Những cách kiểm soát mỡ máu cao không cần dùng thuốc

(Banker.vn) Để giảm mức cholesterol hay nói cách khác là giảm mỡ máu cao, giới chuyên gia khuyến cáo biện pháp cấp bách, đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống.
Vì sao người mắc bệnh tiểu đường thường mỡ máu cao và cách phòng tránh Người bị mỡ máu cao cần thực hiện chế độ ăn thế nào?

Cholesterol cao nguy hại đến sức khỏe như thế nào?

Cholesterol là một loại chất béo trong máu được cơ thể sản xuất tự nhiên. Nó cũng được tìm thấy trong một số thực phẩm như trứng, nội tạng,…

Cơ thể cần một số cholesterol để hoạt động bình thường. Nhưng khi có mức cholesterol cao trong máu sẽ đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. Khi đó mảng bám tích tụ trong thành động mạch khiến máu khó lưu thông, lâu dần có thể gây đau tim hoặc đột quỵ.

Những cách kiểm soát mỡ máu cao không cần dùng thuốc
Để tránh mỡ máu cao cần tránh xa những đồ chiên rán

Có hai loại cholesterol trong máu, đó là: Cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) và cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL).

Cholesterol LDL là cholesterol xấu, nếu có quá nhiều sẽ bị mắc kẹt vào thành động mạch. Cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL là cholesterol tốt, nó có khả năng loại bỏ cholesterol xấu khỏi mạch máu.

Với lối sống hiện đại cùng ô nhiễm môi trường gia tăng khiến tình trạng tăng mỡ máu hay mỡ máu cao thường gặp ở người trưởng thành. Thống kê của Tổng hội Y học Việt Nam, tại Việt Nam có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao. Cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người mỡ máu cao (chiếm tỉ lệ 39%) và hơn 50% phụ nữ 50-65 tuổi bị thừa cholesterol máu.

Rối loạn lipid máu, thường được biết tới với tên gọi mỡ máu cao gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu và được xác định là một trong các nguy cơ chính của nhiều bệnh mãn tính không lây. Hiện nay cộng đồng vẫn chưa được trang bị kiến thức đúng đắn về vấn đề này, trong khi tình trạng này có thể dự phòng và kiểm soát được thông qua chế độ dinh dưỡng và vận động.

Tỷ lệ mắc bệnh mỡ máu của người Việt Nam đang ngày tăng nhanh và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Mỡ máu cao là nguy cơ gây bệnh gan nhiễm mỡ, có thể dẫn tới suy giảm chức năng gan và thậm chí là ung thư gan.

Lượng mỡ xấu trong máu tăng cao là nguyên nhân của xơ vữa mạch máu, làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới đột tử.

Những lưu ý khi thực hiện chế độ ăn giảm mỡ máu

Nguyên nhân của rối loạn mỡ máu chủ yếu do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, cung cấp năng lượng dư thừa cho cơ thể trong một thời gian dài. Mỡ máu cao chủ yếu do ăn thức ăn có quá nhiều chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa kết hợp với lối sống thụ động, lười vận động, hút thuốc lá… gây tích tụ quá nhiều chất béo xấu gây bệnh.

Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo chọn chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, ưu tiên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: Rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt có thể hỗ trợ kiểm soát lượng cholesterol và giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Trong đó, đậu nành (đậu tương) là loại thực phẩm quen thuộc được khuyến cáo tăng cường sử dụng trong các món ăn phổ biến như sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ…

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tác động tích cực của việc ăn đậu nành đối với mức cholesterol của mọi người. Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ) cũng đã nghiên cứu đậu nành để xác định lý do tại sao chúng có thể có khả năng giảm cholesterol.

Bên cạnh đó, cần hạn chế những đồ ăn thức uống có lượng đường cao như nước ngọt đóng chai, bánh kẹo ngọt; tránh các loại thức ăn nhanh, thức ăn chiên rán, xào chứa nhiều dầu mỡ.

Cùng với chế độ ăn, TS. BS Nguyễn Mạnh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai - còn khuyến cáo cần kiểm soát cân nặng, nên duy trì BMI cơ thể dưới 25. Với những người thừa cân, béo phì, mục tiêu giảm cân là giảm 10% trọng lượng cơ thể hiện tại. Đồng thời duy trì cường độ tập thể dục khoảng 30 - 60 phút tập luyện hàng ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Việc tập luyện như thế nào còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và thể trạng từng người. Ngoài ra, cần kiểm soát được yếu tố nguy cơ như bỏ hút thuốc lá, hạn chế các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu, bia.

Để kiểm soát lượng mỡ, trong mỗi bữa ăn nên ăn nhiều rau củ quả, cá giàu axit béo, giảm lượng muối ăn vào mỗi ngày thấp hơn 6g. Việc vượt quá cân nặng chỉ một vài pound cũng đã làm tăng chỉ số cholesterol. Bên cạnh đó, tìm cách kết hợp nhiều hoạt động hơn vào thói quen sinh hoạt hàng ngày, như sử dụng cầu thang bộ, đi dạo trong giờ nghỉ ngay tại nơi làm việc.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương