Nhịp điều chỉnh là cần thiết để thị trường "rũ bỏ" những nhà đầu tư tâm lý yếu

(Banker.vn) Rủi ro trên thị trường chứng khoán đã giảm xuống đáng kể, thế nhưng các chuyên gia cho rằng, rủi ro vẫn chưa hết hoàn toàn, bởi động thái của Fed trong phiên họp đang diễn ra vẫn là một câu hỏi...

Thị trường chứng khoán đã bớt rủi ro

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong chuỗi tăng 4/5 tuần gần, qua đó đã lấy lại ngưỡng 1.100 điểm, áp sát đỉnh cũ năm 2023. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục ghi nhận 1 tuần bùng nổ, đạt mức cao nhất 26 tuần. Cụ thể, thanh khoản toàn thị trường bình quân đạt 21.243 tỷ đồng, tăng 14,8% so với tuần trước, đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong vòng 26 tuần vừa qua. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng vọt 18,3% lên 19.400 tỷ đồng.

Mức thanh khoản tăng vọt ghi dấu ấn dòng tiền nội, từ mức bình quân khớp lệnh hơn 9.000 tỷ đồng (giữa tháng 4 và tuần đầu tháng 5) đã tăng lên mức cao nhất 24.450 tỷ đồng, đây chính là chất xúc tác giúp thị trường vượt đỉnh tháng 4 và tiệm cận vùng đỉnh cao nhất kể từ đầu năm.

Những tín hiệu trên phần nào cho thấy rủi ro trên thị trường chứng khoán đã giảm xuống đáng kể. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, rủi ro vẫn chưa hết hoàn toàn, bởi động thái của Fed trong phiên họp mới đây vẫn là một câu hỏi. Thêm vào đó, trong nước, nhiều ngành sản xuất suy yếu, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, nhất là thị trường bất động sản vẫn chưa thể "tan băng".

Nhịp điều chỉnh là cần thiết để thị trường
Rủi ro trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã giảm xuống đáng kể

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo đó, thị trường đang dự đoán gần như 100% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất sau khi cuộc họp tuần này kết thúc.

Dù vậy, xét về tác động tới Việt Nam, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường, Trung tâm phân tích DSC, đây chưa phải là một thông tin tốt, đồng thời sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Theo ông Hiệp, thông thường, thông tin về CPI của Mỹ sẽ tác động nhiều đến chứng khoán thế giới dựa trên ảnh hưởng từ kỳ vọng và tác động chính sách gián tiếp. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng nếu CPI giảm tốt, Fed có thể sớm giảm lãi suất điều hành, từ đó làm tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa của quốc gia này và tạo dư địa cho Việt Nam tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, CPI tháng 5 của Mỹ đạt 4% cũng chỉ thấp hơn một chút so với mức dự kiến (4,1%). Thêm vào đó, CPI lõi vẫn rất cao là 5,3%. Vì vậy, nhiều khả năng Fed vẫn sẽ giữ mức lãi suất điều hành ở mức cao 5% cho đến hết năm nay. Như vậy, về mặt kỳ vọng không có nhiều thay đổi

Mặt khác, về tác động chính sách, Việt Nam đã đi ngược với thị trường quốc tế khi Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ lãi suất điều hành 3 lần kể từ trung tuần tháng 3, đồng thời ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, các chính sách này cần thời gian để thẩm thấu, thông thường từ 4 – 6 tháng và cũng cần thêm sự phục hồi của thị trường quốc tế trước khi có thể quay trở lại pha tăng trưởng mạnh.

Tương tự, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Azfin Việt Nam cho rằng, quyết định của Fed sẽ không tác động nhiều đến thị trường. Bởi động thái của Fed chỉ có ảnh hưởng khi bất ngờ tăng mạnh lãi suất, còn nếu giữ nguyên hoặc tăng 0,25 điểm % thì mức độ tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường nói riêng không lớn.

Cơ hội để tích lũy cổ phiếu với giá rẻ

Dù vậy, ông Phục vẫn nhấn mạnh nhà đầu tư nên chú ý hai biến số có thể tác động tiêu cực đến thị trường là xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch Azfin Việt Nam cũng đưa ra một vài thông tín tích cực. Đó là thị trường bứt phá trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân và lượng margin tại các công ty chứng khoán đã có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy nhà đầu tư cá nhân nhanh nhạy đã quay trở lại thị trường khi lãi suất có xu hướng hạ nhiệt rõ rệt.

"Thị trường chứng khoán đã tạo đáy khi chính sách tiền tệ đảo ngược từ thắt chặt sang nới lỏng, từ lãi suất cao sang lãi suất thấp, từ hút tiền sang bơm tiền. Mặt khác, định giá chứng khoán đang ở mức 13.x lần - mức rẻ so với trung bình trong quá khứ là 16 lần", ông Phục cho hay.

Kết hợp với vùng định giá rẻ, ông Phục cho rằng nếu nền kinh tế hồi phục thì thị trường sẽ có một con sóng lớn vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục suy yếu thì thị trường có thể kéo dài trạng thái đi ngang, khoảng năm 2024 thì đà tăng mới trở lại. Và nếu không có biến cố "thiên nga đen" bất ngờ như bất ổn địa chính trị hay dịch bệnh, VN-Index hoàn toàn có thể trở lại mốc 1.500 điểm.

Trong ngắn hạn, quá trình đi lên sẽ có những nhịp điều chỉnh xen kẽ và điều chỉnh để đi lên. Nhịp điều chỉnh là cần thiết để thị trường "rũ bỏ" những nhà đầu tư tâm lý yếu. Những nhịp điều chỉnh cũng là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với giá rẻ, nhất là với nhóm tài chính ngân hàng và bất động sản khu công nghiệp.

Nhận định chứng khoán ngày 16/6: Ưu tiên quản trị rủi ro

Thị trường chứng khoán giảm điểm phiên hôm nay đến từ một số yếu tố. Dưới góc độ kỹ thuật, thị trường tiếp cận lại ...

Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 15/6/2023

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ...

Chứng khoán Mỹ chấm dứt đà tăng, FED có thể nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay

Trong cuộc họp này hôm qua, FED quyết định dừng tăng lãi suất trong tháng 6/2023. Ở một chiều hướng khác, FED lại đưa ra ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán