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo thống kê, ở Thừa Thiên Huế còn hơn 10 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình của Người. Trong đó, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho 4 di tích bao gồm: Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ và Địa điểm Trường Quốc học.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan, là nơi Bác Hồ đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ 1895-1901.

Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An, năm 1895 vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi sau, cụ xin vào học trường Quốc Tử Giám tại Kinh đô Huế và được chấp nhận. Cuối năm 1895, cụ gửi lại con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh cho bà ngoại, cùng vợ (bà Hoàng Thị Loan) và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên đường vào Huế. Đến Huế, nhờ người quen giới thiệu, cụ đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba.

Những di tích đặc biệt ghi đậm dấu ấn Bác Hồ trên đất Cố đô Huế
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (thứ 4 từ phải sang) thăm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Mai Thúc Loan - Cố đô Huế

Tại ngôi nhà này, cụ Nguyễn Sinh Sắc ngày ngày đi nghe giảng sách, thức khuya dậy sớm chuyên tâm đèn sách, bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái giúp chồng yên tâm học hành. Hai anh em Khiêm, Cung được cha mẹ hướng dẫn, dạy bảo làm việc nhà, quen với cuộc sống lao động.

Những năm tháng sống ở đây, Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước theo lời kể của cha về sự kiện thất thủ Kinh đô (23/5 Ất Dậu). Đặc biệt ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư đặt tên là Nguyễn Sinh Nhuận (hay còn gọi là bé Xin) và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33, không lâu sau người em nhỏ của Người cũng qua đời.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Từ xa xưa, Dương Nỗ là một làng quê trù phú, giàu truyền thống văn hóa, với tinh thần lao động cần cù, người dân ở đây đã biến vùng đồng lầy thấp trũng thành những cánh đồng phì nhiêu, những khu vườn cây trái tươi tốt quanh năm. Làng Dương Nỗ còn có Đình làng cổ kính, Am miếu uy nghi, có dòng sông đào Phổ Lợi trong xanh chảy qua đã làm tăng thêm vẻ duyên dáng, trữ tình của một làng quê yên ả, thanh bình. Ngôi làng nhỏ này là nơi đã vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời cùng anh theo cha về đây sống từ năm 1898 đến năm 1900.

Lưu giữ những dấu ấn về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, nhiều di tích đã được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, bên cạnh Đình làng, Am Bà, Bến Đá, còn có di tích đặc biệt quan trọng là ngôi nhà lưu niệm về Người, nơi Người đã sống, sinh hoạt, học tập, gắn bó mật thiết với cảnh vật và con người nơi đây.

Những di tích đặc biệt ghi đậm dấu ấn Bác Hồ trên đất Cố đô Huế
Ngày nay, các điểm di tích Bác Hồ là địa chỉ thăm quan, học tập thường xuyên của học sinh, sinh viên trên địa bàn Thừa Thiên Huế

Đình làng Dương Nỗ - một ngôi đình cổ kính, uy nghi được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471), tọa lạc bên dòng sông Phổ Lợi đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển làng Dương Nỗ qua bao thăng trầm và biến đổi. Ngày nay, đình làng Dương Nỗ là một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt là trong thời gian Bác Hồ cùng anh theo cha về sinh sống, học tập tại làng Dương Nỗ (1898-1900). Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, di tích đình làng Dương Nỗ có phần bị hư hỏng, nhưng nhìn chung về mặt tổng thể và cấu trúc, vật dụng bên trong vẫn giữ nguyên kiểu dáng như lúc Bác Hồ về sống ở làng mà thường ngày Người vẫn đến chơi và viếng cảnh.

Cùng với nhà lưu niệm ở Dương Nỗ, đình làng Dương Nỗ đã khắc ghi trong trí nhớ Bác Hồ với bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, nơi đã có tác động không nhỏ đến đời sống tình cảm và nhận thức của Người.

Di tích trường Quốc Học: Trường Quốc Học được thành lập theo dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23-10-1896) và Nghị định ngày 18-11-1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương.

Năm 1901, sau kỳ thi Hội (khoa Tân Sửu), cụ Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng. Tháng 5-1906 cụ vào Kinh đô Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai là Nguyễn Tất Đạt (còn có tên là Nguyễn Sinh Khiêm) theo cha vào Huế sinh sống và học tập.
Vào Kinh đô Huế lần này, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã cho hai con vào học trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Nguyễn Tất Thành học lớp nhì niên khóa 1906-1907, lớp nhất niên khóa 1907-1908. Nguyễn Tất Thành là một học trò ham học, chăm chỉ, thông minh, vì vậy, kỳ thi Primaire 1908 Nguyễn Tất Thành là một trong mười học sinh giỏi nhất trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào học lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc Học niên khóa 1908-1909. Trong thời gian học ở trường Quốc Học, Nguyễn Tất Thành đã có điều kiện tiếp thu nền văn minh phương Tây và hiểu rõ hơn bản chất khai hóa mị dân của thực dân Pháp qua câu khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, lấy di sản làm nền tảng, xây dựng Huế thành đô thị di sản của Việt Nam, cùng với hệ thống di sản Cố đô; di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; di sản Hồ Chí Minh đang nỗ lực để trở thành lợi thế trong xây dựng và phát triển của tỉnh. Vì vậy, năm 2021, đề án: “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch" và đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương