Bài dự thi "Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phan Thị Anh Thơ, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Bài viết dành tặng cán bộ, công nhân viên Ngân hàng Agribank Chi nhánh quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Xin nói ngay, tôi vốn không có nhiều cảm tình với đội ngũ nhân viên ngành Ngân hàng nếu không muốn nói là có nhiều ác cảm. Dưới mắt tôi họ rất khó gần và luôn bắt bẻ mọi thủ tục để gây rắc rối cho người đến liên hệ.
Xa hơn một chút, tôi lại nghĩ: họ làm khó để khách hàng phải “bôi trơn” những khoản tiền bồi dưỡng. Âu đó cũng là “luật bất thành văn” dù biết nhưng không ai có thể nói nên lời. Đã là khách hàng mà ý kiến đôi co thì phần thiệt sẽ thuộc về mình bởi họ luôn có lý do “chúng tôi làm đúng quy định cho vay của Nhà nước”.
Tôi cũng đã từng nghe nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp bảo nhau: muốn vay vốn ngân hàng thì người vay cần phải là người thân của cán bộ ngân hàng hay là người được “sếp to” nào đó “bảo lãnh” thì mọi việc mới thuận buồm xuôi gió, thậm chí thủ tục không đầy đủ, trái qui định... hay như phải “bồi dưỡng” cán bộ thì mới xong chuyện.
Có lần cần một số tiền để sửa chữa nhà cửa xuống cấp, tôi đã đến gõ cửa xin vay vốn tại một ngân hàng, sau khi xem xét hồ sơ, một cán bộ thẩm định trả lời dứt khoát “không đủ điều kiện vay” dù tôi đã hết lời thuyết phục. Đem câu chuyện này kể lại cho một người hàng xóm như để xua tan nỗi buồn thì bất ngờ người này quả quyết “chuyện nhỏ như con thỏ, cứ đưa hồ sơ đó cho tôi, tôi làm thủ tục cho, nhưng phải “trà nước” 2% tổng số tiền vay, riêng tiền cò của tôi là 2%”. Tôi thắc mắc “Ông vay ở ngân hàng nào?” Người này đáp gọn ơ “thì chính cái ngân hàng vừa trả lời hồ sơ của bà không đủ điều kiện đó”. Mặc cho tôi trố mắt bất ngờ, người hàng xóm cười rất điềm nhiên.
Tôi nhẩm tính: với số tiền định vay 200 triệu đồng, tôi sẽ mất đến 8 triệu đồng. Đã vậy người ấy còn thông tin phải đóng đến 3 triệu đồng tiền bảo hiểm số tiền vay thì mới được giải ngân. Vậy là, tôi quyết định không vay với sự bức xúc vô chừng.
Vậy rồi mọi chuyện đã khác. Khi tôi mang khó khăn của mình trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Thật bất ngờ, người giám đốc trẻ ở đây đã thực sự đồng cảm, cử cán bộ thẩm định đến ngay gia đình tôi xem xét và quyết định cho vay. Thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng và tiến hành ngay trong sự ngỡ ngàng của bản thân tôi.
Lúc đó, tôi nhủ thầm: không lẽ họ lại tốt nhiều quá với một người xa lạ như tôi, một người không có thân nhân quyền cao chức trọng. Hay là họ định giở chiêu trò tận tụy, tận tâm để sau đó đề nghị phải “bồi dưỡng”.
Tôi đã nhầm. Sự nhầm lẫn tai hại đáng lên án.
Sau khi nhận được khoản tiền vay đúng hợp đồng, giám đốc chi nhánh còn động viên tôi phấn đấu vượt qua khó khăn cùng nhiều lời chúc rất chân tình.
Lạ! Sao không thấy họ nói gì về số tiền “đi đêm”? Tôi đợi mãi và chỉ nhận được một sự im lặng.
Ba ngày sau tôi cẩn thận xếp vào phong bì số tiền 3 triệu đồng xem như là sự trả ơn với người giám đốc ấy. Rất bất ngờ, người này đã trả lại số tiền: “Chị giữ lại đi. Hỗ trợ khách hàng tốt nhất là nhiệm vụ của chúng tôi. Nhận tiền “bồi dưỡng” là vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức người cán bộ ngân hàng”, anh nói dứt khoát.
Vậy là, tôi đã có một cái nhìn rất khác về đội ngũ cán bộ ngân hàng.
Không những thế, tôi còn được chứng kiến thái độ rất nhã nhặn, ân cần, chu đáo của cán bộ, công nhân viên tại Agribank chi nhánh quận Ninh Kiều từ khâu hướng dẫn thủ tục cho sinh viên vay vốn rất cụ thể, tận tình, dễ nhớ đến các động thái chuyển khoản, nhận tiền, mở thẻ cùng các nghiệp vụ chuyên môn khác.
Đâu đâu cũng bắt gặp những nụ cười động viên, đồng cảm thật khó quên đầy ấn tượng.
Tôi thầm nhủ và xua dần đi những ác cảm vốn có để thay vào đó một sự cảm thông, chia sẻ và trân trọng biết bao.
PHAN THỊ ANH THƯ
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|