Nhìn lại thị trường chứng khoán 2023 và nhóm ngành tiềm năng trong 2024

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến tương đối khó lường trong năm 2023. Với bối cảnh hiện tại, đâu là nhóm cổ phiếu tiềm năng cho năm 2024?

Trong năm 2023, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến phức tạp và khó lường khi tạo ra những cơn sóng lớn, nhỏ khác nhau. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index đi ngang biên độ 1.020 - 1.080 điểm trước khi bứt phá lên vùng 1.250 điểm trong 6 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường đã suy yếu khi chỉ số VN-Index bất ngờ test đáy 1.020 điểm vào tháng 11/2023.

Để có góc nhìn chuyên sâu, khách quan về thị trường chứng khoán trong năm 2024 cũng như những triển vọng năm 2024, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Tài chính Phạm Quang Thịnh, chuyên viên Tư vấn Đầu tư Công ty CK SSI.

Nhìn lại thị trường chứng khoán 2023 và nhóm ngành tiềm năng trong 2024
Thạc sĩ Tài chính Phạm Quang Thịnh.

PV: Trong năm 2023, thị trường chứng khoán ghi nhận biến động tương đối mạnh, ông đánh giá thế nào về xu hướng VN-Index trong năm vừa qua?

Ths. Phạm Quang Thịnh: Theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá VN-Index diễn biến tích cực trong năm 2023 khi cơ quan điều hành vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, xét về khía cạnh thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 11% trong năm 2023 và một số cổ phiếu thuộc nhóm Chứng khoán đã tăng rất mạnh như SSI tăng trên 90% cùng một số cổ phiếu khác tăng trên 100% như CTS, FTS và BSI. Tuy nhiên, trong năm này thị trường cũng đã có những pha vận động khá khó lường đòi hỏi các nhà đầu tư phảy nhạy bén với thị trường.

Sự kiện tác động lớn tới VN-Index trong năm phải kể đến việc NHNN hút tiền về thông qua kênh thị trường mở, cụ thể là việc phát hành Tín phiếu lần đầu tiên vào ngày 21/09 với giá trị thành công là 20.000 tỷ đồng. Và sau đó 17 phiên giao dịch thì NHNN đã hút về được khoảng 200.000 tỷ đồng. Điều này đã tạo tâm lý về việc dòng tiền ngắn hạn rút khỏi thị trường cho các nhà đầu tư, làm họ cũng trở nên thận trọng hơn.

Tiếp đến, vào đầu tháng 10 có hiện tượng call margin và giải chấp margin cũng tạo áp lực lớn cho thị trường. Đỉnh điểm sau đó đến phiên 26/10 VN-Index mở Gap-down giảm 20 điểm ngay đầu phiên và 26 điểm trong phiên tương đương 4.19% trước hai thông tin gồm:

(i) Country Garden - Tập đoàn Bất động sản hàng đầu Trung Quốc có nguy vơ vỡ nợ trái phiếu khi họ chưa thanh toán được khoản nợ đến hạn

(ii) VinGroup phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu hoán đổi thành cổ phiếu VHM, theo đó một lượng lớn cổ phiếu VHM được bán ra trong phiên này được cho là các nhà đầu tư đang bán cổ phiếu để hoàn tất giao dịch đầu tư trái phiếu.

PV: Trong năm 2023, mặc dù Việt Nam vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhưng VN-Index lại chưa thể bứt phá. Trong khi đó, chỉ số DowJones đã xác lập kỷ lục mới mặc dù FED vẫn neo lãi suất ở mức cao. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Ths. Phạm Quang Thịnh: Đặc thù của TTCK Việt Nam là đa số các cổ phiếu vốn hoá lớn đều thuộc nhóm Tài chính, trong Vn30 đã có đến 13 cổ phiếu Ngân hàng, 1 Công ty chứng khoán, 1 Công ty bảo hiểm và chỉ có duy nhất FPT thuộc nhóm cổ phiếu công nghệ. Ngược lại, các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu thì các cổ phiếu vốn hoá lớn hàng đầu đều thuộc nhóm công nghệ.

Khi lãi suất giảm thì các cổ phiếu công nghệ thường dẫn dắt thị trường. Do đó, VN-Index chưa tăng được một phần cũng là do vậy, phần còn lại thì ngàng Ngân hàng trong năm nay cũng chứng kiến sự chững lại lợi nhuận (ngoại trừ một số ngân hàng xử lý được nợ xấu hoặc bán vốn thì có lợi nhuận đột biến như STB).

Ngoài ra, khối Nước ngoài liên tục bán ròng cũng là lý do khiến chỉ số chưa thể bứt phá. Trong năm qua, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên tới 25,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc thoái vốn khỏi các cổ phiếu lớn như EIB, VPB, MWG, VHM hay MSN. Riêng tháng 12, khốii này tập trung bán mạnh thông qua khớp lệnh trên sàn được cho là việc các nhà đầu tư Thái Lan đang rút vốn về nước do:

(i) Chính sách thuế mới được áp dụng từ 1/1/2024.

(ii) Các khoản đầu tư vào TTCK Việt Nam của họ chưa hiệu quả.

(iii) Trong năm 2023 trong khi TTCK Việt Nam ghi nhận đà tăng thì TTCK Thái Lan lại giảm khoảng 20% do đó có khả năng họ rút vốn về để đầu tư chứng khoán trong nước.

PV: Sang năm mới 2024, ông có nhận định thế nào về triển vọng của thị trường chứng khoán cũng như các nhóm ngành tiềm năng?

Ths. Phạm Quang Thịnh: Trong năm tới, có 2 sự kiện mà nhà đầu tư nên quan tâm. Vấn đề đầu tiên chính là việc hệ thống KRX được vận hành chính thức, qua đó tạo tiền đề để triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường (rút ngắn thời gian giao dịch, margin cho khối ngoại, các sản phẩm về quyền chọn,…) tăng tính sôi động cho thị trường. Vấn đề thứ hai, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có thể được hiện rõ từ sau 30/06/2024, thời điểm Thông tư 02 hết thời hạn. về việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ.

Trong năm 2024, dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết khoảng 15,3% so với mức giảm 3,8% trong năm 2023. Trong Quý 3/2023 thì nhiều ngành nghề đã đi qua đáy lợi nhuận nhờ vào mức nền thấp trong bán niên sau 2022. Do đó, tôi cũng có dự báo khả năng trong năm 2024 VN-Index có khả năng quay trở lại chinh phục vùng 1.285-1.300 điểm tương ứng với kháng cự Fibonacci 0.618 và mức tăng trưởng lợi nhuận được dự báo của thị trường. Với bối cảnh của năm 2024, nhà đầu tư có thể quan tâm một số nhóm ngành:

Nhóm Chứng khoán: Dựa trên câu chuyện về hệ thống KRX vận hành có thể cải thiện thanh khoản thị trường từ đó tăng nguồn thu từ hoạt động môi giới. Bên cạnh đó, khi thị trường sôi động thì các doanh nghiệp cũng thực hiện huy động vốn thông qua việc phát hành thêm, IPO hay niêm yết mới và điều này sẽ tạo thêm nguồn thu phí từ hoạt động tư vấn IB cho các công ty chứng khoán.

Nhóm Xây dựng hạ tầng (Đầu tư công): Các siêu dự án như Sân bay Long Thành (110 nghìn tỷ đồng), Cao tốc Bắc Nam (147 nghìn tỷ đồng), Vành Đai 4 - Hà Nội (85 nghìn tỷ đồng), Vành Đai 3 - TP.HCM (75 nghìn tỷ đồng),.. là động lực chính của nhóm này. Dư địa còn lớn khi Chính Phủ đặt mục tiêu 2023 phải giải ngân được tối thiểu 95% vốn đầu tư công trong tổng 711 nghìn tỷ kế hoạch, tuy nhiên trong 11 tháng thì tỷ lệ này đang dừng ở mức 65% do đó công việc sang năm 2024 vẫn còn rất nhiều cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Nhóm Thép: Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này đã bắt đầu khả quan trở lại trong năm 2023 trong khi năm 2022 khó khăn khi các doanh nghiệp đầu ngành cũng phải báo lỗ. Bên cạnh đó, giá HRC đã tạo đáy thứ hai hồi tháng 9-10/2023 và tăng trở lại khoảng gần 70% (về quanh 1.130$/tấn) và hình thành mẫu hình hai đáy trên đồ thị kỹ thuật cho xu hướng tăng trong tương lai.

Nhóm Khu công nghiệp: Đón dòng vốn FDI từ năm 2024-2025 với một số dự án lớn phải kể đến như Polytex Far Eastern 1.250 triệu USD vào Becamex Bình Dương, Hosung 1.000 triệu USD vào Phú Mỹ II IDC, Fulian Precision Technology 621 triệu USD vào KBC Bắc Giang, Amkor Technology 520 triệu USD vào VGC Bắc Ninh,…

VN-Index vượt kháng cự 1.130 điểm trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2023

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, thị trường chứng khoán diễn biến tương đối tích cực khi vượt mốc kháng cự với ...

VN-Index "trùng chân" tại vùng kháng cự, dòng tiền cá mập bứt tốc cuối phiên

Diễn biến ngày giao dịch thứ Sáu (29//12), thanh khoản thị trường duy trì ở mức ổn định, lực mua áp đảo toàn phiên, nhóm ...

Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán năm qua: Độ "lệch pha" có lớn?

VN-Index năm 2023 tăng 12,2%, chốt ở 1.129,93 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 12,53%, chốt ở 231,04. Tuy nhiên, mức điểm này thấp hơn ...

Thiên Dương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán