Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn dự báo còn gặp khó!

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khi tái thủng mốc 1.000 điểm kéo theo hàng loạt cổ phiếu chìm sâu, chưa biết đâu là đáy. Các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhất là cổ phiếu trụ phải cần một lượng tiền lớn mới có thể tăng giá được. Tuy nhiên, mặt bằng chung thanh khoản đang ở mức rất yếu và được cho là đứng trước nguy cơ gặp “khủng hoảng thanh khoản” khi hàng loạt thông tin kém tích cực bủa vây.

Phiên giao dịch ngày 10/11/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Nhiều ông lớn không tránh khỏi vòng xoáy giảm giá mạnh

Bất chấp các con số tăng trưởng vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lại suy giảm rất mạnh trong tháng 10 nói riêng và năm 2022 nói chung. Bước sang tuần đầu tiên của tháng 11 (31/10 – 4/11) không được thuận lợi, VN-Index lùi về dưới mốc 1.000 điểm. Theo đó, vốn hóa HoSE bị thổi bay gần 123.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD), còn xấp xỉ 3,98 triệu tỷ đồng. So với đỉnh hồi đầu tháng 4, con số này thậm chí đã giảm đến hơn 2 triệu tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn dự báo còn gặp khó!
Chứng khoán SSI cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của biến động thị trường. Hình minh họa

Trong 2 phiên gần đây, thị trường hồi phục liên tiếp từ vùng hỗ trợ, qua đó củng cố kỳ vọng tạo mô hình 2 đáy đảo chiều cho nhà đầu tư. Yếu tố hỗ trợ thị trường lúc này đang đến từ khối ngoại khi họ liên tiếp mua ròng mạnh sang phiên thứ 3 liên tiếp với tổng giá trị gần 1.800 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, nhất là khi tái thủng mốc 1.000 điểm kéo theo hàng loạt cổ phiếu chìm sâu, chưa biết đâu là đáy. Thậm chí những cổ phiếu nằm trong nhóm VN30 cũng không tránh khỏi thực tế khắc nghiệt. Nhiều mã vốn hóa lớn, bluechip cũng mất quá nửa thị giá tính từ vùng đỉnh. Cùng với những biến động không thuận lợi, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK).

Mặc dù là CTCK giữ 9,6% thị phần môi giới cổ phiếu trong quý III/2022, nhưng Chứng khoán SSI cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của biến động thị trường từ đầu năm đến nay, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 309 tỷ đồng, giảm một nửa so với kết quả thực hiện trong quý III/2021. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 1.965 tỷ đồng, giảm 4%. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của SSI cũng lao dốc mạnh. Từ mức đỉnh 48.000 đồng/cp (tháng 11/2021), mã này chỉ còn 14.900 đồng/cp (chốt phiên 9/11), tương đương “bốc hơi” gần 75% giá trị. Đây cũng là mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 kể từ đầu năm đến nay.

Không tránh khỏi vòng xoáy giảm giá mạnh, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng liên tục giảm sâu, "trôi" tận xuống vùng giá 1x, điều mà chỉ vài tháng trước ít ai nghĩ tới. Chốt phiên 9/11, cổ phiếu HPG đang dừng ở mức 13.000 đồng/cp. Bất ngờ hơn là doanh nghiệp đầu ngành thép này đã có lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2008 với khoản lỗ ròng lên đến gần 1.800 tỷ đồng trong quý III vừa qua.

Cũng rơi vào áp lực điều chỉnh, cổ phiếu MWG của Thế giới di động để mất hơn 40% giá trị sau 2 tháng gần nhất và về lại vùng giá hồi tháng 8/2020. Đáng chú ý, cổ phiếu của “đại gia” ngành bán lẻ này đã có 2 phiên giảm sàn liên tiếp (6-7/11) gây choáng váng cho các cổ đông.

Được cho là nhóm ngành gây gánh nặng cho thị trường trong thời gian gần đây, cổ phiếu của một số “ông lớn” trong nhóm “cổ đất” giao dịch khá tiêu cực. Chẳng hạn, từ phiên 18/10 đến nay, cổ phiếu PDR (Phát triển bất động sản Phát Đạt) đã có 16 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 3 phiên giảm sàn, với tổng mức giảm gần 40%, về mức giá 30.250 đồng/cp (chốt phiên 9/11). Cũng chính vì đà lao dốc mạnh của cổ phiếu PDR và chưa có dấu hiệu dừng lại, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt và công ty riêng Phát Đạt Holdings đã bị bán giải chấp gần 5,2 triệu cổ phiếu PDR tính đến thời điểm hiện tại.

Còn cổ phiếu NVL của Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cũng không khá khẩm hơn là bao khi giảm gần 38% về mức giá 48.300 đồng/cp. Thậm chí cổ phiếu này còn ghi nhận 11 phiên giảm giá liên tiếp, trong đó có 4 phiên giảm sàn, từ ngày 26/10.

Ngoài ra, một số cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn khác cũng ghi nhận mức giảm báo động như cổ phiếu DBC của Dabaco trượt về vùng đáy 30 tháng. Cổ phiếu VND của chứng khoán VNDirect cũng rơi về sát mệnh giá với 10.450 đồng/cp - mức thấp nhất kể từ ngày 18/5/2021 (tính theo giá điều chỉnh), tương ứng thị giá đã “bốc hơi” 70%, so với đỉnh đạt được hồi đầu tháng 4 và vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay gần 30.000 tỷ đồng (~1,2 tỷ USD) còn 12.700 tỷ đồng...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dự báo sẽ còn tiếp tục gặp khó

Có thể thấy, các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhất là cổ phiếu trụ phải cần một lượng tiền lớn mới có thể tăng giá được. Tuy nhiên, mặt bằng chung thanh khoản đang ở mức rất yếu và được cho là đứng trước nguy cơ gặp “khủng hoảng thanh khoản” khi hàng loạt thông tin kém tích cực bủa vây.

Lấy ví dụ về cổ phiếu HPG. Hiện tại, Hòa Phát vẫn đang trong top đầu trên cả 3 sàn về vốn điều lệ với hơn 58.000 tỷ đồng, vượt qua cả các nhà băng lớn nhất nhất thị trường và chỉ đứng sau VPB (hơn 67.000 tỷ đồng). Đồng thời, số lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) của HPG cũng nhiều thứ hai sàn với gần 3,2 tỷ đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn dự báo còn gặp khó!
Cổ phiếu HPG từng gánh thanh khoản của cả thị trường. Hình minh họa

Song, chính điều này lại là áp lực khiến giá cổ phiếu HPG chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dòng tiền hiện đã không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ”. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021 khi giá trị giao dịch của HPG có phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhờ lực cầu vô cùng lớn, gánh thanh khoản của cả thị trường.

Thực tế, làn sóng nhà đầu tư mới, động lực chính cho sự bứt phá của thị trường giai đoạn trước cũng đã hạ nhiệt. Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã liên tục sụt giảm sau khi đạt đỉnh và chỉ còn chưa đến 100.000 tài khoản trong tháng 10, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Thanh khoản thị trường cũng theo đó ngày càng sụt giảm. Giá trị khớp lệnh bình quân liên tục sụt giảm các tháng gần đây xuống mức 9.300 tỷ đồng/phiên trong tháng 10, thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sang tới tuần đầu tháng 11, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ quanh mức 9.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất đã kéo theo một lượng lớn dòng tiền rút ra khỏi thị trường để quay trở lại sản xuất kinh doanh hoặc chuyển sang kinh đầu tư khác an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Ngoài ra, các biện pháp thắt chặt trái phiếu và tín dụng hạn chế cũng phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.

Đáng chú ý, trước diễn biến của thị trường chung, làn sóng bán giải chấp tài khoản các "sếp" doanh nghiệp địa ốc đang tạo hiệu ứng domino. Không chỉ gây ảnh hưởng đến tình trạng force sell dây chuyền, mà để quản trị rủi ro nhiều CTCK đã giảm mức giá chặn vay (mức giá tối đa khi cho vay), thậm chí cắt margin với nhiều mã bất động sản, bao gồm cả những bluechip.

Hơn nữa, trước áp lực tỷ giá do Fed cấp tập hút tiền chống lạm phát, xu hướng tăng lãi suất trở nên phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không nằm ngoài xu hướng, các CTCK cũng đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay ký quỹ (margin) lên dao động tổng khoảng 13-15%/năm.

Nhìn chung, mặt bằng lãi suất cho vay margin đã tăng đáng kể so với mức 9-11% trong giai đoạn thị trường giao dịch bùng nổ cách đây một năm. Và chính những cộng hưởng từ những vấn đề trên được đánh giá sẽ tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư, từ đó gây tiêu cực đến lượng thanh khoản vốn đã “èo uột”. Đồng nghĩa với việc, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dự báo sẽ còn tiếp tục gặp khó.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán