Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua tháng 3 và quý đầu tiên của năm 2022 đầy biến động và có thể thấy các nhịp biến động ngắn hạn trên thị trường đều được nhanh chóng cân bằng giúp TTCK Việt Nam giữ vững mức điểm số so với thời điểm cuối năm 2021. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch trở lại do thị trường đã dần bước vào giai đoạn ổn định hơn khi động thái tăng lãi suất lần đầu của FED và xung đột tại Ukraine đã phần nào phản ánh vào giá.
Tâm điểm của thị trường hướng đến trong tháng 4 này kết quả kinh doanh quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 và đây vẫn sẽ là mối quan tâm chính của thị trường trong tháng 4.
“Tốc độ tăng trưởng cao vẫn sẽ duy trì ở các nhóm ngành nhỏ như dịch vụ cảng biển, hóa chất, thép và các sản phẩm từ thép, dịch vụ tài chính, bán lẻ và các nhóm ngành liên quan hoạt động xuất khẩu. Với nhóm ngân hàng, chúng tôi cho rằng đây sẽ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4 sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng”, nhóm chuyên gia của SSI Research cho biết.
Nhìn chung các ngân hàng còn lại vẫn có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tích cực. Đối với cả năm 2022, dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, có thể nhận thấy, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có khả năng đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% - 35%.
Trước đó, SSI Research cũng duy trì quan điểm tích cực về ngành ngân hàng trong năm 2022 trong báo cáo cập nhật về ngành này. Theo đó, có 3 yếu tố chính giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ổn định trong kỳ.
Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh từ 15 - 16% so với cùng kỳ. Theo quan sát, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dao động trong khoảng 2 - 10% so với đầu năm.
Thứ hai, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) ổn định so với quý trước. Một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR và duy trì NIM ổn định trong kỳ.
Thứ ba, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt. Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong quý IV/2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý I/2022.
"Các khoản cho vay tái cơ cấu bắt đầu có xu hướng giảm ở một số ngân hàng và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng không quá nặng nề trong quý I/2022", nhóm chuyên gia cho biết.
Đáng chú ý, trong ngắn hạn, nhóm ngân hàng có thể nhận thêm lực đẩy từ yếu tố kỹ thuật với kỳ vọng vào lực mua từ quỹ VFM VNDiamond (10/18 cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng nằm trong danh mục) sau khi chứng chỉ lưu ký của quỹ này đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF". Chứng chỉ lưu ký này bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3, được kỳ vọng có thể thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.
“Nhìn chung, việc công bố kết quả kinh doanh quý I cùng những thông tin về kế hoạch đại hội cổ đông và dòng tiền vào rổ VNDiamond có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ đáng kể cho diễn biến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng và qua đó tác động tích cực lên thị trường chung trong ngắn hạn”, SSI Research nhấn mạnh.
Về mặt định giá, P/E ước tính năm 2022 của Việt Nam đang chỉ ở mức 14,1 lần, thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực. Dù vậy, cũng không loại trừ các biến động ngắn hạn trên thị trường bởi đặc thù thị trường Việt Nam nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chi phối chính và rủi ro địa chính trị vẫn còn có thể xuất hiện những tác động khó lường
Từ góc nhìn kỹ thuật, SSI Research cho rằng khu vực 1.520 điểm của chỉ số VN-Index sẽ là mốc quan trọng cần quan sát trong tháng 4. Nếu chinh phục thành công mốc 1.520 điểm này với thanh khoản tốt thì khả năng cao chỉ số VN-Index sẽ có động lực hướng lên thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index không duy trì được vận động trên vùng cản 1.520 điểm thì khả năng chỉ số sẽ quay lại trạng thái giằng co trong kênh giá 1.440 - 1.520 điểm.
Có 9 cổ phiếu được khuyến nghị trong tháng 4, trong đó bao gồm bắm giữ IDC, HAH, VPB, MWG và thêm mới MBB, FPT, NT2, QNS, MSH.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|