NHNN nỗ lực các giải pháp tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh khu vực Tây Nguyên

(Banker.vn) Ngày 20/10/2023, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Hội nghị do đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN và đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh, đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.
Ngày 20/10/2023, tại Đắk Lắk, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Hội nghị do đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN và đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh, đoàn đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.
 
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN nhấn mạnh, khu vực Tây Nguyên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, cũng là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp xuất khẩu. Thời gian qua ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có của khu vực Tây Nguyên tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việc tổ chức hội nghị lần này cũng nhằm mục tiêu tiếp tục trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về kết quả đạt được của các doanh nghiệp trong khu vực, đồng thời nhận diện, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, nắm bắt nhu cầu vốn của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thông tin tại hội nghị, Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng gần đây. Riêng khu vực Tây Nguyên, tính đến 30/9/2023, huy động vốn của các TCTD tại khu vực đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của vùng.

 



Toàn cảnh Hội nghị

Cũng tại hội nghị đại diện các doanh nghiệp, TCTD đã nêu các ý kiến thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, địa phương phải đối mặt trong giai đoạn vừa qua.

Các doanh nghiệp tập trung phản ánh khó khăn đang phải đang phải đối mặt liên quan đến quy hoạch sản xuất, tháo gỡ khó khăn về thị trường, chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tài sản trên đất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới,...), nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao những hỗ trợ của ngân hàng trong những năm qua, bên cạnh đó tiếp tục có những đề xuất về ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho khu vực; Tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm; Thủ tục, điều kiện vay vốn; Tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ..

Các TCTD cũng chia sẻ những nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đại diện các TCTD và các chi nhánh tại địa bàn của Ngân hàng Đầu tư phát triển BIDV, Vietcombank, Agribank, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Hdbank… đã có những trao đổi, trực tiếp đối thoại, giải đáp và nêu các giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc được nêu của doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đồng tình với báo cáo của NHNN, ghi nhận nỗ lực của ngành Ngân hàng và các TCTD trên địa bàn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong khi một số tỉnh tăng trưởng tín dụng thấp nhưng nhờ các giải pháp hiệu quả, hoạt động của ngành Ngân hàng đã góp phần tích cực cho tăng trưởng trên địa bàn Tây Nguyên và tại Đắk Lắk.

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh hoạt động điều hành CSTT của NHNN mang nhiều tính đặc thù khi phải cùng lúc đảm bảo nhiều mục tiêu, vừa giảm lãi suất vừa mở rộng tín dụng, vừa ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn của các TCTD, nên việc thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng cần sự cân nhắc rất kĩ lưỡng. Thời gian tới, NHNN tiếp tục định hướng điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Các biến động tỷ giá thời gian qua vẫn luôn nằm trong biên độ điều hành của NHNN. Về lãi suất sẽ tiếp tục điều hành ổn định, có thể xem xét hạ lãi suất khi có điều kiện, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn vốn và thanh khoản cho các TCTD và nền kinh tế.

NHNN cũng đồng thời đảm bảo triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng và luôn sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.

Theo AL/sbv.gov.vn


Theo: Tạp chí Ngân hàng