Nhóm cổ phiếu BĐS KCN có đắt khi "xuống tiền", chuyên gia nói gì?

(Banker.vn) Song hành cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu BĐS KCN cũng ghi nhận đà tăng tương đối lớn trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Trong vòng 1 tháng giao dịch trở lại đây, song hành cùng nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu BĐS KCN cũng thể hiện đà tăng tương đối tốt. Tính trong tháng 1/2023, các cổ phiếu như SZC, GVR, hay SIP đã tạo ra đà tăng lên tới gần 30% với thanh khoản khá lớn.

Nhóm cổ phiếu BĐS KCN có đắt khi
Diễn biến giá cổ phiếu SIP trong thời gian gần đây.

Để có góc nhìn chuyên sâu hơn về thị trường chứng khoán nói chung và đà tăng của nhóm BĐS KCN nói riêng, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hùng, Chuyên viên tư vấn chứng khoán Công ty Chứng khoán SSI.

PV: Trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu BĐS KCN liên tục dẫn sóng khi tạo ra đà tăng lên tới 30%, điển hình như các cổ phiếu SIP, GVR. Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu BĐS KCN chứng kiến mức tăng giá ấn tượng. Đà tăng này cũng có độ rộng rất tốt và tăng đều từ các cổ phiếu đầu ngành vốn hóa lớn đến các cổ phiếu vừa và nhỏ. Ví dụ, tính từ đầu năm 2024 đến nay GVR đã tăng giá gần 20%, SZC tăng 18% chưa tính phát hành thêm, SIP tăng gần 30%, IDC 15% chưa tính cổ tức, LHG tăng 19%,…

Theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá động lực tăng trưởng chủ yếu của nhóm cổ phiếu BĐS KCN đến từ các điều kiện vĩ mô ổn định cùng việc nâng tầm quan hệ với các cường quốc giúp duy trì đà tăng FDI, đặc biệt với Luật Đất đai mới được thông qua tạo ra hiệu ứng kỳ vọng tích cực khi việc tính giá giải phóng mặt bằng khác đi khiến giá đất nông nghiệp được hưởng lợi.

Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2023 vốn FDI đăng ký đạt 36.6 tỷ USD và vốn FDI giải ngân đạt 23 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 32.1% và 3.5% svck. Đây là mức tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn khi nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nhóm cổ phiếu BĐS KCN có đắt khi
Tình hình thị trường BĐS KCN.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghệ cao trong thời gian tới. Mỗi năm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỷ USD, nhưng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam trong các năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD/năm. Sau khi nâng tầm hợp tác với Mỹ lên đối tác chiến lược, Nhà đầu tư có cơ sở để kỳ vọng dòng vốn FDI của Mỹ đầu tư vào công nghệ cao ở Việt Nam được đẩy mạnh nhờ Việt Nam có trữ lượng lớn đất hiếm và vonfram cho phát triển công nghệ cao.

Đây là hai nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như năng lượng, quân sự, vũ trụ, giao thông vận tải….. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (ước tính khoảng 22 triệu tấn) và trữ lượng vonfram lớn thứ 3 thế giới (ước tính khoảng 100 nghìn tấn).

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu này cũng được hưởng lợi từ các yếu tố khác, ví dụ như vốn FDI đăng ký nhảy vọt. Bên cạnh đó, câu chuyện đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế thì bất động sản khu công nghiệp lại càng hưởng lợi. Con sóng thần sau 2012 chứng minh rằng sóng vật liệu xây dựng và sau đó là xây dựng luôn là sóng vĩ đại sản sinh ra những case lịch sử như BMP HPG HSG VCS CAV CTD HBC HT1...sau đấy sẽ thấy một loạt ăn theo hạ tầng. Lịch sử luôn lặp lại dĩ nhiên theo một kiểu mới hơn.

PV: Mặc dù nhóm KCN hưởng lợi từ dòng vốn FDI tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các cổ phiếu, theo ông đâu là nguyên nhân chính?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Nhóm BĐS KCN chứng kiến đà tăng giá mạnh mẽ tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các cổ phiếu. Cùng thuộc nhóm KCN nhưng GVR SZC SIP LHG tăng giá mạnh mẽ từ 20%. Ở phía ngược lại, các cổ phiếu KBC BCM ITA có phần yếu hơn khi vẫn chỉ dao động xung quanh nền giá cũ và chưa thể bứt phá.

Như tôi đã nói ở trên việc Luật Đất đai mới được thông qua tạo ra hiệu ứng kỳ vọng tích cực khi việc tính giá giải phóng mặt bằng khác đi khiến giá đất nông nghiệp được hưởng lợi. Điều này trực tiếp tác động vào các doanh nghiệp có diện tích đất nông nghiệp lớn - mà ở đây là cao su.

Vì vậy với những khu công nghiệp đã sẵn sàng cho thuê và đang chuẩn bị triển khai trên đất trồng cao su và hoa màu như GVR, SIP, NTC,... sẽ có nhiều thuận lợi hơn những khu công nghiệp đang đối mặt với vấn đề giải phóng mặt bằng có nhiều đất ở.

Do đó ta có thể hiểu nhóm GVR, SIP v.v… sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ kỳ vọng trên còn các cổ phiếu BĐS KCN khác cần thêm nhiều thời gian để các yếu tố cơ bản phản ánh vào giá cổ phiếu.

PV: Hiện tại nhóm KCN đã tăng đáng kể, liệu nhà đầu tư có nên tham gia mua mới trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Để đưa ra được một điểm mua cổ phiếu, với tôi cần phải thỏa mãn ba tiêu chí:

Cổ phiếu có dòng tiền chờ mua không?

Cổ phiếu có câu chuyện để kể không? Câu chuyện này là câu chuyện "lớn" trong thời gian dài trong thời gian ngắn?

Cổ phiếu đã có dòng tiền vào chưa? Đã “đắt” chưa?

Tôi sẽ vào theo chỉ báo “sớm” - chỉ báo “xác nhận” hay chỉ báo “trễ”. Dù gì đi chăng nữa thì cuối cùng thứ trực diện làm cổ phiếu tăng giá chính là bên mua. Với cá nhân tôi, thời điểm hiện tại dù giá cổ phiếu đã tăng nhưng câu chuyện của nhóm BĐS KCN vẫn còn tiếp diễn trong thời gian dài. Ngoài ra, tôi đánh giá nhóm cổ phiếu này chưa quá đắt nên các đại diện khu công nghiệp gắn liền với cao su vẫn có khả năng duy trì đà tăng.

Hưởng lợi giá vàng neo cao, PNJ ghi nhận doanh thu khủng trong quý 4/2023

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với nhiều điểm đáng chú ý.

GVR dẫn sóng khu công nghiệp, VN-Index lấy lại đà tăng

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Hai, nhóm cổ phiếu BĐS KCN bất ngờ dẫn sóng. Đáng chú ý, GVR tăng trần với ...

Cổ phiếu BĐS KCN dẫn dắt VN-Index hướng tới 1.180 điểm, FRT chưa hết đà tăng

Trong phiên giao dịch thứ Ba, thị trường chứng khoán tiếp tục duy trì sắc xanh với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chứng ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán