Nhóm đối tượng nào mới được bổ sung cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí?

(Banker.vn) Tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã thêm đối tượng mới được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Hà Nội: Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi được hỗ trợ đóng bảo hiểm Y tế Đề xuất chi trả cho người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trái tuyến

Theo đó, người dân thuộc các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Trong đó, đối tượng này không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Ngoài ra, Nghị định 75/2023/NĐ-CP còn sửa đổi quy định về 2 đối tượng thuộc nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng bao gồm: Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội. Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định 07 năm 2021 và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3140-2

Đồng thời, Nghị định 75/2023-NĐ/CP bổ sung nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng (trong thời gian 36 tháng kể từ ngày 01/11/2023) là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Trước đó, ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung 10 nội dung, 3 biểu mẫu và bãi bỏ 4 khoản theo hướng mở rộng điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, trong đó có một số điểm mới quan trọng, đáng chú ý như là mở rộng nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT; tăng hỗ trợ mức đóng, mức hưởng khám, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng; thay đổi phương thức thanh quyết toán chi phí BHYT; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Đáng chú ý, với việc Nghị định số 75/2023/NĐ-CP bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT.

Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 03/12/2023.

Hết năm 2023, toàn quốc có trên 93,3 triệu người tham gia BHYT, đạt bao phủ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), là chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2023 toàn quốc cũng có 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương