Nhịp rung lắc ở vùng 1.210-1.215 điểm có thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy

(Banker.vn) MBS cho rằng, trong tuần mới, thị trường cũng không gặp thông tin bất lợi đáng kể, nguy cơ giảm sâu cũng ít xảy ra khi chỉ số VN-Index vẫn trụ vững trên các ngưỡng MA ngắn và trung hạn như: MA20, MA50,… do vậy tín hiệu từ dòng tiền là chỉ báo cho thị trường. Các nhịp rung lắc ở vùng hỗ trợ 1.210 – 1.215 điểm có thể kích thích dòng tiền bắt đáy quay trở lại thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh tuần đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp, đây cũng là lần điều chỉnh giảm thứ 2 tại vùng đỉnh ngắn hạn 1.230 – 1.240 điểm. Tuy chỉ số VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ nhưng nhịp điều chỉnh lại diễn ra trên diện rộng, thanh khoản toàn thị trường cũng được đẩy lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022. Bên cạnh đó, gây áp lực cho thị trường là việc khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần tái cơ cấu danh mục quý 3.

VN-Index để mất 14,12 điểm, tương ứng giảm 1,14% và chốt tuần ở mức 1.227,36 điểm. Chỉ số này có 2 lần thử thách ngưỡng 1.250 điểm trong tuần vừa qua nhưng đều không thành công, đây là tuần điều chỉnh đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp. Ngoài ra, ở 7 phiên gần đây, chỉ số VN-Index cũng để mất điểm tới 5 phiên. Mức giảm mạnh diễn ra ở nhóm cổ phiếu Smallcap khi để mất hơn 2%, nhóm Midcap cũng giảm 1,62%, trong khi nhóm Vn30 lùi 0,83%.

Nhịp rung lắc ở vùng 1.210-1.215 điểm có thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy

Ngược dòng thị trường trong tuần vừa qua, nổi bật là nhóm cổ phiếu chứng khoán với sự nỗ lực từ: MBS (+11,43%), SSI (+5,19%), CTS (+ 5,18%), SHS (+4,26%),… Việc giá dầu đã tăng lên mức cao nhất năm nay trong tuần vừa qua, kéo dài đợt phục hồi trong ba tuần liên tiếp và có thể khiến giá dầu quay trở lại mức 100 USD/thùng trước cuối năm, hỗ trợ nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng điểm: GAS (+7,24%), PVS (+6,2%), BSR (+3,27%), PVD (+2,84%),… Gây áp lực cho thị trường tuần vừa qua là nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC: -9,31%, VHM: -6,48%, VRE: -4,05%,…), đáng chú ý cổ phiếu VIC đã giảm liền 5 tuần liên tiếp với mức giảm 30%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản ngoài PDR vẫn duy trì đà tăng thì mức giảm tuần vừa qua cũng diễn ra trên diện rộng: NVL (-14,09%), DIG (-7,48%), NLG (-7,63%), DXG (-3,32%),… nhóm cổ phiếu thép cũng giao dịch không thành công khi: HPG (-4%), HSG (-2,73%), NKG (-1,6%)… Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng có sự phân hóa mạnh, các cổ phiếu nỗ lực hỗ trợ thị trường: VCB (+0,34%), CTG (+1,39%), MBB (-1,57%), VPB (+3,44%), VIB (+4,6%),… trong khi gây áp lực lên thị trường là: BID (-0,43%), TCB (-1,27%), LPB (-2,17%), TPB (-1,03%), ACB (-0,44%),…

Thanh khoản toàn thị trường tăng 6,1% so với tuần đầu tháng 9, lên 30.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng tăng 7,2% đạt 27.955 tỷ đồng. Đây cũng là tuần thứ 10 liên tiếp thanh khoản thị trường luôn được duy trì trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên và cũng là tuần có mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022. Theo thống kê, thanh khoản tuần đầu tháng 9 cao hơn 14,76% so với mức bình quân ở tháng 8 và thanh khoản bình quân quý 3 đang cao hơn 60% so với quý 2.

Khối ngoại bán ròng 2.100 tỷ đồng ở tuần vừa qua, lũy kế kể từ đầu năm khối ngoại bán ròng 6.298 tỷ đồng, như vậy mạch bán ròng của khối ngoại kể từ tháng 4 đến nay đã lên mức 13.260 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đáng chú ý, các quỹ ETF vẫn bị rút ròng tuần thứ 7 liên tiếp với giá trị 37 triệu USD, lũy kế các quỹ ETF chỉ còn ở trạng thái hút ròng 2 triệu USD. Các quỹ ETF bị rút ròng trong tuần vừa qua: Fubon (-17,38 triệu USD), Diamond (-18,9 triệu USD),…

Chứng khoán MB (MBS) nhận định, tuy chỉ số VN-Index điều chỉnh không nhiều và đang dao động ở vùng đỉnh cũ nhưng mặt bằng cổ phiếu bị thiệt hại trên diện rộng ở tuần vừa qua. Ngoại trừ phiên tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF cuối tuần vừa qua có mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu tháng 9, dòng tiền vẫn trong xu hướng tăng, do vậy có thể kỳ vọng những cổ phiếu có mức giảm mạnh có thể đón nhận dòng tiền vào bắt đáy ở tuần mới.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn đang dao động ở vùng đỉnh cũ, tín hiệu tạo đỉnh thứ 2 vẫn chưa rõ ràng, với thanh khoản vẫn duy trì rất tốt, gần 30.000 tỷ đồng/phiên kể từ đầu tháng 9, cơ hội vượt đỉnh tuy không cao nhưng vẫn có khả năng xảy ra khi nhóm cổ phiếu trụ sau tuần giảm vừa qua bật tăng trở lại sau tuần khối ngoại bán mạnh.

Nhịp rung lắc ở vùng 1.210-1.215 điểm có thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy

Lúc này, thị trường cũng không gặp thông tin bất lợi đáng kể, nguy cơ giảm sâu cũng ít xảy ra khi chỉ số VN-Index vẫn trụ vững trên các ngưỡng MA ngắn và trung hạn như: MA20, MA50,… do vậy tín hiệu từ dòng tiền là chỉ báo cho thị trường. Các nhịp rung lắc ở vùng hỗ trợ 1.210 – 1.215 điểm có thể kích thích dòng tiền bắt đáy quay trở lại thị trường.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đang có lợi thế khi thanh khoản quý 3 đang cao hơn 60% so với quý 2 và chỉ số VN-Index tăng gần 10% so với cuối quý 2 và tăng gần 22% so với thời điểm đầu năm. Ngoài nhóm chứng khoán thì nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng rất đáng chú ý khi vẫn trụ vững trong tuần giảm vừa qua. Ở nhóm cổ phiếu có thể nhận được dòng tiền vào bắt đáy có thể gồm: bất động sản, Vingroup, thép,… nhóm liên quan đến xuất khẩu như: thủy sản, dệt may,…

Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư SSI Research đánh giá, những tín hiệu tiêu cực xuất hiện sớm trong tuần vừa qua nhưng không có nhiều rủi ro đáng ngại, với biến động dòng tiền đang có tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư cá nhân nâng đỡ thị trường. Theo đó, Chuyên gia SSI cho rằng xu hướng này có thể tiếp tục trong thời gian tới và thị trường sẽ duy trì biến động trong vùng 1.215 – 1.150 điểm trước khi hình thành xu hướng mới. Thời điểm này, thị trường đang vận động theo yếu tố dòng tiền và bản thân yếu tố dòng tiền không thể dự phóng mà nên đi theo.

Về biến động thị trường trong phiên đáo hạn phái sinh, thống kê trong 10 kỳ gần nhất sẽ không quá cao và không làm thay đổi xu hướng trước đó của thị trường, nhà đầu tư không nên lo ngại phiên đáo hạn phái sinh phá vỡ xu hướng hoặc tín hiệu xấu với cổ phiếu.

Trong 2 phiên đáo hạn gần đây, ngay sau phiên đáo hạn phái sinh sẽ là phiên biến động cao. Đơn cử như phiên 19/8, sau phiên đáo hạn phái sinh là một biến động cao (phiên giảm mạnh của thị trường). Hay như trước đó 1 tháng, trước phiên đáo hạn phái sinh 21/7, thị trường có bốn phiên liên tiếp biến động trong biên độ hẹp. Sau phiên 21/7 thị trường tăng khoảng 13 điểm (hơn 1%) với hầu hết tất cả cổ phiếu VN30 đều xanh. Đó là bức tranh hai chiều của thị trường, nên gọi là biến động mạnh (không hẳn là giảm hay tăng), có nghĩa là trước phiên đáo hạn phái sinh, nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chỉ số nên cả chiều mua lẫn chiều bán khá cân bằng. Thế nhưng sau phiên đáo hạn phái sinh thì trả ngược lại xu hướng của thị trường và tạo ra phiên biến động mạnh sau đấy.

Tuy nhiên, trong một vài tháng vừa qua thì không phải là thống kê có ý nghĩa về mặt xắc xuất, do vậy đây có thể là tín hiệu chúng ta có thể chờ đợi có tiếp tục xảy ra trong kỳ này.

Chiến lược chung cho những phiên đầu tuần mới đó là sự biến động của thị trường trong vùng 1.215 – 1.250 điểm sẽ duy trì, đi cùng với đó là sự phân hóa ở các nhóm cổ phiếu trong phạm vi này. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục tận dụng để tái cơ cấu danh mục, chỉ nên nắm giữ các cổ phiếu giữ được trạng thái tích cực và tránh các cổ phiếu đánh mất nền giá ngắn hạn.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại nếu sự suy yếu của NVL phá vỡ xu hướng trung hạn, gây ảnh hưởng chung đến nhóm cổ phiếu bất động sản. Khi nhóm này vững vàng tại vùng tích lũy rung lắc hiện tại thì nhóm nhóm cổ phiếu bất động sản có thể chú ý theo chiều trading trong thời gian tới. Lưu ý rằng nhóm cổ phiếu này không được hỗ trợ từ những thông tin cơ bản mà được vận động mang tính dòng tiền, khi mà dòng tiền cá nhân vẫn đang áp đảo thị trường.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép sau nhịp điều chỉnh vùng với đà bán ròng của khối ngoại, và sự điều chỉnh này đang giữ những cổ phiếu như HPG, NKG, HSG… đang có vận động tích lũy tại vùng đỉnh cũ, khá tương đồng với bối cảnh của thị trường, nếu thị trường có kịch bản tích cực thì điểm mua sẽ xuất hiện với nhóm cổ phiếu thép.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agribank (AGR) cho rằng, trong bối cảnh vĩ mô thế giới dần cải thiện, đơn hàng xuất khẩu phục hồi từ quý 3/2023 có thể giúp các nhóm ngành xuất khẩu như xơ - sợi, thuỷ sản có thể phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu sụt giảm.

Nhận định chứng khoán tuần 18-22/9: Tái tích lũy và cân bằng tại vùng 1.220 điểm

Chuyên gia nhận định, trong kịch bản tích cực, VN-Index tiếp tục tích lũy lên vùng cân bằng từ 1.210-1.240 điểm với thanh khoản thấp, ...

Thị trường đang giằng co tích lũy, NĐT cân nhắc chốt lời 1 phần nếu VN-Index tiến đến vùng 1.280 điểm

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch rung lắc và VN-Index chốt tuần với mức giảm trên 1%. Tuần tới, ...

Nhận định chứng khoán ngày 18/9: Thị trường tiềm ẩn khả năng điều chỉnh

Trong tuần vừa qua, thị trường có 2 lần tiến đến vùng 1.250 điểm nhưng đều chưa thể bứt phá thành công. Kết thúc tuần ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán