NHNN tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng SCB

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại ngân hàng này.

Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng. Bao gồm việc cập nhật về tình hình xử lý các ngân hàng yếu kém trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

NHNN tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại ngân hàng SCB
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Theo đó, về kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, báo cáo nêu rõ ngân hàng SCB được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp theo quy định để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và đảm bảo quyền, lợi ích của người gửi tiền.

"Ngân hàng Nhà nước đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định”, theo báo cáo viết.

Báo cáo này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký gửi các đại biểu Quốc hội ngày 8/10.

Thống đốc cho biết thêm rằng NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền. Vào tháng 10 năm ngoái, SCB đã được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này bị rút tiền hàng loạt.

Tại báo cáo, bà Hồng thông tin thêm rằng đến nay, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. 4 ngân hàng trên bao gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại 4 ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng này đi thuê tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp.

“Các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả”, báo cáo cho hay.

Chính phủ cũng cho biết nguyên nhân khiến việc xử lý các ngân hàng yếu kém kèo dài do phải tìm kiếm, đàm phán với ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

“Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc, DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài”, báo cáo nhận định. Ngoài ra, việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém “phức tạp, chưa có tiền lệ”.

Chính phủ cho biết tới đây NHNN sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi. Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển hoàn thành phương án nhận chuyển giao.

Trong báo cáo cho biết thêm rằng Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành.

Ngân hàng VIB huy động thành công 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu

Mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) vừa có thông báo liên quan đến kết quả chào bán trái phiếu tại Ngân ...

SeABank tăng 150 bậc trong bảng xếp hạng “Top 1000 Ngân hàng thế giới”

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) vừa được Tạp chí The Banker năm thứ 2 liên tiếp bình chọn nằm ...

Thùy Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán