Nhóm Dịch vụ tài chính và Bất động sản là điểm sáng trong mùa BCTC quý 2

(Banker.vn) Theo dữ liệu từ FiinGroup, tính đến ngày 27/7/2023, đã có 683 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết, đại diện 55% tổng giá trị vốn hóa thị trường công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023.

Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm 17% so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng và doanh nghiệp này suy giảm so với cùng kỳ.

Hiện có 47% ngân hàng và doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ. Tỷ lệ này đã cải thiện đáng kể so với quý 1 trước đó là 39%. Đồng thời, tỷ lệ các ngân hàng và doanh nghiệp vừa ghi nhận lãi vừa tăng trưởng dương so với cùng kỳ cũng cải thiện, hiện ở mức 42% (so với tỷ lệ 32% trong quý 1).

Nhóm Dịch vụ tài chính và Bất động sản là điểm sáng trong mùa BCTC quý 2

Tại nhóm Ngân hàng, lợi nhuận của 15 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận mức tăng 1,2% so với quý 2/2022. Tốc độ này đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 12%-46% trong 4 quý trước đó. Nếu so với quý 1 liền trước, thậm chí tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng này giảm hơn 6%.

Cụ thể, Techcombank (TCB) công bố kết quả kinh doanh quý 2 với lợi nhuận sau thuế giảm 23% so với cùng kỳ và giảm gần 1% so với quý 1/2023. Theo FiinGroup, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng, tín dụng tăng trưởng chậm và biên lãi thuần (NIM) giảm mạnh là 3 yếu tố tác động tiêu cực lên lợi nhuận của TCB. Đây cũng là tình hình chung của ngành ngân hàng trong quý 2 này. FiinGroup đánh giá khả năng hấp thụ vốn ở các doanh nghiệp hiện khá thấp khi đang ở giai đoạn khó khăn lớn về hoạt động kinh doanh do hệ lụy từ cầu tiêu dùng yếu.

Thiếu vắng động lực tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá đang “yếu” hơn so với thị trường chung dù dòng tiền chảy vào nhóm này vẫn tăng mạnh và đang ở mức khá cao.

Tại khối Phi tài chính, lợi nhuận sau thuế của 634 doanh nghiệp (đại diện 45% vốn hóa của khối) tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ với mức âm gần 38%. Dù vậy, tốc độ suy giảm đã thấp hơn so với các quý trước.

Nhóm Dịch vụ tài chính và Bất động sản là điểm sáng trong mùa BCTC quý 2

Về tổng quan, khối doanh nghiệp phi tài chính vẫn đang gặp khó trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, cầu tiêu dùng yếu, đầu tư tư nhân giảm mạnh và hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự đột phá.

Xét theo ngành riêng, kết quả kinh doanh quý 2 cho thấy tình trạng bớt “khó khăn” hơn ở một số lĩnh vực khi lợi nhuận cải thiện hơn quý trước, bao gồm thực phẩm và đồ uống (lợi nhuận sau thuế tăng 2,7% so với cùng kỳ), tài nguyên cơ bản (giảm 67%, với 40% doanh nghiệp có lãi tăng trưởng dương và hóa chất (giảm 65% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, một số ngành tiếp tục tăng trưởng tốt về lợi nhuận như công nghệ thông tin (tăng 18%) và dược phẩm (tăng 30%).

Một số nhóm ngành khác có kết quả tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, như nhóm dịch vụ tài chính ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 cao gấp hơn 7 lần cùng kỳ. Tương tự, nhóm doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 157% so với quý 2/2022 hay ngành ô tô cũng tăng trưởng 169% về lợi nhuận sau thuế trong quý 2 vừa qua.

Ngược lại, FiinGroup thống kê một số cái tên vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 sụt giảm so với cùng kỳ là dầu khí (-88%), tiện ích (-39%), xây dựng vật liệu (-20%).

FiinGroup: Tác động của trái phiếu sang chất lượng tín dụng ngân hàng là thấp

Các ngân hàng hiện nay giữ danh mục trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) quy mô 284.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 2,47% trên ...

VASB và FiinGroup ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình xếp hạng ESG cho các doanh nghiệp niêm yết

ESG Scoring được kỳ vọng tạo ra nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm giúp doanh nghiệp liên tục cải ...

FiinGroup chỉ ra 3 ảnh hưởng của nợ xấu trái phiếu lên ngân hàng

Theo thống kê từ FiinGroup, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu hiện nay chiếm 8,15% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành toàn ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán