Những bài học nghề ngân hàng từ mẹ

(Banker.vn) Hành trang con gái mang theo trong nghề là những kỉ niệm cùng mẹ tại ngân hàng khi nhỏ, những bài học về cái nghiệp ngân hàng của người đi trước và sự ủng hộ của cả gia đình, cám ơn mẹ vì những điều mẹ dạy.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Thanh Tuyền công tác tại Shinhanbank Chi nhánh Đồng Nai.

"Ba ơi mẹ chưa về nữa hả?"

Con bé giật mình từ giấc ngủ và hỏi với ra chỗ ba ngồi.

Ký ức tuổi thơ của nó là có những ngày mẹ về khuya thật khuya. Có những câu chuyện vui buồn trên trường chờ mẹ về khoe nhưng chờ hoài cũng ko thấy mẹ về. Nó biết hôm nay là cuối tháng.

Mười tám tuổi, mẹ theo bác từ Bắc vào Nam, học xong sơ cấp ngân hàng là năm hai mươi tuổi và vô làm ngân hàng luôn từ những năm 1980, mẹ hay kể bây giờ có máy tính sướng ghê, hồi mẹ làm ngày nào cũng hạch toán, ghi sổ cái sổ con, làm bảng định khoản chữ T... những cái mà hầu như nhân viên ngân hàng nào cũng từng học ở trường đại học đó nhưng mấy ai được làm, mà là làm bằng tay hết nha con gái - mẹ kể vậy.

Mỗi cuối tháng là cả ngân hàng mẹ phải ngồi kiểm quỹ, kiểm sổ sách, ăn uống luôn tại ngân hàng và về tới nhà lúc mười một, mười hai giờ khuya để rồi sáng sớm hôm sau mới sáu giờ lại tất tả đi làm.

Mẹ hay nói số mẹ đi làm xa nhà, cả đời mẹ đi làm xa toàn hai ba chục km, đi từ hồi mẹ say xe đứ đừ tới khi đi xe buýt riết mà mẹ quen đến độ hết say luôn.

Rồi ngày trong tuần đi làm, cuối tuần mẹ lại đón xe đi học, học hết trung cấp, học cao đẳng, rồi học luôn đại học ở cái tuổi bốn mươi mới tạm dừng cái việc học. Có hôm ba bận đi đâu đó không trông được, mẹ dắt hai đứa theo đi học và cho chơi ngoài sân trường, được năm phút con gái út liền chạy vô lớp mếu máo: "Mẹ ơi, chị hai uýnh con" làm cả lớp cười ồ. Rồi có những hôm nghỉ hè theo mẹ đi làm, ăn no rồi đi chơi lòng vòng ngân hàng, chơi mệt thì về mẹ chỉ cho cái chỗ dưới hộc tủ lại lui cui chui vô nằm ngủ, ba tháng hè có khi ở ngân hàng mẹ hết một tháng trời, tuổi thơ của con bé cũng gắn liền với ngân hàng mẹ.

Có hôm mẹ mang một xấp giấy tờ về để tranh thủ làm ở nhà thứ bảy, chủ nhật, lúc đó mẹ không làm kế toán nữa mà chuyển sang làm nhân viên tín dụng, giấy tờ mẹ đưa về là hồ sơ cho các bác nông dân vay cần điền tay hoàn thiện, nó nhiều tới nỗi mẹ phải kêu hai đứa con gái đứa lớp ba, đứa lớp bảy ra làm phụ, nhỏ em vừa viết vừa làu bàu: "Nhiều quá vậy mẹ, con mỏi tay quá"... in hoài trong trí nhớ của nó những con số "bảy trăm ngàn đồng, ba trăm ngàn đồng, năm trăm ngàn đồng", lâu lâu nó la lên: "Bộ này tới hai triệu nè mẹ".

Mẹ nói: "Nông dân người ta vay không nhiều nhưng nhiều người vay, mình cũng phải ráng làm hồ sơ cho mọi người nhận vốn nên chịu khó giúp mẹ". Thế là nhiều khi đi tong mất ngày thứ bảy, chủ nhật của con bé.

Lớn lên xíu, mẹ đỡ đi làm về khuya hơn vì bắt đầu có máy tính, mẹ kể mẹ hạch toán trên máy tính mà bị khách hàng la: "Mấy cô làm không làm cứ châu đầu coi tivi", vừa giải thích vừa buồn cười, lại còn tủi thân, lần đầu mẹ và các cô chú được tiếp xúc máy tính, đâu có rành đâu, nhưng rồi vừa làm vừa học vừa mày mò, cái gì cũng dần tốt lên. Mẹ từng bước cố gắng, chăm chỉ, thăng chức, đánh tan cái định kiến "phụ nữ không làm nhân viên tín dụng được đâu".

Ngày con gái quyết định rời big4, bao nhiêu người nói người ta xin vô không được sao lại nghỉ, mẹ chỉ nói: "Ừ nó muốn làm gì thì làm thôi".Ngày con gái út bước chân vô ngân hàng, có những hôm bị khách hàng la mắng, thấy con gái về khóc ấm ức mẹ chỉ nói: "Chuyện ở cơ quan thì để ở cơ quan thôi, không lẽ ngày nào có khách la mình cũng khóc cũng bực thì chỉ thiệt cho bản thân mình thôi, cố gắng học nghiệp vụ tốt và làm từ cái tâm của mình con à". Kể từ ngày đó con bé không khóc vì những chuyện buồn đến từ công việc nữa, bước ra khỏi ngân hàng nó sẽ cười một cái cho mọi chuyện trong ngày trôi đi. 

Nhưng rồi cái nghề ngân hàng vẫn chọn con nhỏ, để nó tiếp tục cái công việc của mẹ, dù nhiều khi nó thấy nản, nhưng sẽ cố gắng cho tới khi nghề còn chọn mình thôi. 

Hành trang con gái mang theo trong nghề là những kỉ niệm cùng mẹ tại ngân hàng khi nhỏ, những bài học về cái nghiệp ngân hàng của người đi trước và sự ủng hộ của cả gia đình, cám ơn mẹ vì những điều mẹ dạy.

Con yêu mẹ!!!

PHẠM THANH TUYỀN 

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục