Nhóm cổ đông PGCC bán không nổi bất kỳ cổ phiếu PIT nào, do đâu?

(Banker.vn) Nhóm cổ đông PGCC đã đăng ký bán toàn bộ hơn 8 triệu cổ phiếu PIT đang nắm giữ từ ngày 24/8, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cổ phiếu nào giao dịch thành công.
Nhóm cổ đông PGCC bán không nổi bất kỳ cổ phiếu PIT nào, do đâu?
Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC) đã gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex (HOSE: PIT).

Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC) đã gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex (HOSE: PIT).

Cụ thể, ông Trần Trung Kiên – Chủ tịch HĐQT PGCC đang sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu (26,338%), ông Huỳnh Đức Thông – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PGCC sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu (20,14%), ông Nguyễn Đình Thanh – Thành viên HĐQT PGCC sở hữu hơn 2 triệu cổ phiếu (13,17%), bà Lê Thúy Đào – Trưởng Ban kiểm soát PGCC sở hữu 383.084 cổ phiếu (2,52%).

Tổng kết lại, các nhân sự thượng tầng của PGCC đang sở hữu 8.005.611 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 52,67%. Trước đó, PGCC đã đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu PIT, giao dịch được dự kiến thực hiện từ ngày 25/8 đến ngày 22/9 theo phương thức khớp lệnh. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có bất kỳ cổ phiếu nào giao dịch thành công.

Lý do không hoàn tất giao dịch là vì thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu PIT không đạt kỳ vọng của nhóm cổ đông.

Được biết, việc chuyển nhượng cổ phiếu PIT của PGCC là theo chỉ đạo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Đáng chú ý, hồi giữa tháng 8 vừa qua, cổ phiếu PIT “phi nước đại” từ mức giá 5.670 đồng/cp (ngày 3/8) nhảy vọt lên 11.800 đồng/cp (ngày 18/8), gấp hơn 2 lần, là mức cao nhất từ đầu năm. Cùng với đà tăng của cổ phiếu, vốn hoá thị trường của Pitco thời điểm đó đã đạt 179 tỷ đồng.

Dù vậy, cổ phiếu PIT hiện vẫn đang bị duy trì diện bị cảnh báo do lợi nhuận lũy kế tại ngày 31/12/2022 của Pitco là âm 21,2 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, Pitco cho biết sẽ giảm dần lỗ lũy kế qua việc cải thiện kết quả kinh doanh có lãi hàng quý.

Đến nay, Pitco vẫn bị giữ nguyên điện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2023 là số âm.

Sau đà tăng mạnh mà không có trợ lực từ yếu tố nội tại, cổ phiếu PIT đã quay đầu giảm sàn. Hiện tại, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, giá cổ phiếu PIT chỉ còn 7.500 đồng/cp, giảm 43% so với mức đỉnh từ giữa tháng 8.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex - Pitco là doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Petrolimex – một doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa và chính thức hoạt động từ ngày 1/10/2004.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: hạt tiêu, cà phê, cao su thiên nhiên, thiếc thỏi, antimony thỏi…

Điểm qua về tình hình kinh doanh, kết thúc quý II/2023, Pitco có một kỳ kinh doanh ảm đạm với các kết quả “đi lùi”. Cụ thể, doanh thu trong kỳ đạt 170 tỷ đồng, giảm 40%, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 115 triệu đồng, lao dốc tới 86% do công ty đã đóng cửa ngành hàng cao su. Bên cạnh đó, năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu từ các thị trường tiêu thụ chính là châu Âu và Mỹ cũng suy giảm.

Luỹ kế nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của Pitco đạt 305 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 162 triệu đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 2 quý đầu năm, Pitco mới chỉ hoàn thành được 38% mục tiêu doanh thu (806 tỷ đồng) và chưa đầy 5% mục tiêu lợi nhuận (3,4 tỷ đồng). Năm nay, Pitco dự kiến sẽ không chia cổ tức và cũng là năm thứ 10 liên tiếp cổ đông của Pitco không được chia lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Pitco tự nhận định chi phí tài chính năm nay sẽ tăng cao, trong khi đó nguồn vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay, giá bán xuất khẩu lại không tăng được do thị trường cạnh tranh gay gắt, do đó biên lợi nhuận có thể sẽ giảm mạnh.

Pitco cũng dự báo, giá tiêu xuất khẩu sẽ đạt khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg và là ngành hàng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất. Còn ngành hàng xăng dầu vẫn gặp nhiều khó khăn do mức chiết khấu quá thấp của tập đoàn và các chính sách vĩ mô của Nhà nước chi phối.

Bên cạnh đó, Pitco cũng đề ra phương hướng và giải pháp chủ yếu cho năm 2023. Theo đó, đối với ngành hàng xuất khẩu hồ tiêu, Pitco đặt mục tiêu gia tăng sản lượng sản xuất tại nhà máy để bù đắp chi phí kinh doanh, quản lý tốt công nợ bán hàng, kiểm soát dòng tiền chặt chẽ nhằm tiết giảm chi phí tài chính.

Còn với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gia vị, Pitco sẽ mở rộng hệ thống khách hàng đầu ra và phát triển sản phẩm mới, tập trung vào các thị trường bán lẻ tại Mỹ, Hàn Quốc, Úc. Ngoài ra, Pitco cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thêm một số mặt hàng gia vị khác như quế, hồi… Còn các mặt hàng khác, Pitco sẽ cố gắng duy trì kết quả kinh doanh như hiện tại.

Kinh doanh "điêu đứng", một cổ phiếu "họ P" vẫn không ngừng tăng trần

Cổ phiếu PIT tiếp tục có thêm 5 phiên giao dịch ngập trong sắc tím, nối dài chuỗi tăng trần trước đó. Về vấn đề ...

Một cổ phiếu dòng P tăng như tên lửa, lãnh đạo tận dụng cơ hội chốt lời

Trong ngày cổ phiếu PIT của Pitco xác lập chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp, một lãnh đạo của doanh nghiệp đã nhanh tay ...

Cổ phiếu PIT (Pitco) liên tiếp giảm sàn và “chất bán”, nhà đầu tư như “ngồi trên lửa”

Bất chấp thị trường chung bị bán tháo ồ ạt và VN-Index mất tới trên 55 điểm trong phiên 18/8 vừa qua, cổ phiếu của ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán