Nhựa Pha Lê (PLP) bị phạt 120 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin

(Banker.vn) Ngày 6/7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 137/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối Công ty CP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (HOSE: PLP).

Theo đó, Nhựa Pha Lê bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN, trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và trên trang thông tin điện tử của Công ty các tài liệu sau: Văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 2/2021 so với quý 2/2020; Báo cáo tài chính (BCTC) (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được kiểm toán; Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh trên BCTC (riêng và hợp nhất) năm 2022; Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên BCTC năm 2022.

Nhựa Pha Lê (PLP) bị phạt 120 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLP bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 17/4/2023

Nhựa Pha Lê cũng CBTT không đúng thời hạn trên hệ thống CBTT của UBCKNN và trên trang thông tin điện tử của HOSE các tài liệu sau: BCTC hợp nhất quý 3/2021; Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CĐHH và đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh năm 2021 so với năm 2020 và chênh lệch trước và sau khi kiểm toán; BCTC bán niên (riêng và hợp nhất) năm 2022 đã được soát xét. Công ty thực hiện nghĩa vụ CBTT định kỳ không đúng thời hạn đối với các tài liệu của đợt trái phiếu riêng lẻ gồm: BCTC năm 2021; Báo cáo tình hình tài chính năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn năm 2021).

Ngoài ra, Nhựa Pha Lê còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật.

Công ty không trình bày đầy đủ thông tin tại Báo cáo thường niên, Báo cáo tình hình quản trị công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục IV, V ban hành kèm theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC. Cụ thể: Báo cáo thường niên 2021 chưa trình bày cụ thể về địa bàn kinh doanh tại mục 2 Phần I; chưa trình bày về các công ty con, công ty liên kết.

Báo cáo thường niên 2022 chưa trình bày về nội dung: Vốn đầu tư của chủ sở hữu tại Công ty tại mục 1 Phần I; Vốn điều lệ thực góp tại Công ty con, công ty liên kết tại mục 3 Phần I; Hoạt động và tình hình tài chính của các công ty con, công ty liên kết tại mục 3. (b) Phần II; Tiêu thụ năng lượng và tiêu thụ nước tại mục 6.3, 6.4 Phần II; Những cải tiến về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý tại mục 3 Phần III; Danh sách các thành viên HĐQT có chứng chỉ đào tạo về quản trị công ty, danh sách các thành viên HĐQT tham gia các chương trình về quản trị công ty trong năm tại mục 1.(e) Phần V; Giao dịch cổ phiếu của người nội bộ tại mục 3.(b) Phần V; Đánh giá việc thực hiện các quy định về quản trị công ty tại mục 3.

Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch của Công ty với người nội bộ, người có liên quan, Công ty con, Công ty Liên kết của Công ty, cụ thể: chưa trình bày về giao dịch giữa Công ty với ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch HĐQT. Báo cáo tình hình quản trị công ty 06 tháng đầu năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với người nội bộ và các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về vay mượn tiền với Công ty CP Khoáng sản Minh Cầm so với BCTC 6 tháng đầu năm 2022 đã được soát xét của Công ty.

Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 trình bày không đầy đủ các thông tin về giao dịch giữa Công ty với các bên liên quan, cụ thể: chưa trình bày về giao dịch góp vốn đầu tư với Công ty CP Thương mại & Du lịch Tân Việt An; chuyển nhượng cổ phần của Trần Hoài Phong.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLP bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 17/4/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiếm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022 của tổ chức niêm yết, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 2.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 26 tỷ đồng. So với năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của PLP giảm 19,5% về doanh thu và giảm 42,8% về lợi nhuận sau thuế.

Tính đến 31/3/2023, doanh thu quý 1/2023 đạt gần 639 tỷ đồng giảm 8,56% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 9,5 tỷ đồng giảm 42,48% so với quý 1/2022. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, PLP đã hoàn thành 27,8% doanh thu theo kế hoạch đã đề ra.

Cũng tại phiên họp, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc bầu bổ sung ông Cao Văn Thọ vào Hội đồng quản trị. Được biết, ông Thọ hiện đang là Tổng giám đốc Công ty CP đầu thư PLG Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại và du lịch Tân Việt An. Ông Thọ đang nắm giữ 317.000 cổ phần của PLP, tương ứng 0,45% vốn điều lệ.

Lịch trả cổ tức tuần mới (từ 10/8 - 16/8): Masan Consumer dự chi tới 3.172 tỷ đồng

Tuần mới từ 10/8 đến 16/8/2020, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết thông báo chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng ...

Loạt công ty bị nhắc nhở vì chưa tách bạch chức danh Chủ tịch và CEO

Ngày 11/8/2020, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã có văn bản nhắc nhở một loạt doanh nghiệp niêm yết tại HOSE về ...

PLP được chấp thuận phát hành 20 triệu cổ phiếu, tăng vốn thêm 200 tỷ đồng

Giá cổ phiếu PLP đang giao dịch trên sàn trong khoảng từ 17.000-18.000 đồng/cp. Năm 2021, cổ phiếu PLP tăng giá ấn tượng, vượt mệnh ...

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán