Nhìn từ Trịnh Châu, dự báo về triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc

(Banker.vn) Khó khăn mà Trịnh Châu đang đối diện, bao gồm thiếu việc làm cho người lao động, giá bất động sản sụt giảm và sự thiếu ổn định trong ngành ngân hàng, có thể coi như những dấu hiệu điển hình của vấn đề mà chính Trung Quốc đang phải đương đầu.

Một buổi tối bình thường ở thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam - Trung Quốc, thông thường lẽ ra sẽ đông chật người lao động trở về ký túc xá nghỉ ngơi.

Suốt hơn một thập kỷ qua, thành phố 13 triệu dân ở miền trung Trung Quốc này là nơi tập trung của những người lao động chuyên làm công việc lắp ráp điện thoại iPhone trong “đại nhà máy”. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc tình hình hoạt động của nhà máy này có thể coi như chỉ báo không chính thức về “sức khỏe” của nền kinh tế.

Tuy nhiên giờ đây, một trong những khu nhà ở chính của công nhân đang trống trơn. Những người lao động còn lại cũng không còn được hưởng tiện ích như quán cà phê Internet hay những bộ sofa êm ái từng được trang bị trong các khu nhà. Vào tháng 10/2022, sau đợt phong tỏa kéo dài, nhiều người lao động rời đi đã không bao giờ trở lại.

Thành phố Trịnh Châu hiện đang đối mặt với vô cùng nhiều thách thức. GDP bình quân đầu người tại tỉnh Hà Nam, nơi mà thành phố Trịnh Châu là thủ phủ, hiện thấp hơn 27% so với mức bình quân của toàn Trung Quốc.

Khó khăn mà Trịnh Châu đang đối diện bao gồm thiếu việc làm cho người lao động, giá bất động sản sụt giảm và sự thiếu ổn định trong ngành ngân hàng. Đây có thể coi như những dấu hiệu điển hình của vấn đề mà chính Trung Quốc đang phải đương đầu. Thậm chí, Trịnh Châu còn phải chịu đựng những vấn đề này trước phần còn lại của nền kinh tế. Chính vì vậy, Trịnh Châu có những lúc đã trở thành nơi thử nghiệm chính sách.

Số liệu kinh tế Trung Quốc công bố trong thời gian gần đây cho thấy, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu bình ổn. Tỷ lệ tăng trưởng thường niên của sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 là 4,5%. Doanh số bán lẻ tăng trưởng 4,6%, đều cao hơn dự báo của các chuyên gia.

Tuy nhiên tổng diện tích nhà mới được xây dựng giảm, ước tính 7,1% trong 8 tháng đầu năm và như vậy tiếp tục đà suy giảm. Và thậm chí nếu như tình hình đã bắt đầu bình ổn, những gì diễn ra tại Trịnh Châu cho thấy Trung Quốc sẽ rất khó để thoát khỏi thực trạng kinh tế khó khăn và quá trình phục hồi sẽ kéo dài.

Những vấn đề kinh tế mà Trịnh Châu đối mặt bắt đầu từ năm 2020, ban đầu liên quan đến một số vụ lùm xùm trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên sau đó, ngành bất động sản khó khăn khiến cho những vấn đề mà thành phố đối mặt trở nên nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền hoàn thành căn hộ. Nhiều người vay mua nhà vẫn tiếp tục phải trả gốc và lãi dù chưa nhận được nhà.

Tháng 7/2022, một số người mua nhà ở Trịnh Châu đã bắt đầu từ chối trả tiền thế chấp. Ước tính có khoảng 600.000 người mua nhà địa phương mua phải những căn hộ có vấn đề, như vậy cứ 13 hộ gia đình tại thành phố thì có 1 hộ chịu tác động tiêu cực từ khó khăn trên thị trường nhà đất.

Các nhà hoạch định chính sách đã buộc phải hành động. Nhân viên các trường đại học được yêu cầu phải rà soát những đối tượng khó tìm việc làm và kết nối họ với các tổ chức công ích, doanh nghiệp nhà nước và cả doanh nghiệp.

Bởi chiến dịch này cũng chỉ vừa mới kết thúc, hiện cũng chưa rõ kết quả ra sao, tuy nhiên dường như hàng nghìn người đã tìm được việc làm. Với một thị trường lao động không mấy sôi động và chỉ riêng trong năm nay đã có đến 870.000 sinh viên tốt nghiệp, không dễ để giải quyết vấn đề việc làm.

Giới chức địa phương cũng tiếp tục đưa ra biện pháp để giải cứu bất động sản. Vào tháng 3/2023, Trịnh Châu trở thành thành phố đầu tiên bỏ hạn chế với việc mua căn nhà thứ hai trong nỗ lực để kích thích nhu cầu.

Vào tháng trước, Trịnh Châu dẫn đầu so với các địa phương khác tại Trung Quốc trong việc đưa ra các biện pháp cải tổ để yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp, đồng thời giúp người mua nhà mới không phải đóng thuế cao cũng như trợ cấp ước tính khoảng 4.100 USD cho các hộ gia đình ba con muốn mua nhà. Không chỉ vậy, Trịnh Châu cũng hủy bỏ quy định cấm người mua nhà bán lại nhà trong ba năm sau khi mua.

Đầu tháng 9/2023, một số dự án bất động sản trì trệ nhất Trịnh Châu đã được khởi động trở lại. Một trong số những dự án này có tên Qifucheng đã từng bị đình trệ suốt từ năm 2019. Dự án với hơn 6.000 căn hộ nhà ở, vốn từng được coi như dự án bất động sản lớn nhất tại Trịnh Châu.

Vào năm ngoái, dự án này từng bị chỉ trích vì đưa vào đây một số công nhân để nếu người ngoài nhìn vào có cảm giác như nó vẫn đang được triển khai nhằm tránh việc bị kiện. Tuy nhiên, giờ đây mọi chuyện thực sự đã khác.

Giờ đây người ta nhìn thấy hàng đoàn xe tải ra vào, rất đông công nhân làm việc. Nếu quá trình hoàn thành dự án vẫn diễn ra như bình thường, những người tìm mua căn hộ mới cũng sẽ có thể thêm niềm tin.

Dù vậy, điều gì cũng phải cần có thời gian. Giá bất động sản tại thành phố hiện đang diễn biến không theo đúng hướng của các nhà hoạch định chính sách. So với tháng liền trước, giá bất động sản giảm 0,5% trong tháng 8/2023, như vậy sự phục hồi của thị trường bất động sản tại thành phố cấp 2 này vẫn còn nhiều gập ghềnh.

Sau nhiều tháng trì hoãn, chính quyền trung ương đã bắt đầu thể hiện quan điểm rằng họ đang xử lý tình trạng trì trệ về kinh tế một cách quyết liệt. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, hiện giờ người ta vẫn hoài nghi về việc các nhà quản lý Trung Quốc có xử lý được khủng hoảng để có thể duy trì triển vọng tăng trưởng dài hạn. Những gì diễn ra ở Trịnh Châu cho thấy họ sẽ còn chật vật mới giải quyết được điều đó.

Ngọc Diệp

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục