Ngân hàng đồng loạt phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tăng cường vốn điều lệ
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID) vừa công bố Nghị quyết về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức. Cụ thể, BIDV này dự kiến sẽ phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu phổ thông, tương ứng 21% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian phát hành dự kiến từ quý 4/2024 - quý 1/2025. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của ngân hàng năm 2022 sau khi đã trích lập các quỹ theo luật định.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm gần 11.971 tỷ đồng, lên hơn 68.975 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn tăng thêm sẽ được sử dụng cho các hoạt động như tín dụng (cơ cấu danh mục tín dụng, tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI); đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm mới, ngân hàng số; đầu tư; mở rộng kênh phân phối…
Ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ, củng cố năng lực tài chính |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) mới đây công bố ngày 29/11/2024 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Theo đó, VietBank dự kiến phát hành 142,8 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ thêm 1.428 tỷ đồng, đạt 7.139 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ được dùng để đầu tư tài sản, mở rộng mạng lưới, và tăng cường tuân thủ các tỷ lệ an toàn vốn, với thời hạn hoàn tất trước cuối năm 2024.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, HOSE: LPB) đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 16,8%, nâng vốn điều lệ lên 29.873 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, HOSE: HDB) cũng nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.825 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của HDBank dự kiến đạt hơn 34.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK, HNX: BAB) dự kiến phát hành 62,1 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán 96 triệu cổ phiếu ra công chúng để nâng vốn điều lệ lên 10.538 tỷ đồng. Thời gian triển khai được dự kiến kéo dài từ năm 2024 đến 2025.
Việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức được xem là chiến lược tăng vốn điều lệ hiệu quả, giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn mà không cần huy động từ bên ngoài. Điều này cũng giảm thiểu tác động pha loãng cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa thực sự sôi động.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân quan trọng, bao gồm việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, tăng cường nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và đặc biệt là cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng dự báo rằng năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng, khi rủi ro nợ xấu có xu hướng tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, vốn điều lệ được ví như một “bộ đệm” quan trọng, cung cấp nguồn lực cần thiết để các ngân hàng đối phó với những biến động thị trường, đồng thời duy trì khả năng hỗ trợ vốn cho khách hàng.
Cùng quan điểm, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, việc tăng vốn điều lệ là giải pháp hữu hiệu nhất giúp ngân hàng nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo hoạt động ổn định và là nền tảng để mở rộng kinh doanh. Đây cũng là điều kiện cần thiết để các ngân hàng hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn.
NHNN thắt chặt tỷ lệ an toàn vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo Điều 138 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được quy định là 8% hoặc cao hơn theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ. Dự thảo mới đề xuất nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 10,5%, bắt đầu tăng dần từ năm 2030 và đạt mức này vào năm 2033. Trong đó, vốn cấp 1 tối thiểu là 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và cấp 2 là 8%, và vốn đệm bảo toàn vốn đạt 2,5%.
Dự thảo trao quyền linh hoạt cho Thống đốc NHNN điều chỉnh tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ từ 0-2,5%, nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế trong từng giai đoạn. Cụ thể, tỷ lệ này sẽ tăng trong thời kỳ thị trường tăng trưởng nóng và giảm khi thị trường ổn định. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ bị hạn chế chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tăng vốn điều lệ được nhấn mạnh là yếu tố quyết định để các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng lộ trình siết chặt việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn theo Thông tư số 08/2020/TT-NHNN. Đây cũng là nền tảng để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh.
Sau một thập kỷ, nhóm ngân hàng tư nhân đã vượt trội so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối về hệ số an toàn vốn (CAR). Nếu như năm 2014, hệ số CAR của nhóm ngân hàng nhà nước là 9,4% và nhóm tư nhân là 12,07%, thì đến tháng 6/2024, con số này lần lượt là 9,99% và 11,86% (theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN).
Các ngân hàng nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn do phải chờ phê duyệt từ cấp trên. Trong nửa đầu năm 2024, Agribank là ngân hàng duy nhất được chấp thuận tăng vốn. Ngược lại, Vietcombank đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 55.891 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng.
Tại VietinBank ngân hàng này mong muốn sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ năm 2023 để chia cổ tức và tăng vốn điều lệ. Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng đã nhận được sự chấp thuận của NHNN và Bộ Tài chính về việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 trị giá 11.678 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch này.
Ngân hàng BIDV cũng đã thông qua phương án sử dụng 12.347 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu hoàn thành kế hoạch chào bán 455 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên 87.524 tỷ đồng, giúp ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bản tin tài chính – ngân hàng 12/12: Oceanbank sắp đổi tên; lừa đảo trực tuyến lĩnh vực ngân hàng giảm mạnh Những thông tin tài chính - ngân hàng đáng chú ý như: Oceanbank đổi tên và có lãnh đạo mới từ MB. Khách hàng SHB ... |
Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngành ngân hàng có bùng phát? Nợ xấu ngành ngân hàng tăng 30,3% YTD trong 9 tháng đầu năm 2024, đưa tỷ lệ lên 2,25%. Thông tư 02 hết hiệu lực ... |
HDBank dự kiến vượt kế hoạch lợi nhuận 2024, đặt mục tiêu 20.000 tỷ đồng năm 2025 HDBank dự kiến lợi nhuận 2024 đạt hơn 16.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, và đặt mục tiêu 20.000 tỷ đồng năm 2025. ... |
Đức Anh