Nhiều đường dây bị triệt phá
Các đường dây mua bán trái phép hóa đơn không chỉ bán hóa đơn cho các doanh nghiệp để trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế, mà còn xuất bán cho các doanh nghiệp nhằm tạo doanh số để vay tiền ngân hàng, phát hành trái phiếu, chuyển tiền trái phép qua biên giới, hoặc các doanh nghiệp nhà nước dùng để hợp thức hóa chứng từ.
Mới đây, tháng 1/2024, Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá trên 1.200 tỷ đồng, với 5 đối tượng bị khởi tố, bắt giữ về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Theo đó, đối tượng Nguyễn Xuân Vinh và đồng phạm đã thành lập, quản lý, điều hành 26 "công ty ma” trên địa bàn quận 10 và các địa bàn lân cận nhằm mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT).
Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá trên 1.200 tỷ đồng vào tháng 1/2024 |
Từ năm 2020 đến nay, thông qua 12/26 "công ty ma”, Vinh và đồng phạm đã xuất trên 3.700 hóa đơn GTGT cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, với tổng trị giá ghi khống hơn 1.200 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng là mua lại pháp nhân do các đối tượng khác thành lập hoặc thu gom chứng minh nhân dân của nhiều cá nhân, sau đó lợi dụng chính sách thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp để mạo danh lập ra các "công ty ma" mua bán trái phép hóa đơn GTGT, che giấu tung tích, lai lịch bản thân. Quá trình khai báo thuế, Vinh và đồng phạm khai khống giá trị hàng hóa mua vào gần bằng giá trị hàng hóa bán ra nhằm mục đích không để cơ quan chức năng nghi ngờ, phát hiện.
Trước đó, ngày 19/12/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với 100 bị cáo liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất cả nước, trị giá gần 64.000 tỷ đồng. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, cầm đầu đường dây là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú tại TP. Hồ Chí Minh).
Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất cả nước, trị giá gần 64.000 tỷ đồng |
Thông qua người khác, bị cáo Tú mua 646 doanh nghiệp dưới hình thức trực tuyến, với chi phí 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Sau đó, "đàn em" của Tú tự kê, khai khống doanh số mua vào, khai giảm doanh số hóa đơn bán ra tại tờ khai thuế điện tử trong các kỳ quyết toán thuế. Lợi dụng mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn VAT. Tú còn mua 6 công ty tài chính, giao cho người khác quản lý, nhằm hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn VAT đã bán. Tú và "đàn em" còn sử dụng sim rác để đăng ký ứng dụng internet banking, chuyển tiền qua lại với các trung gian và tài khoản doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn khống. Mục đích là ngụy tạo giao dịch, coi như hoàn thành thanh toán.
Trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú trực tiếp và thông qua 73 đối tượng trung gian, sử dụng 646 công ty để bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn giá trị gia tăng cho hơn 88.000 đơn vị, tổ chức, với tổng giá trị gần 64.000 tỷ đồng.
Trong số 100 bị cáo hầu tòa, 30 người bị truy tố tội trốn thuế, 68 người bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn. Hai người còn lại bị truy tố các tội mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; trốn thuế. Đáng chú ý, 71 bị can trước khi bị bắt là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch, phó giám đốc; 11 người là kế toán. Số còn lại là nhân viên và lao động, kinh doanh tự do.
Tràn lan các hội nhóm buôn bán hóa đơn trên mạng
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn tại các tỉnh, thành trên cả nước có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức. Thực tế, chỉ cần tìm kiếm trên Google cụm từ “mua bán hóa đơn điện tử” ngay lập tức sẽ bắt gặp tràn lan dịch vụ mua bán hóa đơn, bán hóa đơn đỏ.
Trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, Telegram… cũng có hàng loạt nhóm mua bán hóa đơn với số lượng thành viên không hề nhỏ.
Đơn cử như tại nhóm "MUA BÁN HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ - VAT - GTGT" trên Facebook hiện nay có hơn 55,5 nghìn thành viên. Theo tìm hiểu, nhóm này được thành lập từ cuối năm 2014, tức là đã có gần 10 năm hoạt động. Mỗi ngày, có hàng chục bài viết liên quan đến việc mua bán hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, vì nhóm để chế độ riêng tư muốn vào nhóm cần phải tuân thủ quy tắc để lại số điện thoại, rồi được quản trị viên phê duyệt mới được vào.
Muốn vào nhóm cần phải tuân thủ quy tắc để lại số điện thoại, trách trường hợp nick ảo |
Hay tại nhóm “Hóa Đơn Đầu Vào Uy Tín”, mặc dù mới được thành lập từ tháng 12/2023, hoạt động được 4 tháng nhưng số lượng thành viên nhóm đã lên tới 25,7 nghìn người. Mọi bài viết liên quan đến việc mua bán hóa đơn điện tử đều có lượt tương tác lớn, thậm chí còn có các bài viết "bóc phốt" các khách hàng mua hóa đơn trái phép nhưng không chịu trả phí cho các “nhà phát hành hóa đơn”.
Bài viết phốt các khách hàng mua hóa đơn trái phép nhưng không chịu trả phí |
Cụ thể, tài khoản có tên Ngọc Mai chào bán hóa đơn với lời giới thiệu: Bên em cung cấp hóa đơn VAT đầu vào tất cả các ngành nghề: Xây dựng, y tế, may mặc, vận chuyển, thiết bị văn phòng phẩm, công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, ăn uống, nhà hàng, xăng dầu, in ấn... Tài khoản này cũng không quên cam kết “đầy đủ hợp đồng theo yêu cầu, xuất trong ngày, giá cả hợp lý, uy tín và chất lượng”.
Bài viết của tài khoản Ngọc Mai đăng tải cung cấp dịch vụ xuất hóa đơn VAT, GTGT cho tất cả các ngành nghề |
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, khi có "khác hàng" liên hệ, Ngọc Mai sẽ hướng dẫn "khách hàng" giao dịch, làm việc qua zalo – vibe – telegram. Theo tài khoản này báo giá: Mua hóa đơn dưới 5 triệu đồng chỉ khoảng 60 - 150 nghìn đồng/tờ, với giá trị cao hơn, chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm. Cụ thể, hóa đơn trị giá từ 4 - 15 triệu đồng, chi phí là 4%, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của doanh nghiệp lâu năm sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập.
Thậm chí, các đối tượng này còn đăng bài tuyển F1 và cộng tác viên bán hóa đơn trái phép |
Không những thế, các đối tượng này còn ngang nhiên đăng tải bài tuyển cộng tác viên, thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn VAT, trích phần trăm giới thiệu với các hóa đơn giá trị cao… Tài khoản có tên Minh Anh thông báo: "Tuyển F1 và CTV toàn quốc. Công ty lâu năm, bao quyết toán...".
Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Thực tế, tình trạng mua bán hóa đơn trái phép không phải là mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, hoạt động này diễn ra ngày càng tinh vi xuất phát từ nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử rất lớn. Trong khi đó, công tác quản lý hóa đơn điện tử phức tạp hơn môi trường quản lý hóa đơn giấy; các cơ quan chức năng lại chưa đồng bộ được trong quản lý.
Về vấn đề mua bán hóa đơn trái phép, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, đây là hành vi trắng trợn, những đối tượng thực hiện hành vi nghĩ rằng hoạt động trong môi trường điện tử sẽ khó bị xử lý. Do đó, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo ngành thuế triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, rủi ro của những doanh nghiệp và thực hiện giám sát, cảnh báo sớm, để sai phạm xảy ra ở mức thấp nhất. Chẳng hạn, một doanh nghiệp rất nhỏ nhưng số lượng hóa đơn lớn, giá trị giao dịch cao sẽ rơi vào tầm giám sát, khi đó, sẽ phát hiện sớm gian lận và xử lý theo quy định pháp luật...
Trước thực trạng việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, công khai trên các trang mạng xã hội, nhằm ngăn chặn hành vi này các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, đảm bảo tối đa tính nghiêm ngặt trong quá trình vận hành hệ thống. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn. Tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn.
Tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế.
Ngoài ra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Diệu Linh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|