Những dấu hiệu nhận biết sớm của bệnh ung thư dạ dày, khi nào nên khám tầm soát?

(Banker.vn) Ung thư dạ dày là bệnh nguy hiểm nhưng có thể điều trị thành công nếu phát hiện sớm. Vậy khi nào cần tầm soát ung thư dạ dày?
Triệu chứng chẩn đoán ung thư dạ dày Dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày

Hiện nay ung thư dạ dày là một trong những ung thư chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa và hay gặp ở Việt Nam. Theo ThS.BS.Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park: Phát hiện ung thư giai đoạn sớm hết sức quan trọng, vì phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm là cắt khoanh niêm mạc chứa tổn thương ung thư (ESD), không cần phải phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ dạ dày với nhiều nguy cơ của gây mê và phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Ung thư sớm dạ dày là gì?

Ung thư sớm dạ dày là những tổn thương ung thư còn khu trú ở lớp niêm mạc hoặc dưới niêm mạc, không kể đến tình trạng có di căn hạch hay không.

Theo thống kê, nếu được chẩn đoán sớm, khi tổn thương chưa xâm lấn qua lớp cơ của thành dạ dày, thì thời gian sống thêm sau can thiệp trên 5 năm là từ 80 - 90%, nếu chẩn đoán muộn khi tổn thương đã vượt qua lớp cơ và lan ra thanh mạc thì thời gian sống thêm sau mổ trên 5 năm chỉ vào khoảng 10 - 15%.

Thường thì một tổn thương ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm có kích thước rất nhỏ, từ vài mm đến không quá 5-7cm, nên tổn thương đó không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá thức ăn của dạ dày và hoàn toàn không gây triệu chứng khó chịu hay đau bụng cho người bệnh.

Dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày? Khi nào nên khám tầm soát?
Nếu bệnh ung thư dạ dày được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao - Ảnh: VGP

Dấu hiệu của ung thư sớm dạ dày

Một số triệu chứng bệnh nhân hay gặp ở ung thư dạ dày là: Cảm giác đau tức âm ỉ ở vùng thượng vị. Ợ hơi, ợ chua. Nếu ở giai đoạn sớm, những triệu chứng này thường mơ hồ và bệnh nhân thường không để ý.

Ở giai đoạn tiến triển, ung thư dạ dày thường có các dấu hiệu sau:

Sụt cân: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp khi mắc ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân xảy ra nhanh chóng khi bệnh bước sang giai đoạn tiến triển.

Đau bụng: Bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không giảm...

Chán ăn: Cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị nghẽn ở cổ họng.

Đầy bụng sau khi ăn: Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn.

Nôn ra máu: Khi xuất hiện hiện tượng nôn ra máu thường xuyên, chúng ta cũng cần phải suy xét về khả năng mắc bệnh ung thư dạ dày.

Đi ngoài phân đen: Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư.

Làm gì để phát hiện sớm ung thư dạ dày?

Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, cách tốt nhất là sàng lọc ung thư dạ dày. Khám sàng lọc được thực hiện cho những bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, nơi mà ung thư dạ dày là một bệnh thường gặp thì việc sàng lọc trên diện rộng có thể giúp phát hiện sớm bệnh lý ung thư dạ dày.

Bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để kiểm tra như: Nội soi dạ dày, sinh thiết tổn thương nghi ngờ, xét nghiệm về chất chỉ điểm khối u...

Nội soi thực quản dạ dày: Đây là phương pháp tốt nhất để phát hiện các tổn thương nghi ngờ ung thư sớm dạ dày. Dựa vào những hình ảnh bất thường trên nội soi, Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để xác định chẩn đoán.

Nội soi còn giúp đánh giá các đối tượng bệnh nhân có nguy cơ ung thư dạ dày: nhiễm Helicobacter Pylori, viêm teo dạ dày, viêm chuyển sản ruột ở dạ dày, để có kế hoạch lặp lại nội soi phù hợp.

Sinh thiết: Các bác sĩ làm sinh thiết trong quá trình nội soi trên bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ từ một khu vực nghi là tổn thương ung thư sớm của dạ dày. Sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát dưới kính hiển vi. Khi các bác sĩ đã chẩn đoán xác định, các xét nghiệm tiếp theo được thực hiện để chẩn đoán giai đoạn.

Muốn phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn sớm phải dựa vào các chương trình tầm soát ung thư. Một triệu chứng không rõ ràng của đường tiêu hoá trên có thể xuất hiện 6-12 tháng trước khi được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm và có thể có ở 90-95% bệnh nhân không xác định được qua sàng lọc.

Để tầm soát ung thư dạ dày, hiện nay các tổ chức trên thế giới khuyến cáo, đối với những bệnh nhân sau 50 tuổi nên tầm soát ung thư bằng cách soi dạ dày. Đây là phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán sớm nhất phát hiện tình trạng tổn thương đường tiêu hóa.

Ngoài ra, đối với những người trong gia đình có những yếu tố di truyền như đa polyp dạ dày hoặc có người thân có tiền sử ung thư đường tiêu hóa. Sau khi đủ tuổi vị thành niên nên đi tầm soát ung thư dạ dày. Nếu lần đầu không vấn đề gì, sau 1 năm nên đi tầm soát lần nữa, sau đó nên duy trì 5 năm/lần.

Phòng ngừa ung thư dạ dày bằng cách nào?

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ung thư dạ dày, do vậy không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc như tiền sử gia đình hoặc mắc vi khuẩn HP. Mọi người cũng có thể thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách: Tăng cường chất xơ trong bữa ăn: ăn nhiều rau và trái cây. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Không hút thuốc lá. Hạn chế đồ ăn lên men, ủ chua, và lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Tầm soát ung thư để phát hiện sớm và tăng hiệu quả điều trị.

Hơn nữa, những người có yếu tố ăn uống thói quen hút thuốc, uống rượu nhiều cũng là một trong những yếu tố có nguy cơ gây ung thư.

Nên sàng lọc ung thư dạ dày ở đâu?

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, với các hệ thống máy nội soi ngày càng hiện đại, giúp xác định rõ tổn thương, phóng đại tổn thương lên gấp nhiều lần, đã giúp cho việc chẩn đoán ung thư sớm dạ dày ngày càng rõ ràng và chính xác hơn.

Với nền y học hiện nay, rất nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đã cải thiện, nâng cấp giúp bạn thoải mái hơn khi đi khám.

Một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý ngay từ giai đoạn đầu, hạn chế cảm giác khó chịu khi nội soi. Với quy trình tầm soát ung thư dạ dày, công nghệ hiện đại tại Việt Nam hiện nay có thể kể tới NBI – phương pháp nội soi với dải tần ánh sáng hẹp, cho kết quả hình ảnh rõ nét và chi tiết, hỗ trợ bác sĩ khi chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa.

Bên cạnh công tác khám và điều trị, hiện nay các bệnh viện chuyên ngành về ung thư đã và đang triển khai dịch vụ khám sàng lọc nhằm phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm. ‏

‏Người dân muốn tầm soát ung thư dạ dày có thể đăng ký khám ở bệnh viện chuyên ngành với đội ngũ y bác sĩ đang công tác tại viện là những chuyên gia có tên tuổi trong lĩnh vực ung bướu.

Ngọc Ngân (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương