Nhìn lại thập kỷ gian nan của Vibex dưới thời ''nữ tướng'' Lê Thanh Hương

(Banker.vn) Tháng 11 tới, Vibex tròn một thập kỷ dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Thanh Hương. Trong hành trình giai nan đó là những điểm xuyến gì?
Hộp thư ngày 23/4: Chậm chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên; phản ánh về Phòng khám CheongDam-Dong CEO Huỳnh Bích Ngọc - người truyền cảm hứng cho nhiều nữ doanh nhân 10 quy tắc trong công tác điều hành doanh nghiệp của doanh nhân Đặng Văn Thành

Bài toán khó

Công ty Cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Nội - Vibex tiền thân là một nhà máy bê tông đúc sẵn được thành lập tháng 5/1961 ở Hà Nội, trực thuộc Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng).

Tháng 12/1982, nhà máy bê tông này được đưa về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp). Đến cuối năm 2005, sau nhiều lần chuyển đổi, cuối cùng Vibex chính thức ra đời dưới mô hình hoạt động công ty cổ phần và duy trì vận hành đến ngày nay.

Nhìn lại thập kỷ gian nan của Vibex dưới thời ''nữ tướng'' Lê Thanh Hương
Trụ sở chính của Vibex tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Gần 10 năm trở lại đây, Vibex được chèo lái bởi "nữ tướng" Lê Thanh Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, từ tháng 11/2014. Không thể phủ nhận những khó khăn và thách thức hiện hữu khi bà Hương tiếp quản vai trò dẫn dắt Vibex từ ông Nguyễn Thanh Sơn. Tuy nhiên, bà Hương cũng đã có cho mình khoảng thời gian đủ dài, chứa đựng không ít yếu tố cơ hội về thị trường để tạo sức bật kéo Vibex ra khỏi vũng lầy suy thoái.

Song, viễn cảnh tương lai khác biệt đã thật xa vời, thực tế Vibex đã và đang tiếp tục trở thành một trong số doanh nghiệp có gốc nhà nước, được cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả nhất, gây ra nhiều bàn tán trong dư luận.

Nhìn lại quá khứ, trong năm đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Lê Thanh Hương đứng trước bài toán mất cân đối tài chính khá nghiêm trọng tại Vibex. Theo báo cáo của ông Nguyễn Viết Chi, lúc này là cổ đông lớn đại diện cho hơn 4,2 triệu cổ phần, tương đương 60% vốn điều lệ, cho biết: "Số vốn bằng tiền của toàn công ty tính đến 31/10/2014 là 1,2 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả đã gần 238 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đang mất khả năng thanh toán, để tiếp tục hoạt động thì phải thanh toán các khoản nợ".

Không riêng gì ban lãnh đạo Vibex, gần 600 cổ đông là tổ chức, cá nhân doanh nghiệp khi đó cũng như "ngồi trên đống lửa", nhốn nhào truy vấn trách nhiệm thông qua các câu hỏi như: Ai là người gây ra tình trạng nợ nần này? Thua lỗ liên tiếp dẫn đến mất vốn thì trách nhiệm thuộc về ai?...

Câu hỏi trách nhiệm đến giờ vẫn đang bỏ ngỏ, chỉ biết giải pháp Hội đồng quản trị đưa ra để khắc phục thua lỗ là tận thu các khoản nợ khó đòi đã trích quỹ dự phòng, cắt giảm chi phí quản lý, thực hành tiết kiệm, tái sử dụng tài sản, công cụ đã khấu hao nhưng vẫn sử dụng được, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp...

3 năm sau, tại phiên Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 ngày 9/2/2018, bà Lê Thanh Hương vẫn ngậm ngùi lên báo cáo trước cổ đông, nói rằng Vibex chưa thoát khỏi tình trạng báo động đỏ, mất khả năng thanh toán, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu, và những mong cổ đông sẽ thông cảm, chia sẻ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Như vậy phương án giải vây cho Vibex mà bà Hương chấp bút lúc này chưa cho thấy được sự hiệu quả nhất định.

Bản lĩnh "nữ tướng"

Năm 2018, ngoài yếu tố vĩ mô ủng hộ, Vibex cũng đón được cơ may lớn khi dự án Khu đô thị Vibex (thuộc địa bàn phường Đức Thắng, Đông Ngạc và Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích lên đến gần 50ha, quy mô dân số 7.000 người. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 7.000 tỷ đồng.

Đây là bước tiến đáng chú ý, gỡ "nút thắt" tồn đọng cả thập kỷ cho chủ đầu tư. Cần biết, Khu đô thị Vibex vốn được quy hoạch từ năm 2010 nhưng không triển khai, đến năm 2017 quy hoạch lại đã lấy ý kiến nhân dân nhưng không nhận được sự đồng thuận. Cử tri quận Bắc Từ Liêm sau đó có kiến nghị gửi lãnh đạo Hà Nội, cho rằng chủ đầu tư còn có dấu hiệu báo cáo sai nguồn gốc đất: Đất nhân dân đang sử dụng lại báo cáo là đất nông nghiệp.

Cử tri nhấn mạnh, việc phê duyệt dự án đã làm ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm hộ dân nên đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét, xử lý trách nhiệm đồng thời điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, đằng sau những ý kiến phản đối kịch liệt đó, thành phố vẫn phê duyệt quy hoạch và giữ nguyên theo đề xuất của chủ đầu tư, tạo ra làn sóng tranh cãi kéo dài nhiều năm.

Nhìn lại thập kỷ gian nan của Vibex dưới thời ''nữ tướng'' Lê Thanh Hương
Khu đô thị Vibex hiện trạng là khu đất bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường quận Bắc Từ Liêm

UBND TP. Hà Nội tin tưởng là vậy, sẵn sàng gỡ vướng cho dự án 7.000 tỷ đồng trong khi chủ đầu tư âm vốn chủ sở hữu (theo quy định pháp luật, vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư), nhưng Vibex dưới thời "nữ tướng" Lê Thanh Hương vẫn để tuột mất cơ hội "đổi đời" này.

Dự án Khu đô thị Vibex đến giờ chưa có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, khu đất rộng 50ha tiếp tục bỏ hoang giữa lòng thành phố, ngổn ngang là những vật liệu xây dựng hoen gỉ, bôi xấu bộ mặt của Thủ đô trước đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, năm 2020, Vibex còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đích danh là doanh nghiệp vi phạm quy định về hậu cổ phần hóa, nhiều năm trì trệ không đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch, không báo cáo đầy đủ, thiếu minh bạch trong công bố thông tin (thiếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017, 2018; Báo cáo thường niên năm 2017, 2018; tài liệu họp và nghị quyết, biên bản họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, 2018). Với hai vi phạm trên, cơ quan chức năng quyết định phạt Vibex số tiền 370 triệu đồng.

Tuy nhiên, điểm sáng là Vibex năm 2018 đã phát hành thành công 5,1 triệu cổ phần, tăng vốn điều lệ từ 85 tỷ đồng lên 136 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận cao đột biến 32,4 tỷ đồng nhờ hoàn nhập khoản nợ khó đòi trên 27 tỷ đồng. Các nghiệp vụ tài chính khác giúp Vibex đột nhiên "hồi sinh", từ âm vốn 21,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng vọt lên 178,6 tỷ đồng (16,1 tỷ đồng hình thành từ thặng dư vốn cổ phần).

"Diễn xiếc" trên thị trường chứng khoán?

Trở lại với những vi phạm của Vibex, giấu nhẹm thông tin bắt buộc phải công khai theo luật định, ngăn cản cổ đông và công chúng tiếp cận số liệu tài chính, báo cáo hoạt động của Vibex là những gì đã tồn tại ở doanh nghiệp nhiều năm. Chưa dừng lại ở đó, Vibex thậm chí còn "diễn xiếc" với cơ quan chức năng, biểu diễn màn "lướt sóng" ngay trên thị trường chứng khoán khiến giới đầu tư không khỏi bất bình.

Giữa tháng 4/2021, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - VDS cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 16/2021/GCNCP-VSD ngày 15/4/2021 và cấp mã chứng khoán cho Vibex là VBX, đồng thời chứng nhận lưu ký 13,6 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp. Quyết định này thu hút sự quan tâm của thị trường, bởi thông thường doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đưa cổ phiếu lên giao dịch sau khi thực hiện xong các bước chuẩn bị quan trọng này. Địa chỉ cổ phiếu VBX dự định "đổ bộ" là thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tuy nhiên, chưa nổi 2 tuần sau, Vibex bất ngờ bị hủy tư cách công ty đại chúng, đồng nghĩa với đó cổ phiếu VBX sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội lên sàn. Giới đầu tư hụt hẫng, vì lẽ các doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hóa lên sàn luôn là mặt hàng được ưa thích nhất, luôn nhận được nhiều sự quan tâm và sẽ có những "cá mập" không ngại chi "tiền núi" để sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp. Trường hợp xuất hiện những nhà đầu tư mới, tạo động lực đáng quý kéo doanh nghiệp ra khỏi trạng thái sa sút xưa nay không hề hiếm.

Dù vậy, dường như những người chủ của Vibex lại thấy sự phiền toái nhất định khi lên sàn. Phải pha loãng tỷ lệ sở hữu (đi đôi với pha loãng quyền lực tại doanh nghiệp), rồi phải đáp ứng các quy chuẩn công bố thông tin nghiêm khắc... liệu có là mục đích để Vibex hủy tư cách công ty đại chúng hay không?

Chỉ biết, tính tại thời điểm tháng 11/2021, 19 cổ đông của Vibex theo thống kê đã sở hữu trên 12,4 triệu cổ phần, tương đương trên 91% vốn điều lệ doanh nghiệp. Trong khi theo quy định tại Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019, công ty đại chúng phải có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ. Động thái trên xảy ra sau khi Hancorp thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi Vibex từ năm 2020.

Về tình hình hoạt động kinh doanh, theo tài liệu của Báo Công Thương, từ năm 2019 - 2021, doanh thu của Vibex trượt dốc từ 137,9 tỷ đồng xuống 28,2 tỷ đồng rồi 23,5 tỷ đồng. Tương ứng với đó, doanh nghiệp báo lỗ ròng 1,2 tỷ đồng, 2,7 tỷ đồng và 17,3 tỷ đồng. Cuối năm 2021, nợ phải trả của Vibex là 320,3 tỷ đồng, trong đó 54,1 tỷ đồng là nợ vay dài hạn tới từ chủ nợ - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Tây Hà Nội. Lỗ lũy kế của doanh nghiệp là 16,4 tỷ đồng.

Hoa Đông

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục