Nhu cầu lớn - vì sao phát triển nhà ở xã hội gặp khó?

(Banker.vn) Nhà ở xã hội mặc dù có nhu cầu lớn nhưng phát triển phân khúc bất động sản này gặp nhiều vướng mắc, nguyên do từ cả chính sách tới nhà đầu tư.
Phát triển nhà ở xã hội: Những tín hiệu tích cực Bàn giải pháp gỡ khó, triển khai hiệu quả đề án 1 triệu nhà ở xã hội

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Đề án) trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin: Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, như vậy so với báo cáo năm 2020 (3.359ha) thì diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031ha.

Nhu cầu lớn vì sao phát triển nhà ở xã hội gặp khó?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tai Hội nghị

Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063ha, TP. Hồ Chí Minh 608 ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha. Tuy nhiên còn một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như: Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp.

Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Nhu cầu lớn - vì sao phát triển nhà ở xã hội gặp khó?
Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024

Tuy vậy, theo Thứ trưởng, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025, hoặc một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Nguyên nhân, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án. Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội...Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2025 mới có hiệu lực thi hành.

Nhu cầu lớn - vì sao phát triển nhà ở xã hội gặp khó?
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Cùng đó, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao tuy nhiên địa phương đăng ký nhà ở xã hội hành thành trong năm 2024 thấp.

Nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do: Nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay; thời gian vay ngắn hạn (Nghị quyết số 11/NQ-CP chỉ hỗ trợ trong thời gian 02 năm từ 2022 – 2023) chưa thu hút được các nhà đầu tư vay vốn.

Để hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần sự chung ta của cả hệ thống từ cơ quan xây dựng chính sách và quản lý nhà nước, địa phương doanh nghiệp đầu tư.

Nhu cầu lớn - vì sao phát triển nhà ở xã hội gặp khó?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc quan trọng hiện nay là cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, triển khai đúng mục tiêu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, phấn đấu cao nhất để hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội ngay trong năm 2024.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi) và các pháp luật khác có liên quan; tháo gỡ vướng mắc về đất đai, trong đó lưu ý tới vấn đề quy hoạch quỹ đất, giải phóng mặt bằng và các thủ tục khác về đất đai.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ thành lập các tổ công tác với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội trong năm 2024.

Với mục tiêu và ý nghĩa tốt đẹp của đề án, chúng tôi rất mong các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp với trách nhiệm, quyết tâm cao nhất sẽ phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024; hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của đề án trong giai đoạn 2021-2030”, Bộ trưởng Bộ xây dựng một lần nữa nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu: Việc thực hiện Đề án là bước khởi đầu, thí điểm, từ đó xác định tồn tại, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Đây là nhiệm vụ chính trị, huy động sự tham gia hưởng ứng của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp góp phần bảo đảm an sinh, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Về những vướng mắc đang tồn tại trong phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở … vào cuộc sống. Phải đơn giản hoá các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội, đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội…

Giao Bộ Xây dựng phân loại, cùng với các bộ, ngành rà soát nhóm vấn đề đã được giải quyết bằng văn bản pháp luật mới ban hành, nhóm vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương