NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng

(Banker.vn) Ngày 14/12/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025.
Ngày 14/12/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025. Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Về phía ngành Ngân hàng, tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; các đồng chí Phó Thống đốc NHNN: Đào Minh Tú, Đoàn Thái Sơn, Phạm Tiến Dũng, Phạm Thanh Hà, Phạm Quang Dũng; các đồng chí Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Bí thư Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương, Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, Lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài có trụ sở chi nhánh tại Hà Nội, đại diện chủ sở hữu trực tiếp, đại diện phần vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính và doanh nghiệp do NHNN quản lý.
 
 
Đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị được kết nối trực tuyến, điểm cầu chính tại Hà Nội và các điểm cầu khác tại 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.

NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024, tình hình kinh tế thế giới với nhiều yếu tố phức tạp khó dự đoán. Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế lớn, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động toàn cầu, tác động nhanh chóng và mạnh mẽ đến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước.  Do đó, áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN ngày càng tăng, đòi hỏi phải cân bằng nhiều mục tiêu: Kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định tiền tệ. Ngay từ đầu năm 2024, được sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, các vấn đề trọng tâm của ngành Ngân hàng đã được đưa ra, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và cơ quan có liên quan. Chính phủ đã tạo ra một môi trường điều hành thuận lợi, từ đó, NHNN đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, điều hành CSTT, tín dụng, tỉ giá và ngoại hối. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành, toàn ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2024: Tỉ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát và ngành Ngân hàng tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Hệ thống ngân hàng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội nghị

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2024 cũng đánh dấu sự thành công trong việc tái cấu trúc hệ thống các TCTD, với việc chuyển giao các ngân hàng quốc doanh có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hệ thống ngân hàng. Trong tương lai, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ và chỉ đạo quyết liệt để các ngân hàng này hoạt động hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và việc tổ chức thực hiện các dịch vụ ngân hàng trong năm 2025 sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Tại Hội Nghị, đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và một số định hướng điều hành năm 2025. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu. Kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
 
 
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và một số định hướng điều hành năm 2025
 
Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở lớn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, khả năng chống chịu còn hạn chế, vừa phải thích ứng với tình hình bên ngoài, vừa phải giải quyết các vấn đề nội tại, hậu quả từ những năm trước để lại như: Đại dịch Covid-19; nền kinh tế có nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới; thiên tai, bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 3 vừa qua… là những thách thức lớn đặt ra cho điều hành kinh tế vĩ mô. 

Trước những thách thức và cơ hội đó, trên cơ sở những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm của năm 2023, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
 
Kết quả trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng

Thứ nhất, điều hành CSTT đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Thứ hai, trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD. Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.

Thứ ba, NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỉ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Thứ tư, trong điều hành tín dụng: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu và để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD: Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng, các quy định về cấp tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và nỗ lực hơn nữa để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Với các giải pháp đồng bộ của NHNN, tính đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Thứ năm, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Thứ sáu, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Thứ bảy, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ đó, hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Thứ tám, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. NHNN đã và đang tiến hành xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024 để bảo đảm thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024.
 

Toàn cảnh Hội nghị

Một số nhiệm vụ, định hướng thời gian tới

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cụ thể: (i) Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; (ii) Theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; (iii) Tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các TCTD: Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…; (iv) Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; (v) Tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về hoạt động TTKDTM; các Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ tích cực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
 
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số NHTM, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng đã phát biểu tham luận về nhiều chủ đề khác nhau, đồng thời qua đó, nêu một số kiến nghị đề xuất đến Chính phủ, NHNN. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nêu một số kiến nghị sau:

(i) Chính phủ cho tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong công tác thu hồi nợ cũng như mua bán và xử lý nợ xấu.

(ii) Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thúc đẩy thị trường vốn phát triển lành mạnh an toàn hiệu quả đồng thời có chính sách hỗ trợ tăng trường xanh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn ESG.

(iii) Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai Sandbox, Open API.

(iv) Chính phủ xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động Thư tín dụng (L/C) từ năm 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các TCTD.

(v) Bộ Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao xem xét rà soát Bộ luật Dân sự 2015, Luật Phá sản 2014 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay và cho phá sản với các doanh nghiệp yếu kém không còn khả năng phục hồi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

(vi) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN sớm thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cập nhật các thông tin của NHTM vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng như phương hướng giải quyết kịp thời trong trường hợp chưa có công văn hướng dẫn các cơ quan đăng ký kinh doanh để bảo đảm hoạt động, giao dịch của các TCTD không bị ảnh hưởng.

Những đóng góp của ngành Ngân hàng góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội trong năm 2024

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tích mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2024. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành, các nhiệm vụ được giao đều hoàn thành tốt.

“Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại một năm đầy thử thách, nhưng nhờ sự nỗ lực, phấn đấu, chúng ta đã vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đầu tiên, những đóng góp của ngành Ngân hàng đã góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội trong năm nay”, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 6,5%, nhưng khả năng đạt khoảng 7% hoặc hơn. Về thu ngân sách, đến ngày 13/12/2024 đã đạt 1.859.000 tỉ đồng, vượt 9,6% so với dự toán, tức là vượt 158.000 tỉ đồng, so với năm trước đã tăng 276.000 tỉ đồng, tương đương với mức tăng 17,25%.

Dự báo thu ngân sách năm 2024 sẽ vượt 300.000 tỉ đồng so với năm 2023, khoản này dự kiến được sử dụng để đầu tư vào các công trình hạ tầng như cao tốc, sân bay Long Thành, cảng biển, an sinh xã hội, tăng lương và cải cách bộ máy hành chính. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay đạt khoảng 3,88%, gần với mục tiêu 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay dự báo đạt khoảng 800 tỉ USD, trong đó đã đạt 715 tỉ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023 và thặng dư xuất khẩu đạt 24,31 tỉ USD.

Về nợ công, tại thời điểm đầu nhiệm kỳ, tỉ lệ nợ công là 43,1% GDP, hiện nay đã giảm còn khoảng 37% GDP. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án hạ tầng lớn như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, chúng ta sẽ phải huy động thêm nguồn vốn lớn, qua đó cũng có thể tăng nợ công. Về thu hút FDI, tổng số FDI đăng ký là 31,38 tỉ USD, thực hiện được 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành Ngân hàng đã đóng góp rất lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt qua việc điều hành CSTT hợp lý và hiệu quả, giúp lãi suất ổn định và giảm 0,44% so với năm 2023. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giảm lãi suất từ 0,5 - 2% và duy trì tỉ giá ổn định. Tất cả những nỗ lực này giúp nền kinh tế phát triển và bảo đảm ổn định hệ thống tài chính.

Về các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số điểm trọng tâm sau:

Một là, NHNN theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới và đưa ra giải pháp phù hợp. Điều này cần sự phối hợp giữa CSTT, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu và thúc đẩy nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Hai là, thực hiện rà soát, sắp xếp và tinh gọn bộ máy NHNN, nhưng phải bảo đảm hoạt động liên tục của hệ thống ngân hàng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng có các cơ chế chính sách phù hợp để phục vụ cho việc tinh giảm bộ máy.

Ba là, NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì đây là lực lượng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Các NHTM cần phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ vốn, đầu tư hiệu quả, tạo ra lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, đồng thời giảm được nợ xấu. Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo mật và an toàn trong hệ thống ngân hàng. Việc phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử đòi hỏi phải kiểm soát tốt công nghệ và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, ăn cắp tiền với các thủ đoạn tinh vi.

Bốn là, phát triển công nghệ tài chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng số và thanh toán điện tử, bảo đảm tính minh bạch và giảm chi phí giao dịch. Điều này sẽ góp phần thực hiện chủ trương tinh giảm bộ máy, giảm biên chế và quản lý tốt hơn.

Năm là, tập trung đầu tư vào các dự án xanh, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế bền vững và tham gia vào các sáng kiến quốc tế như COP26. Việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đòi hỏi vốn đầu tư lớn, các NHTM cần đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án này.

Sáu là, xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu tiếp tục gia tăng là vấn đề quan trọng, cùng với việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Đồng thời, cần tiếp tục xử lý các ngân hàng gặp khó khăn và bảo đảm an toàn hệ thống.

Bảy là, thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô cần có sự điều hành CSTT hiệu quả, hợp lý, thể hiện qua việc duy trì lãi suất hợp lý, ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; phát triển các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức huy động vốn công tư (PPP), nhằm tăng cường nguồn vốn phục vụ cho các dự án phát triển.

Tám là, đẩy mạnh công tác phòng, chống rửa tiền và chống tham nhũng, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng giữa các ngân hàng và các TCTD; kịp thời hoàn thiện pháp luật và thể chế để đáp ứng kịp thời sự phát triển của đất nước. Các quy định pháp luật cần được điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế.

Chín là, hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ khó khăn, như đã làm trong các gói hỗ trợ đại dịch Covid-19 hay cơn bão số 3. NHNN cần quan tâm đến Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, trong khi các NHTM tập trung vào sản xuất, kinh doanh và phát triển.

Mười là, tăng cường thanh tra, kiểm tra pháp lý và xử lý kịp thời các vi phạm để bảo vệ sự an toàn hệ thống ngân hàng, ngăn ngừa các hành vi sai phạm.
 
Minh Châu
Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục