Nhìn lại nhịp tăng ấn tượng của cổ phiếu "trùm" khu công nghiệp phía Nam

(Banker.vn) Thời gian gần đây, cổ phiếu BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP Becamex xuất hiện nhịp sóng tăng tăng khá tốt sau thông tin doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước.

Nhịp tăng ấn tượng của cổ phiếu BCM bắt đầu từ ngày 23/4 đến ngày 21/5/2024, khi ghi nhận mức tăng 27,3% lên 64.300 đồng/cổ phiếu. Không chỉ giá mà thanh khoản của Becamex IDC cũng tăng mạnh trong giao đoạn này, khi có liến tiếp các phiên giao dịch khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu, gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đó.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước tại Becamex từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Đây là cơ sở để cổ đông nhà nước bán vốn và giảm sở hữu tại Becamex.

Nhìn lại nhịp tăng ấn tượng của cổ phiếu
Nhịp tăng ấn tượng của cổ phiếu BCM bắt đầu từ ngày 23/4 đến ngày 21/5/2024

Đây không phải lần đầu tiên Nhà nước lên kế hoạch bán vốn tại Becamex. Trước đó, vào tháng 12/2017, cổ đông Nhà nước chào bán 311,2 triệu cổ phiếu BCM (khoảng 23,6% vốn điều lệ tại thời điểm đó) với giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu, nhưng chỉ bán được 18,95 triệu cổ phiếu, tương ứng 6% khối lượng chào bán. Đầu năm 2018, cổ đông Nhà nước tiếp tục chào bán 296,46 triệu cổ phiếu BCM nhưng chỉ bán được hơn 5,09 triệu đơn vị, với giá 31.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau hai lần chào bán liên tiếp, cổ đông Nhà nước chỉ bán được hơn 24,09 triệu cổ phiếu BCM, tương đương 7,7% tổng số cổ phần chào bán - một tỷ lệ khá "khiêm tốn".

Đánh giá về động thái muốn giảm sở hữu nhà nước tại Becamex gần đây, SSI Research cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu thông qua phát hành tăng vốn điều lệ (cổ đông Nhà nước không tham gia mua) sẽ khả thi hơn và qua đó, Becamex tăng quy mô vốn chủ sở hữu, hạ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống. Ngoài ra, nhờ có thêm vốn mới, Công ty sẽ bổ sung đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có thông tin chính thức về việc Becamex được phê duyệt giảm vốn nhà nước, kế hoạch bán vốn chi tiết chưa được công bố. Vì vậy, hãy còn quá sớm để nói về định giá cổ phiếu BCM, về tác động của đợt thoái vốn với diễn biến cổ phiếu trên sàn cũng như khả năng thành công của thương vụ.

Việc thông qua kế hoạch giảm vốn Nhà nước tại Becamex mới chỉ là điểm khởi đầu. Quá trình bán vốn nhà nước cần trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước, việc cổ phiếu BCM bật tăng trong tuần vừa qua chủ yếu mang yếu tố tâm lý ngắn hạn.

Còn với MBS Research, triển vọng của cổ phiếu Becamex đến từ ngành bất động sản khu công nghiệp khởi sắc khi thu hút FDI tích cực hơn nhờ Việt Nam tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cộng thêm các dự án khu công nghiệp lớn được đẩy mạnh đầu tư.

Cũng theo chuyên gia phân tích của MBS, với BCM, nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro với cổ phiếu này như rủi ro từ suy thoái kinh tế khiến nhu cầu thuê đất công nghiệp giảm sút; Rủi ro giải phóng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ; Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao hơn dự kiến và rủi ro từ chính sách vĩ mô trong nước, các rào cản thương mại, hiệp định khu vực, toàn cầu mà Việt Nam tham gia.

Nhìn lại nhịp tăng ấn tượng của cổ phiếu

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm, Becamex ghi nhận doanh thu đạt 812 tỷ đồng, nhích nhẹ so với mức gần 792 tỷ đồng của cùng kỳ. Hơn phân nửa nguồn thu của công ty đến từ kinh doanh bất động sản, còn thiểu số đến từ bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 119 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng tài sản tính đến cuối quý 1/2024 đạt 54.069 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho chiểm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản với 38%, tương đương 20.348 tỷ đồng. Công ty hiện có hơn 34.543 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Theo báo cáo thường niên mới công bố, kế hoạch kinh doanh của công ty mẹ năm nay lần lượt là doanh thu tăng 4% lên 7.569 tỷ đồng và lợi nhuận tương đương mức 1.666 tỷ đồng của năm 2023.

Cơ hội để dòng vốn ngoại "chen chân" vào BCM

Theo tìm hiểu, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại BCM hiện chỉ ở mức 1,4%. Trong khi đó, vào năm 2019, BCM đã xác định room ngoại ở mức 49%, kỳ vọng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạng lại tính thanh khoản tốt cho cổ phiếu BCM, cải thiện khả năng huy động vốn cho công ty trong các đợt phát hành cổ phiếu. Như vậy, việc thoái vốn Nhà nước của BCM có thể là cơ hội cho khối ngoại mua vào cổ phiếu BCM với số lượng lớn.

VN-Index tụt sát mốc 1.265 điểm, FPT và HPG dẫn đầu dòng tiền cá mập

Thị trường phiên 30/5 ghi nhận sắc đỏ áp đảo trên cả 3 sàn chứng khoán. VN-Index bị kéo về sát mốc 1.265 điểm, dòng ...

Khối ngoại phiên 30/5: Một cổ phiếu bị bán ròng đột biến gần 2.000 tỷ đồng

Sau loạt biến động với lực bán áp đảo trong ngày, VN-Index lùi về sát mốc 1.265 điểm. Khối ngoại có phiên bán ròng đột ...

Nhận định chứng khoán phiên 31/5: Xu hướng giảm điểm chưa kết thúc

Nhận định về thị trường chứng khoán phiên sắp tới, BSC cho rằng, VN-Index tiếp tục mở rộng biên độ giao dịch, vùng 1.250 – ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán